"Lên Google tìm Vợ người ta... thì sao?"

Tất Định Thứ tư, ngày 30/12/2015 18:41 PM (GMT+7)
Việc người Việt tìm kiếm những từ khóa về giải trí nhiều nhất trên Google trong năm 2015 không hề nhăng nhít hay thể hiện dân trí thấp.
Bình luận 0

Mới đây, Google vừa công bố danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên toàn thế giới.

Có 4 trong số 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới liên quan đến các vấn đề chính trị - thời sự nóng bỏng diễn ra trong năm: vụ khủng bố Paris, bầu cử tổng thống Mỹ 2016 ,phong trào về vấn đề cuộc sống người da đen, các vụ xả súng ở Mỹ.

Trong khi đó tại Việt Nam, 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất hoàn toàn thuộc về lĩnh vực giải trí, thư giãn như: “Vợ người ta” – bài hát của Phạm Mạnh Quỳnh; “Không phải dạng vừa đâu”, “Khuôn mặt đáng thương” của Sơn Tùng - MTP.

img

Những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại VN năm 2015 đều trong lĩnh vực giải trí

Kết quả này đã khiến dư luận xôn xao, nhiều ý kiến cho rằng dường như người Việt trẻ đang quan tâm đến những vấn đề nhảm nhí, vô bổ, thờ ơ với thời cuộc. Chỉ có dân trí thấp mới nạp vào đầu những ca từ, bài hát nhố nhăng như vậy.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, thường xuyên làm việc, nghiên cứu về công cụ Google lại có góc nhìn khác.

“Dân trí” và nhu cầu giải trí ít liên quan

Theo anh Trần Ngọc Thùy (Thùy Cường), chuyên gia SEO trên các công cụ tìm kiếm, để đánh giá thói quen sử dụng internet của người dân một quốc gia, ngoài Google còn có rất nhiều các công cụ tìm kiếm khác như Yahoo, Bing, Baidu, Yandex…

Đặc biệt, xu hướng sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, diễn đàn trao đổi thông tin đang phát triển mạnh mẽ. 

Chuyên gia SEO phân tích, bảng từ khóa tìm kiếm trên Google có mức độ thay đổi liên tục, mức độ cao hay thấp tùy từng thời điểm. Xu hướng tìm kiếm trên các công cụ như Google là thị hiếu, mức độ quan tâm thông tin trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, không thể dựa vào bảng từ khóa trong một thời gian ngắn mà đánh giá trình độ dân trí của một cộng đồng, quốc gia.

Bên cạnh đó, lượt tìm kiếm nhiều không có nghĩa là nhiều người tìm mà có thể chỉ do một lượng người tìm lại nhiều lần với cùng một từ khóa. 

“Người Việt tìm thông tin giải trí nhiều nhất trong năm qua không thể hiện nhận thức, dân trí thấp. Nhu cầu giải trí mang tính chất tự do, mục đích đơn giản để giải tỏa tinh thần, thư giãn trong lúc rảnh rỗi. Qua khảo sát có thể thấy, các từ khóa như “cô dâu 8 tuổi”, “thách đấu danh hài “… được người dùng tìm kiếm nhiều nhất vào buổi tối, sau những giờ làm việc căng thẳng”, anh Thùy chia sẻ.

Chuyên gia SEO cho biết thêm, những từ khóa giải trí tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam có sự tác động mạnh mẽ từ mạng xã hội Facebook, đơn vị truyền thông sự kiện sử dụng chiều trò nhằm câu view, tạo ra thông tin số liệu, chưa thật sự chính xác.

Tín hiệu đáng mừng của ngành giải trí

Từng làm việc cho Công ty Google tại Anh và là một nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam, anh Lê Thanh Bình lại có góc nhìn lạc quan về  sự quan tâm của người Việt về giải trí.

“Tôi thấy việc người Việt tìm thông tin giải trí trên Google không có gì đáng quan ngại cả. Ngược lại, đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngành giải trí của chúng ta đang phát triển mạnh. Người Singapore tìm từ khóa về ô nhiễm không khí, khói bụi, Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời. Nhật Bản tìm từ khóa thông tin Tổ chức Hồi giáo IS… Điều này không khẳng định người Việt vô cảm với thời cuộc, nhận thức kém hơn người dân các nước khác. ”, anh Bình chia sẻ.

Anh Bình cho hay, các từ khóa trong lĩnh vực giải trí, ca nhạc, điện ảnh… cũng được tìm kiếm nhiều trên thế giới.

“Ở Hàn Quốc, người ta tìm nhiều từ khóa về nhóm nhạc BigBang, SNSD, ca sĩ nổi tiếng… như vậy dân trí của họ cũng thấp hay sao? Ngành công nghiệp giải trí ở Hàn Quốc mỗi năm đem về cho nước này hàng tỷ USD. Giới trẻ Việt quan tâm đến giải trí, đầu tư cho giải trí cũng là một hướng tốt. Chúng ta nên nhìn việc này theo chiều hướng tích cực hơn”, anh Bình bày tỏ.

Số liệu khảo sát 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong những năm gần đây tại Việt Nam:

Năm 2012: The Voice/Giong Hat Viet,  Gangnam Style,  Xem Phim Online, Congdonggame,  Truyen Cuoi, Doreamon, Samsung Galaxy, Xổ số, Bóng đá, Bản đồ (map)

Năm 2013: Giá vàng, Gangnam Style, Doraemon, Không Cảm Xúc, Phương Mỹ Chi, Bé Xuân Mai, Ngọc Trinh, Wanbi Tuấn Anh, Lệ Quyên, Hồ Quang Hiếu.

Năm 2014: World Cup 2014,  Con Bướm Xuân,  Flappy Bird,  5s Online, iPhone 6, Hoài Lâm, Hoàng Hậu Ki, Người Bí Ẩn, Cf Báo Danh, Táo Quân 2014

Năm 2015: Vợ Người Ta, Âm Thầm Bên Em, Không Phải Dạng Vừa Đâu, How-Old.net, Fast Furious 7, Cô Dâu 8 Tuổi, Chàng Trai Năm Ấy, Cười Xuyên Việt, Khuôn Mặt Đáng Thương, Em Của Quá Khứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem