Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đầu bạc phơ nhưng trông cụ Hướng vẫn còn khỏe khoắn lắm. Hôm tôi đến, cụ mặc mỗi chiếc quần đùi rồi nhảy ùm xuống ao vệ sinh cho mớ trai đang nhả ngọc, bất chấp mưa như trút.
Độc chiêu “hô biến” ngọc trai
Tiếp tôi tại căn phòng khách đơn sơ, cụ Hướng bày lên bàn một số phù điêu bằng ngọc trai được cụ thực hiện từ vài năm nay. Mới gặp, nếu chưa biết, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là những phù điêu được đúc bằng… nhựa chứ không phải bằng ngọc trai. Vài năm trước, chính một lãnh đạo của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi mới thấy các phù điêu này cũng đã nhầm tưởng được làm bằng nhựa.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu, cụ Hướng có thể bắt con trai nhả ra bất cứ phù điêu ngọc nào cụ muốn.
Thấy chúng tôi còn đang mải nhòm ngó mấy phù điêu, cụ Hướng bật cười ha hả, rồi nói: “Năm ấy, khi thành công với các phù điêu ngọc tôi đã ôm mấy cái đi Sài Gòn để giới thiệu sản phẩm. Lãnh đạo Công ty PNJ khi thấy tôi chìa các phù điêu này đã quát ầm lên. Ông ấy bảo không có thời gian để đùa giỡn với tôi vì tôi đưa cho ông mấy cái phù điêu bằng… nhựa”.
Nghe cụ nói vậy, tôi hỏi làm thế nào để cho trai nhả ra mấy cái phù điêu ngọc này? Cụ Hướng không nói gì mà chìa cho tôi xem một trang tài liệu nuôi trai lấy ngọc, trong đó có đoạn viết: “Người Trung Quốc đã biết sản xuất ngọc trai nước ngọt đầu tiên trên thế giới. Họ đã đặt những tượng Phật nhỏ xíu vào trong những loài trai to. Sau 4 -5 năm, các tượng này được phủ một lớp xà cừ và trở thành phù điêu ngọc trai. Họ xem đó là Thánh vật”. Cụ thổ lộ, sau khi đọc tài liệu này cụ đã làm theo để tìm một sản phẩm đột phá, chứ làm ngọc truyền thống sẽ không cạnh tranh lại các sản phẩm khác trên thị trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện được điều này, cụ Hướng đã phải thay đổi phương pháp cấy phôi. Thay vì mở miệng trai rồi cấy biểu tượng vào thịt, cụ Hướng cắt vỏ trai rồi cấy biểu tượng vào màng trai. Tuy nhiên, trai chết gần như 100% khi cụ Hướng làm theo phương pháp này. Và cứ năm này qua năm khác, cụ Hướng túc tắc đi mua trai về cấy. Trai cấy bao nhiêu chết bấy nhiêu. “Hàng tấn vỏ trai đang nằm dưới bàu nước tôi nuôi trai. Nản lòng không sao kể xiết, đôi lúc tôi định bỏ cuộc”- cụ Hướng tâm sự. Thấy trai chết hoài, cụ mày mò tìm hiểu và cuối cùng cũng tìm ra nguyên nhân tại sao trai chết. “Tôi suy nghĩ nát óc mới biết rằng tuyệt đối khi cắt vỏ trai không được để lưỡi cắt làm rách màng trai”- cụ Hướng nói. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là mốc khởi đầu một cuộc chơi trí tuệ với trai của một lão nông chỉ “biết đọc, biết viết” như cụ Hướng. Việc chế ra máy cắt vỏ trai chính xác đến từng milimét để không phạm đến màng của con trai thực tế chỉ làm cho chúng hạn chế chết chứ không quyết định chất lượng sản phẩm.
Giữ được trai sống, cụ Hướng bắt đầu có những sản phẩm đầu tay, nhưng những phù điêu bằng ngọc này chưa đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường vì đường nét, màu sắc… khá nhạt nhòa. Việc sau khi cấy phù điêu vào giữa hai màng trai rồi hút chân không mới là một bước đột phá lớn trong quá trình cho ra sản phẩm chất lượng cao của cụ Hướng. Tiếp câu chuyện với chúng tôi, cụ giải thích: “Sau khi đặt phôi vào giữa hai màng trai, việc hút chân không sẽ làm cho hai màng này ôm lấy hoàn toàn phù điêu, khiến đường nét sản phẩm sau này sẽ tinh xảo, màu sắc cũng đẹp hơn”.
Cần một nhà đầu tư liên kết sản xuất ngọc trai
Có được thành công như ngày hôm nay, đối với cụ Hướng phải ngược về mốc thời gian của 20 năm trước. Chẳng là thời đó, ở huyện Tân Phú đã có phong trào nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Rất nhiều nông dân trong huyện được cho đi tập huấn để nuôi trai. Nhưng, phong trào chẳng mấy chốc đã phá sản vì trai nước ngọt cỡ lớn rất hiếm.
Từ đó đến giờ, chẳng còn mấy ai ở huyện Tân Phú theo nghề nuôi trai lấy ngọc nữa. Có chăng chỉ còn lão nông “khùng” như cụ Hướng, và cụ đã mất hơn 20 năm để tìm ra phương pháp cho trai nhả ra những phù điêu ngọc này. “Tôi miệt mài nghiên cứu cấy phù điêu vào trai suốt hơn 20 năm nay. Có những lúc dân ở đây gọi tôi là lão khùng. Bây giờ xem như đã thành công rồi”- cụ Hướng nói.
Một số người dân ở đây kể, có khi 1, 2 giờ sáng thấy cụ Hướng nhảy xuống bàu nước nuôi trai rồi săm soi đèn pin xem trai sống hay chết. Những lúc như thế, bà con chòm xóm lo cho cụ lắm. Anh Minh - một nông dân trong xóm thổ lộ: “Bọn tôi lo cho ông cụ lắm. Nghe đâu số trai ông cấy nuôi có sống con nào đâu. Cứ miệt mài như thế sớm muộn gì cũng khùng mà thôi”.
Rồi đùng một cái, cụ Hướng ôm về cái bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai với thành tích đoạt giải Ba “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai” công trình cho trai nhả phù điêu ngọc. Trả lời lý do tham dự hội thi, cụ Hướng cho biết: “Ông Tĩnh (đại tá Lê Xuân Tĩnh - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự huyện Tân Phú) xúi tôi đi dự giải đó chứ. Ổng bảo nên đi thi để tạo đà sau này đăng ký sở hữu trí tuệ, chứ không khéo người khác lấy mất. Nghe bùi tai tôi ôm hồ sơ đi thi, không ngờ đoạt giải”.
Theo cụ Hướng, Sở KHCN tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích cụ làm hồ sơ lấy giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu. Họ bảo cứ làm hồ sơ rồi đóng tiền làm đi, nếu được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ thì họ sẽ hoàn tiền lại cho mình. Tuy nhiên, cho đến bây giờ cụ Hướng vẫn chưa làm nổi việc này vì nhà nghèo quá, không có tiền để làm giấy đăng ký.
Đăng ký sở hữu trí tuệ là một chuyện, nỗi khắc khoải nhất của cụ Hướng lúc này đó là triển khai công nghệ sản xuất phù điêu ngọc trai. “Tôi không đủ khả năng để đưa công trình nghiên cứu của mình ra sản xuất đại trà. Tôi đang cần một nhà đầu tư để hợp tác làm ăn. Tôi không nghĩ mình mất hàng chục năm nghiên cứu giờ thành công chỉ để… chơi”-cụ tâm sự.
Chiều xuống, mưa ào ạt bên ngoài. Cụ Hướng bảo tôi ra hàng hiên nhà ngồi ngắm cái bàu nước nơi cụ đang thả trai nuôi lấy phù điêu ngọc. Ở cái bàu này, cụ Hướng đang nuôi 37 con trai với hơn 120 phù điêu. Theo cụ Hướng, bây giờ nếu thích phù điêu nào là cụ cho con trai nhả phù điêu đó.
Kẹt là khi mùa mưa thì cái bàu này dồi dào nước, nhưng khi mùa nắng đến cái bàu này lại cạn trơ đáy. Và thế là cụ Hướng lại tất tả cho việc đưa số trai đang nhả ngọc đi di trú ở nơi khác. Theo cụ Hướng, việc này bất đắc dĩ phải làm chứ con trai đỏng đảnh lắm, sơ sẩy một tí là chết hết. Song cụ cũng cho biết, ông Minh (Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Hồng Minh) đã hứa giúp tìm một nơi để nuôi số trai này khi mùa khô đến.
Thực ra, thời gian qua cũng có vài doanh nghiệp đến nhà cụ Hướng đặt vấn đề hợp tác sản xuất phù điêu ngọc trai nhưng bất thành. Bởi theo cụ, qua trao đổi với nhau, cụ có cảm giác họ muốn lấy công nghệ làm phù điêu ngọc trai hơn là hợp tác làm ăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.