Lập hàng rào bảo hộ sản phẩm chăn nuôi

Đình Thắng Chủ nhật, ngày 28/06/2015 08:00 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia nhận định, để hội nhập TPP thành công, ngành chăn nuôi cần phải đổi mới cả tư duy và hành động, bên cạnh đó là sự đồng hành của Nhà nước bằng cách ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hạn ngạch, hàng rào kỹ thuật, hành lang pháp lý, chỉ đạo bộ ngành, địa phương quản lý tốt nguồn giống; công tác thú ý; tổ chức lại sản xuất, đồng thời đẩy mạnh công tác thị trường, xúc tiến thương mại.
Bình luận 0

Lập hàng rào kỹ thuật

Khi ký Hiệp định TPP thì thuế sẽ không còn là vấn đề nữa vì các nước sẽ chấp nhận giảm thuế về 0% cho tất cả các mặt hàng. Và lúc đó Việt Nam sẽ phải phát triển giống như các nước khi tham gia các hiệp định, đó là phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật. Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Với chăn nuôi thì hội nhập trong bối cảnh rào cản kỹ thuật chưa có hoặc hoặc còn kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài và chăn nuôi trong nước không bảo vệ được.

img
Việt Nam có thể đưa ra hạn ngạch các loại thịt được nhập vào nước ta mỗi năm để bảo vệ sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Chế biến thịt lợn tại Công ty Đức Việt (Hưng Yên). Ảnh:  Nhật Anh
Theo ông, song song với các chính sách phát triển chăn nuôi trong nước đó thì một số biện pháp bảo hộ Nhà nước cần tính đến: Thứ nhất là bảo hộ bằng lộ trình thuế quan. Thứ hai, bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (TBT, SPS). Nhóm biện pháp này được thừa nhận trong WTO và được sử dụng rất phổ biến ở các nước đối tác như Mỹ, Australia, New Zealand…

 

TS Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) và nhiều chuyên gia kinh tế, nông nghiệp khác cũng đồng trình là việc gấp rút soạn thảo và đưa ra được các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ các sản phẩm chăn nuôi khi gia nhập TPP là 1 trong 3 giải pháp lớn mà Nhà nước cần thực hiện. Khi hội nhập TPP, chúng ta đồng ý nhập hàng hóa từ những nước khác với thuế suất 0%, tuy nhiên nhập cái gì và nhập như thế nào là do chúng ta quyết định. Ví dụ như mặt hàng gia súc, gia cầm, chúng ta đồng ý cho các nước như Mỹ, Australia, Thái Lan… bán hàng vào, tuy nhiên phải nhập nguyên con, không cho nhập riêng phần thăn, đùi, móng hay ba chỉ, nội tạng… Đấy là hàng rào kỹ thuật mà chúng ta cần xây dựng cụ thể, bởi vì hiện nay trên thực tế có những nước chỉ cần bán một sản phẩm trên con gia súc người ta đã có lãi rất lớn, thậm chí dư tiền để tiêu hủy những phần còn lại của gia súc (chân, cánh, đầu, móng, nội tạng…) vì nhiều nước không ăn những bộ phận đó. Thế nhưng nếu chúng ta không đưa hàng rào kỹ thuật quản lý tốt thì chính những phần còn lại của con gia súc đó thay vì tiêu hủy ở nước bạn, họ lại nhập sang nước ta.

Theo tìm hiểu của NTNN, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, khi nuôi gia cầm họ chỉ cắt phần ức để chế biến và bán cho nước ngoài, chỉ với phần ức này, họ đã thu đủ lãi cho cả một con gà, những phần còn lại như đùi, cánh, chân được nhập sang Việt Nam với giá bán rất thấp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, song song với việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, nhà nước phải xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn để những nước có nguy cơ dịch bệnh dứt khoát không cho bán hàng vào Việt Nam. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần nghiên cứu đưa ra hạn ngạch để ấn định số lượng hàng hóa nhập vào nước ta mỗi năm.

Cần có chính sách “lách” luật

Quan điểm

Chuyên gia Bùi Kiến Thành
  Kinh tế thế giới đã thay đổi rất nhiều. Họ cạnh tranh bằng công nghệ, kỹ thuật mà mình cứ vác cuốc, vác xẻng mãi thì có cạnh tranh nổi không?! Do vậy, chính sách của Nhà nước phải làm sao cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước phát triển tốt. 
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, khi tham gia sân chơi quốc không có nước nào được quyền bảo trợ sản phẩm, nếu bảo trợ sản phẩm là vi phạm luật quốc tế. Vì vậy chúng ta cần đưa ra các chính sách “lách” luật, nhiều nước khác cũng làm điều tương tự. Theo chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng, Nhà nước sẽ không hỗ trợ các hộ sản xuất về giống, thức ăn… vì như thế sẽ vi phạm bảo trợ sản phẩm, nhưng Nhà nước có quyền đưa ra các chính sách nhằm đảm bảo về an toàn thực phẩm và môi trường - không bị coi là bảo trợ sản phẩm. Dẫn chứng cụ thể, nếu gia súc của các hộ dân thải ra môi trường những chất gây ảnh hưởng đến những người xung quanh thì rõ ràng các hộ chăn nuôi sẽ phải bỏ chi phí ra để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, và như thế chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Tuy nhiên thay vì để các hộ dân bỏ chi phí làm chuyện đó, nhà nước sẽ đầu tư hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo môi trường cộng đồng. Và như vậy chi phí sản xuất của các hộ dân sẽ giảm xuống, mà chúng ta lại không vi phạm luật quốc tế.

 

Mặc dù lộ trình đàm phán TPP đã đi vào giai đoạn nước rút và thách thức từ việc áp dụng những quy định mới của luật chơi đã nhìn thấy ở phía trước, song điều đáng lo ngại hiện nay đối với ngành chăn nuôi trong nước chính là “khoảng trống thông tin”. Ngoài một số ít doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu từ thị trường, đa số người chăn nuôi vừa và nhỏ dường như chưa có kiến thức để chuẩn bị hành trang ứng phó. Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi chỉ nghe nói qua báo, đài về vấn đề hội nhập, tham gia TPP nhưng chưa hiểu cụ thể ảnh hưởng của làn sóng này ra sao. Trong khi đó, chưa có cơ quan nào đứng ra thông tin hay hỗ trợ cho người chăn nuôi tiếp cận các giải pháp để thích ứng trong cơ chế mới”.

Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ riêng người chăn nuôi, ngay cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng chưa quan tâm đến vấn đề hội nhập.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015, các bộ ban ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin đầy đủ tới các doanh nghiệp chăn nuôi, các nông hộ nhỏ về việc gia nhập TPP, những khó khăn thách thức cũng như các giải pháp để các đối tượng này có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem