Lên núi trồng rừng gỗ quý, nuôi trâu, một nữ nông dân Hòa Bình khiến cả làng phục lăn
Lên núi trồng rừng gỗ quý, nuôi trâu, một nữ nông dân Hòa Bình khiến cả làng phục lăn
Tuệ Linh
Thứ bảy, ngày 08/02/2025 12:37 PM (GMT+7)
Suốt 10 năm qua, bà Đinh Thị Thảo, ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sống một thân, một mình trên núi trồng rừng, nuôi trâu. Bà gắn bó với núi rừng như một duyên phận. Ở núi, bà Thảo đã trồng được cả vạn cây gỗ và nuôi được trâu đàn nhiều nhất xóm Lòn.
Trời vào đông, núi non xứ Mường chìm trong làn sương mờ ảo, bốn bề vắng lặng, giữa thinh không chỉ nghe thấy tiếng mõ trâu kêu lốc cốc, chuông dê kêu đinh đang. Bản nhạc rừng đó như xua tan vẻ tĩnh mịch của miền sơn cước khi chiều buông.
Cả vùng núi non rộng lớn không một bóng người. Lờ mờ trong màn mưa bụi, chúng tôi thấy một ngôi nhà nhỏ nằm bên rìa núi, trơ trọi giữa vùng non nước xứ Mường.
Người khách lạ gọi mãi không thấy ai trả lời, chỉ thấy tiếng nói của mình dội vào vách núi vang ngược trở lại.
Buổi chiều miền sơn cước trôi nhanh, bóng tối sầm sập đổ xuống. Từ trong thung sâu nghe thấy tiếng mõ trâu dồn dập, từng bụi cây phía xa rung rinh như có người rẽ lối. Đàn trâu của bà Thảo đi ăn về, con nào con nấy đen bóng, béo mầm, khỏe khoắn; con trước nối con sau theo lối mòn từ trên núi xuống, đi phăng phăng về phía chân núi.
Đi sau cùng đàn trâu là bà Thảo - người mà dân xóm Lòn gọi là "người rừng", đầu đội nón mê, tay cầm cây gậy cũng bước theo nhịp chân của đàn trâu.
Phía sau bà còn có cái "lù cở" – cái gùi mà phụ nữ Mường hay đeo khi đi nương, bên hông còn dắt thêm con dao sắc nhọn. Bà vừa đi vừa hô "sùy sùy" khiến đám trâu còn mải ăn mấy lá cỏ ven đường tự đi vào hàng vào lối.
Bà Đinh Thị Thảo (SN 1961) ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình một thân, một mình lên núi nuôi trâu. Ảnh: Tuệ Linh.
Tiếng quát nhẹ nhàng đó của bà Thảo tựa như là mệnh lệnh, đàn trâu nghe theo răm rắp. Thoáng cái, đàn trâu đã tự đi về 2 dãy chuồng mà bà Thảo dựng lên cho chúng tránh mưa nắng ở cách nhà mấy chục mét.
Thấy có người khách lạ đứng chờ ở nhà, bà Thảo tỏ ra bất ngờ. Bà vừa hạ cái nón mê xuống nhìn chúng tôi với ánh mắt dè chừng. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người khách lạ tìm đến ngôi nhà này của bà.
"Các anh tìm tôi", câu nói rụt rè của người phụ nữ Mường như xóa đi khoảng cách với người khách lạ. Biết chúng tôi đến hỏi thăm, bà mới bớt đề phòng. Chưa kịp nói hết câu chuyện, bà đã vội vàng theo đám trâu ra chuồng. Tựa như một "nhạc trưởng", bà giơ chiếc gậy nhỏ trong tay lên là đám trâu con, trâu mẹ tự khắc biết vào đúng chỗ.
Con nào con nấy nhìn bà với vẻ sợ sệt và khép nép. Dường như mọi hành động của người bà, chúng đều hiểu được. Chẳng thế mà chỉ sau vài phút cả mấy chục con trâu đã tề tựu đầy đủ.
Bà Thảo giơ tay đếm, kiểm đi kiểm lại mấy lần rồi mới an tâm rời khỏi đàn trâu. "Đám này vừa sinh thêm được mấy con nghé, nên tôi phải đếm kĩ. Chỉ khi nào đủ số đầu con, tôi mới yên tâm làm việc khác", lời vừa dứt, bà đã tranh thủ vào nhà bê ca ngô ra cho đám gà ăn. Bà Thảo luôn tay, luôn chân, hết lo cho đàn trâu rồi đến đàn gà.
Ngoài nuôi trâu, bà Thảo còn trồng nhiều lát, xoan, keo… Mỗi năm bà lại dần mở rộng diện tích trồng rừng. Ảnh: Tuệ Linh.
Khi đám gia súc, gia cầm đã yên vị, bà mới mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Trong ngôi nhà nhỏ, chỉ có một người ở nên mọi đồ đạc sinh hoạt đều vô cùng giản tiện. Gian bếp nhỏ chẳng mấy khi đỏ lửa, bởi lẽ từ sáng đến tối bà sống ở trong rừng.
Lúi húi một hồi lâu bà mới nhóm xong bếp lửa. Làn khói bếp ấm cúng từ từ dâng lên, báo hiệu một ngày lao động của bà Thảo sắp kết thúc. Bà Thảo hạ chiếc khăn xuống, qua ánh lửa hiu hắt, tôi mới có dịp nhìn rõ khuôn mặt của người phụ nữ đất Mường mà bà con xóm Lòn gọi là "người rừng".
Trái với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, bà Thảo lại tỏ ra an nhiên, tự tại, chứ không khó nhọc như người ta sống ở rừng.
Năm nay bà Thảo bước sang tuổi 64, mái tóc đã điểm bạc, nhưng nom bà còn khỏe lắm. Bà làm mọi việc cứ phăng phăng, tuổi tác không làm khó được bà. "Tôi đi trâu từ sáng đến tối mới về. Cả ngày chạy theo chúng vòng đi vòng lại hết mấy quả núi. Ngày nào cũng vậy anh à, mình đã theo chúng là không thể rời nửa bước", bà Thảo nói.
10 năm tích cực trồng rừng
Bà Thảo sinh ra và lớn lên ở đất Mường. Cả cuộc đời bà gắn bó với rừng với núi. Cách đây hơn 20 năm, khi đó cả xứ Mường cùng đồng lòng nhường đất để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, gia đình bà cũng thuộc diện di dân vén.
"Ngày trước quê tôi có những cây gỗ gốc to bằng gian nhà, cao mấy chục mét. Nhưng cứ sau mỗi năm, rừng lại mất dần đi. Tôi ở rừng đã quen, nhìn rừng bị phá cũng xót xa. Khi đó, ông nhà tôi còn sống đã ấp ủ lên trồng rừng tại khu đất mà gia đình tôi được Nhà nước giao", bà Thảo nhớ lại.
Đàn trâu béo tốt của bà Thảo. Ảnh: Tuệ Linh.
Ước mơ của vợ chồng bà khi đó là trồng rừng để chăn nuôi gia súc. Điều đó sắp trở thành hiện thực thì chồng bà bị bạo bệnh rồi mất sớm. Bà tần tảo sớm hôm, nuôi con khôn lớn. Khi các con của bà đã yên bề gia thất, bà mới có thời gian để thực hiện ước mơ của mình.
Bà rời xóm, lên núi làm tạm cái lều rồi ngày ngày trồng rừng. Việc đó của bà nhiều người cho là không hợp thời, sau bao năm bà con mới thoát khỏi rừng, thoát khỏi những ngày tháng đói triền miên, ăn măng, ăn sắn cho qua ngày. Giờ đây cuộc sống đã no đủ, bà lại lên rừng ở.
Bỏ mặc lời dè bỉu, ngày ngày bà lên khu rừng phòng hộ mà gia đình được giao, nhưng thực tế nó chỉ là những đồi trọc. Bà cùng các con cần mẫn đào hố trồng cây.
Mùa nối mùa trôi qua, khu đồi trọc năm nào dần được phủ bóng cây. Mồ hôi công sức của gia đình bà đã gieo xuống đất này những mầm xanh mới.
Thứ cây mà bà trồng nhiều là lát, xoan, keo… Mỗi năm bà lại dần mở rộng diện tích trồng rừng. Chẳng mấy chốc khu đất được giao đã được xanh hóa trở lại. Bà Thảo thường động viên các con, người Mường gắn bó với rừng như máu thịt.
Có rừng mới có cuộc sống êm ấm như hôm nay. Rừng cho củi đốt, cho gỗ, rừng giữ nước và giữ đất cho người Mường. Nhờ vậy mà giờ đây cánh rừng trên chục năm tuổi mà gia đình bà dày công gây dựng đã dần khép tán. Ai đi qua khu vực này cũng phải dừng chân ngắm khu rừng soi bóng xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Khi rừng cây khép tán, bà Thảo vẫn gắn bó với núi với rừng. Bà không về xóm ở mà cứ ở vậy trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ bên bìa rừng. Thương bà các con muốn đón bà về xóm ở, nhưng bà vẫn nhất quyết ở lại nơi này. Bà lại tiếp tục mở rộng chăn nuôi.
"Rừng ở nơi này còn rộng lắm, tôi đã bàn với các con đầu tư nuôi trâu. Từ một vài con ban đầu, đến giờ gia đình tôi đã có cả 1 đàn trâu", bà Thảo chia sẻ.
Nói về bà Thảo, ông Bùi Văn Trường, Trưởng xóm Lòn hết lòng khen ngợi. Từ xưa đến nay đa phần người dân tận dụng khai thác rừng là chính, chứ có mấy ai bỏ xóm đi trồng rừng. Việc làm của gia đình bà Thảo rất đáng được biểu dương. Họ là tấm gương để cho các gia đình khác noi theo. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, ở xóm Lòn gần như không có khu đất nào để trống. Bà con phủ xanh và bảo vệ rừng rất tốt.
Ông Trường bảo: "Việc bà Thảo ở rừng một mình, chúng tôi cũng đã biết từ lâu. Đây là sở thích và cũng là nguyện vọng của bà ấy. Xóm đã nhiều lần động viên bà về ở với con cháu, nhưng bà ấy bảo, bà ấy còn khỏe và tự lo cho mình được".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.