Lập hồ sơ sức khoẻ cho nông dân: Các trạm y tế xã ủng hộ

Thứ tư, ngày 15/12/2010 18:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất vấn đề lập hồ sơ sức khoẻ cho nông dân nhằm xây dựng cộng đồng an toàn ở nông thôn.
Bình luận 0

Hoạt động này được nhiều trạm y tế xã hoan nghênh nhưng còn “vướng” rào cản về nhân lực và cơ sở vật chất. Ghi nhận của NTNN tại Hải Phòng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Dương Quan (Thủy Nguyên, Hải Phòng), mỗi năm xã này có gần 100 ca nông dân bị thương tích các loại, chưa kể tai nạn lao động.

Cần tăng cường vật lực...

img
Trạm y tế xã cần được hỗ trợ kinh phí, nhân lực để khám bệnh định kỳ cho nông dân.

Ở Dương Quan, ruộng đất bị thu hồi nhiều, người dân chủ yếu đi làm thợ xây, phu hồ và đi chợ rau nên tai nạn thương tích nhiều. Thế nhưng, 100% nông dân trong xã chưa có hồ sơ sức khoẻ. Chỉ một số ít bệnh nhân mạn tính mới có sổ khám chữa bệnh.

Bà Lê Thị Hường - Trạm trưởng Trạm y tế xã Dương Quan, bày tỏ: “Hiện nay trạm y tế khám miễn phí cho bà con nhưng rất ít người tới khám. Nếu triển khai việc lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho nông dân thì rất tốt bởi qua thăm khám bước đầu, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều người mắc các bệnh mạn tính cần điều trị sớm”.

Thực tế bà Hường đã có ý tưởng tổ chức khám sức khỏe cho nông dân mỗi năm một lần nhưng vì trạm không đủ sức và địa phương không hỗ trợ nên không thực hiện được.

“Việc lập hồ sơ, khám sức khoẻ định kỳ là một hình thức dự phòng nên nếu không thực hiện miễn phí, bà con sẽ không tham gia” - bà Hường chia sẻ. Khó khăn của xã lúc này là về vật chất, trang thiết bị chỉ là sơ cấp cứu ban đầu, và không thể lo được kinh phí khi khám cho hàng nghìn nông dân ở xã. Mặt khác, “sức người ở trạm cũng có hạn, để triển khai được hoạt động trên chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Phòng Y tế, bệnh viện huyện về cả nhân lực lẫn vật lực”- bà Hường nói.

Mong mô hình được thực hiện

Khác với e ngại của bà Hường, nhiều nông dân bày tỏ sẵn sàng đóng góp nếu được theo dõi sức khoẻ định kỳ. Ông Nguyễn Văn Tiến (xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) bày tỏ: “Chúng tôi còn nghèo, việc khám sức khỏe định kỳ còn xa vời. Bởi thế, việc triển khai chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động là một việc làm thiết thực. Nếu cần đóng góp, chúng tôi sẵn sàng”.

Theo đề xuất của ngành LĐ-TB&XH, với những lao động thuần nông, các chi phí liên quan khám bệnh định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe sẽ do người dân đóng góp, có một phần hỗ trợ của nhà nước. Với những lao động làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình thì chủ sử dụng lao động sẽ phải đóng góp.

Về vấn đề này, ông Đỗ Đăng Khiển - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên bày tỏ: “Triển khai hoạt động này sẽ khiến các chủ sử dụng lao động có trách nhiệm với lao động hơn. Được khám bệnh định kỳ, người dân cũng biết cách tự bảo vệ sức khoẻ của mình”.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn mà Trạm xá xã Minh Tân gặp phải vẫn là “sức mỏng, lực yếu và đội ngũ cộng tác viên được hỗ trợ quá ít”. Ông Khiển rất mong có chính sách hoàn thiện hơn để sớm triển khai bảo vệ sức khoẻ nông dân.

 Hồ sơ quản lý sức khoẻ nông dân và lao động làng nghề gồm những phần sau: Tình hình bệnh tật; ốm nghỉ việc; quản lý bệnh mạn tính; diễn biến bệnh nghề nghiệp. Theo nhận định của một chuyên gia y tế, để làm được điều này, cần phải tăng cường năng lực cho các trạm y tế xã và “kéo” bệnh viện huyện vào cuộc.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem