dd/mm/yyyy

Lão nông lộ bí quyết trồng lúa chín vàng, hạt mẩy mà không phun thuốc

Bí quyết trồng lúa không phun thuốc mà vẫn được mùa, được ông Võ Lê Hưng áp dụng từ 10 năm nay. Cách làm của ông được bà con địa phương học hỏi và áp dụng.

Ông Hưng trồng lúa không phun thuốc nhưng năng suất vẫn đạt cao.

Bí quyết xạ thưa và xử lý giống

Đưa chúng tôi tham quan cánh đồng rộng lớn đang vào mùa chín rộ, lúa đã ngã vàng cho ra trĩu hạt, ông Võ Lê Hưng (chi hội trưởng chi hội 4, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) phấn khởi cho biết, ý tưởng trồng lúa không phun thuốc đã được thí điểm thành công hơn 10 năm nay và hiện đang nhân rộng cho nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã.

Từ diện tích trên 3 sào thí điểm đầu tiên, đến nay ông đã nhân rộng được trên 34 sào cho diện tích của mình. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất được 2 vụ lúa, năng suất đạt trên 25 tấn/năm, với giá bán từ 5.000 – 5.500 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 50 – 60 triệu đồng/năm, thậm chí có năm thu trên 70 triệu đồng. 

Ông Hưng bộc bạch, các hộ nông dân ở địa phương trước đây thường sản xuất lúa truyền thống theo phương pháp gieo sạ với mật độ dày đặc. Thực sự cách làm này hiệu quả mang lại không cao và gặp không ít bất cập trong sản xuất như: Tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư cao, rất dễ phát sinh côn trùng gây hại cho ruộng lúa. Mặc khác, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng mỗi khi tiêu thụ lúa gạo có sử dụng thuốc.

Đứng trước thực trạng trên, hàng đêm ông trăn trở làm cách nào để sản xuất hạt lúa vừa đảm bảo chất lượng và vừa an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Cái khó lại ló cái không, qua nhiều vụ đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu, ông đã chọn hướng đi đột phá bằng cách “Gieo thưa, sạ thưa và xử lý hạt giống trước khi gieo trồng”.

Những ngày đầu ông Hưng mới bắt tay vào thí điểm, các hộ xung quanh khu vực trồng lúa không đồng tình, mà rỉ vào tai nói ông “lười biếng, trồng lúa sao không phun thuốc lấy gì ăn”. Thế nhưng, ông vẫn bỏ ngoài tai chuyện thiên hạ và quyết tâm thực hiện bằng được giấc mơ của mình.

Ông chia sẻ, xưa kia nông dân hay sạ với mật độ từ 10 – 12kg/sào (500m2) và hiện nay người dân đã thay đổi tư duy sản xuất chỉ còn gieo số lượng giống từ 7- 8kg/sào. Những năm gần đây, ông Hưng luôn áp dụng thành công theo phương pháp gieo sạ với mật độ thưa 7kg/sào, tuyệt đối không sử dụng phun thuốc. Bình quân mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng tiền phun thuốc và năng suất luôn luôn ổn định đạt trên 350kg/sào (500m2), thương lái đến thu mua lúa của gia đình ông nờm nợm.

Làm lúa sạch giảm chi phí

Ông luôn đau đáu với những người trồng lúa, bởi họ luôn đối diện với thời tiết khắc nghiệt, năm nào gặp thời tiết bất lợi thì họ chính là những người ôm khoảng nợ không hề nhỏ. Lúa những vụ nào đạt ông vùng vui mừng cùng nông dân, còn những vụ thất bại, với vai trò là chi hội trưởng ông đến nhà động viên, chia sẻ khó khăn để vượt qua – ông Hưng nói.

 Bí quyết trồng lúa không phun thuốc của ông Hưng giảm chi phí mà năng suất vẫn cao

Từ thành công mà nhiều hộ đã tìm đến học tập kinh nghiệm quý báu trong sản xuất để áp dụng vào thực tế. Đến nay, cánh đồng xã Diên Lạc đã có 30% bà con nông dân áp dụng theo phương pháp không sử dụng thuốc, năng suất đều ổn định.

Ông Hưng nhẩm tính, cứ mỗi vụ nếu bà con phun phải tốn 90.000 đồng tiền công và 150.000 đồng tiền thuốc. Năm 2017, ông cũng là hộ tiên phong mang giống lúa An Sinh 1399 của Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) về trồng, ruộng lúa đang chuẩn bị thu hoạch, ông khẳng định năng suất chắc chắn sẽ vượt trội hơn các giống lúa khác.

Bà Phạm Thị Thanh Nga – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Lạc cho hay, với cách làm độc đáo của gia đình ông Hưng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trên địa bàn. Những năm qua, ông cũng luôn tích cực giúp đỡ cho các hộ khó khăn về giống sản xuất và vốn, bình quân cứ mỗi vụ ông giúp 20 hộ nông dân, với tổng cộng trên 400kg lúa giống.

Công Tâm