Lễ khai giảng quốc gia “trong mơ” và đầy ý nghĩa

Thứ năm, ngày 03/09/2015 00:10 AM (GMT+7)
Lễ khai giảng năm học 2015 - 2016 ngày (5/9) sẽ được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước với sự gọn nhẹ, tránh gây mệt mỏi cho học sinh, nhưng nhiều trường cho biết, Lễ khai giảng năm học mới vẫn được diễn ra một cách trang trọng, đầy ý nghĩa dành cho học sinh trong ngày đầu năm học.
Bình luận 0

img

Lễ khai giảng năm học 2015-2016 được tổ chức cùng giờ, gọn nhẹ trên phạm vi cả nước trong ngày 5/9. Ảnh minh họa: Q.Anh

Chung ngày vui đến trường

Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD&ĐT chọn một ngày khai giảng thống nhất trên toàn quốc với nội dung gọn nhẹ, tránh rườm rà nhất là tránh để học sinh tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ, đứng ngoài trời để nghe hay chào đón các đoàn đại biểu... Thay vào đó, tất cả các trường trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Phần phát biểu trong Lễ khai giảng ngắn gọn, có ý nghĩa đối với thầy, trò.

Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu phát phiếu thăm dò ý kiến và kết quả đa số đồng ý chọn ngày 5/9 để tổ chức Lễ khai giảng năm học mới. Bộ cũng đã nhanh chóng có công văn gửi tới các Sở GD&ĐT, các trường học trên toàn quốc, chỉ đạo khai giảng năm học 2015-2016 sẽ diễn ra trong ngày 5/9, theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ theo tinh thần nói trên.

Hưởng ứng về một Lễ khai giảng thống nhất trên cả nước, nhiều địa phương cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức cụ thể để các trường trên địa bàn thực hiện. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Lễ khai giảng năm học mới của các trường học tại Hà Nội diễn ra đồng loạt vào sáng ngày 5/9. Thời gian diễn ra Lễ khai giảng chỉ trong vòng 1 tiếng với mục đích để Lễ khai giảng thực sự là ngày hội khai trường của học sinh. Khai giảng sẽ có chủ đề “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nội dung tập trung việc đón học sinh đầu cấp. Thời gian Lễ khai giảng chỉ diễn ra từ 7h30 đến 8h30.

Cụ thể, tại các trường học ở Hà Nội từ 7h00 đến 7h30 tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp. Đúng 7h30 chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca theo nghi thức quy định, đọc thư Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường; Hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường; tổ chức các hoạt động tập thể. Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc trong dịp này là việc triển khai đồng phục cho học sinh. Theo đó, các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, mà chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng; không được phép để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Ngắn gọn nhưng vẫn ý nghĩa

Theo ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội, một số Hiệu trưởng cho biết, khác với mọi năm, vào Lễ khai giảng năm nay thay vì đưa quá nhiều báo cáo thành tích của nhà trường, giới thiệu đại biểu dài dòng, hay mời các đại biểu phát biểu… sẽ là những lời động viên, chào mừng đầy tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng để học sinh hào hứng bước vào năm học mới. Hoạt động khai giảng diễn ra trong bối cảnh học sinh đã tựu trường, nên càng phải tổ chức sao cho có ý nghĩa, học sinh hào hứng tham gia.

Cho rằng quy định của Bộ GD&ĐT về khai giảng năm học mới thực sự đổi mới, là cơ sở để các trường học tổ chức Lễ khai giảng thiết thực, ý nghĩa hơn. Bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết: “Trong Lễ khai giảng, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các em học sinh lớp 1. Để các con cảm thấy đây là ngày hội và được đến trường là niềm vui, nhà trường đã có kế hoạch tổ chức gọn nhẹ, nhưng hết sức ý nghĩa, lấy học sinh làm trung tâm trong ngày vui năm học mới. Trường cũng đã chuẩn bị một món quà nhỏ cho mỗi học sinh”.

Dù đã duy trì Lễ khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ trong nhiều năm qua, nhưng thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, Lễ khải giảng năm nay của trường vẫn gọn nhẹ, khoa học. “Các trường bắt học sinh chờ đợi khách, đón khách, hoan hô chỉ là hình thức. Do đó, ở trường tôi chỉ làm ngắn gọn phần phát biểu trong khoảng 5 phút. Trường tiếp tục tổ chức lễ dâng hương, đọc lời thề khuyến học cho học sinh toàn trường. Phần cuối của buổi lễ khai giảng là văn nghệ, vui chơi của học sinh”.

Còn đối với Trường chuyên biệt THCS Xã Đàn (Hà Nội), sẽ tổ chức Lễ khai giảng ngắn gọn nhưng sẽ có điểm nhấn là hoạt động thả bóng bay sau màn đánh trống khai giảng của lãnh đạo nhà trường. Thầy Đinh Đoàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sẽ không còn là “diễn văn khai giảng” mà sẽ là lời chào năm học mới thật ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc của Hiệu trưởng. Phần văn nghệ ngoài 3 tiết mục của đội văn nghệ, giáo viên sẽ là tiết mục tự chuẩn bị của mỗi lớp, mỗi học sinh tự đăng ký biểu diễn ở hôm đó”.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm học 2015 - 2016, cả nước sẽ khai giảng trong cùng một ngày 5/9. Bộ cũng có yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới. Trong đó, dành thời gian tổ chức lễ đón học sinh lớp 1, tạo ấn tượng và cảm xúc cho học sinh. Tổ chức 1 - 2 "Tuần làm quen" đầu năm học mới đối với học sinh lớp 1 nhằm giúp các em thích nghi với môi trường học tập mới ở tiểu học và vui thích khi được đi học. 

Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem