dd/mm/yyyy

Lên Pà Cò, nghe cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện

Cụ Sồng A Sía, tròn 110 tuổi, ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), là người nghiện thuốc phiện cuối cùng còn sống trên "nóc nhà xứ Mường"...

Gặp lão nông từng "làm bạn với cây thuốc phiện"

Pà Cò xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu đã từng là "thủ phủ" trồng cây thuốc phiện và tội phạm liên quan đến ma túy. Vùng đất của bà con người Mông, quanh năm sương mù giăng lối giờ đã có sự thay đổi nhanh chóng. Ở bản Chà Đáy còn có 1 cụ ông người dân tộc Mông, năm nay đã tròn 110 tuổi là cụ Sồng A Sía là chứng nhân cuối cùng của vùng đất nóng. Cụ Sía từng trồng rồi hút thuốc phiện và cũng là người đầu tiên từ bỏ được thuốc phiện.

Lên đỉnh Pà Cò, nghe lão cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện - Ảnh 1.

Cụ Sồng A Sía năm nay tròn 110 tuổi. Suốt hơn thế kỉ, cụ đã gắn bó với đất Pà Cò. Cụ là chứng nhân và cũng là người đầu tiên của xã đi cai nghiện và xóa bỏ cây thuốc phiện.

Cụ Sía hiện đang ở với người con trai thứ. Nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nom cụ còn khỏe mạnh. Cụ vẫn ăn uống đều đặn và tự làm mọi việc, con cái chưa phải giúp gì. Khi nhắc đến cây thuốc phiện, cụ Sía lại cảm thấy chạnh lòng và không được vui lắm. "Bản thân tôi và những người Mông nơi đây đã từng trải qua những năm tháng khốn khổ. Biết bao mất mát, đau thương mà đất này phải hứng chịu. Chẳng thế mà khi nhà nước vận động người già trong bản đi cai nghiện, tôi là người xung phong đầu tiên và cũng là người đầu tiên của bản đoạn tuyệt với cây anh túc", cụ Sía chia sẻ.

Ngôi nhà gỗ vững chãi của cụ Sía nằm ở giữa bản Chà Đáy. Đang trong những ngày đông mờ mịt, nên cụ ở nhà, chứ không đi chăn trâu ngoài bãi. Cụ còn có ao cá, ngày ngày cụ vẫn tự mình lọ mọ cắt cỏ cho đàn cá ăn. Thương cụ vất vả, con cháu phải vận động mãi, cụ mới đồng ý bán con trâu đi. Ở nhà cụ vui thú điền viên cùng đám cháu, chắt. Cụ là người thọ nhất đất Tây Bắc này.

Nhắc đến đời sống của bà con người Mông, cụ luôn rưng rưng xúc động. Dường như bà con người Mông đã gắn bó bao đời ở vùng đất đầy gian khó này đã ăn sâu vào trong kí ức cụ. Cụ Sía còn khỏe và nói tiếng phổ thông rất rõ ràng. Cụ Sía kể, ngày trước cái nương, cái rẫy của người Mông giáp cả đất Thanh Hóa (cách nơi ở của cụ 30km). Bà con làm nương ở tận đó, đi 2 ngày mới gùi được thóc về nhà. Bao đời bà con người Mông vất vả và gian truân đủ đường mới kiếm được cái ăn. Chẳng thế mà nhà nào cũng phải làm thêm cái lán nương để tiện bề ở lại đó. Suốt hành trình du canh, du cư, bà con hết đốt nương núi này lại chuyển sang núi khác. Mãi sau này, gia đình ông mới chuyển ra bản Chà Đáy để làm ruộng, vì nơi này có nhiều nước. "Dịch bệnh, đói ăn, thiếu mặc là tình trạng chung của bản Mông khi đó", cụ Sía nhớ lại.

Lên đỉnh Pà Cò, nghe lão cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện - Ảnh 2.

Sau khi cai thuốc phiện, cụ Sía còn tham gia mặt trận tổ quốc xã Pà Cò. Cụ là tuyên truyền viên tích cực, giúp nhiều gia đình nơi đây xóa bỏ cây thuốc phiện và không buôn bán ma túy.

Nhà cụ Sía đông anh em, nên ngày ngày ông vẫn phải lên rừng phát cây, đốt nương mới có đất sản xuất. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy, trong bản Mông còn trồng cây thuốc phiện. Cũng vào cữ này, khi sương mù bao phủ lấy bản, cái rét ùa về là lúc bà con đã gieo xong nương thuốc phiện. Ra xuân là cây lên nhanh. Cuối xuân hoa đã nở trắng trời, trắng đất. Từ bản Pà Khôm kéo đến bản Thung Mặn của xã Hang Kia, nơi đâu cũng thấy trồng cây thuốc phiện. 

Không ai bảo ai, họ mang nhựa thuốc phiện xuống chợ đổi lấy lương thực. "Trồng cây thuốc phiện thì nhàn cái thân đấy. Nhưng nó lại khiến mình sống dở, chết dở. Sau những ngày ở trên nương, mùa đông nơi này buồn như chấy cắn, nên nhiều người đã lôi thuốc phiện ra hút. Của nhà làm được, nên hút mãi thành quen, thành nghiện. Tôi cũng là thế hệ đầu tiên nơi đây nghiện thuốc phiện", cụ Sía nói.

Lên đỉnh Pà Cò, nghe lão cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện - Ảnh 3.

Cụ Sía là người góp công quan trọng đưa bà con người Mông ở Pà Cò rời xa nàng tiên nâu.

Dường như người Mông coi việc hút thuốc phiện là thú tiêu khiển không thể thiếu khi đến thăm nhà nhau lúc đó. Cụ Sía bảo, ngày mà không bắn được vài bi là người bị vật vã không chịu nổi. Mùa đông mây phủ kín trời, kín đất, khói thuốc phiện cũng theo đó mà vương vít bên những ngôi nhà gỗ của bà con người Mông. Cả bản rơi vào cảnh nghiện, nương rẫy bị bỏ bê. Cái nhà, cái cửa không có người sửa. Sống trong cảnh nghiện ngập đó, cụ Sía cũng cảm thấy, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm. Khi nhà nước có chính sách vận động bà con người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện, bản Mông như "người chết đuối vớ được cọc". 

Tiếp đó là các cuộc họp bản diễn ra liên miên. Nhiều người dân khi đó rất bảo thủ, chưa đồng ý làm theo. Họ cho rằng, bỏ cây thuốc phiện, bà con sống bằng gì. Bao năm đã canh tác loài cây này, hơn nữa bỏ thuốc phiện lấy gì mà hút… Biết bao luồng ý kiến ra, vào khiến công cuộc xóa bỏ thứ cây đã làm cho người dân mê mị khó vô cùng.

Cụ Sía khi đó còn tham gia làm công tác mặt trận tổ quốc xã, trong khi đó cụ cũng nghiện nên khó lòng vận động được bà con làm theo. Cụ đã tự nguyện đi cai nghiện ở huyện. Chỉ sau 2 tháng xa bản, xuống trung tâm huyện để cai nghiện, cụ đã từ bỏ được "nàng tiên nâu". Bỏ được thuốc, cụ lại khỏe ra, về bản, việc đầu tiên là cụ vứt cái bàn đèn vào bếp lửa. Cụ đốt sạch như muốn xóa bỏ ký ức đau thương. Cụ đoạn tuyệt với những ngày tháng chân co, chân duỗi bên bàn đèn. Cái tin cụ Sía làm gương cai nghiện và phá nương thuốc phiện chẳng mấy chốc đã lan ra toàn xã. Thay vì trồng thuốc phiện, cụ gieo ngô, tra thóc và nuôi thêm trâu bò.

 Mấy mùa trăng qua đi, bà con thấy cụ Sía bỏ thuốc phiện mà vẫn sống khỏe, chứ không như bà con nghĩ. Từ việc của gia đình mình, cụ đã đi vận động anh em họ hàng rồi mới đến bà con làm theo mình. Suốt những năm tháng nhọc nhằn đó, cụ đã vượt qua bao gian nan, bà con người Mông mới dần quên được cây thuốc phiện. Nói chuyện xưa đầy khó nhọc như vậy, người Mông ở Pà Cò hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Họ xóa bỏ cây thuốc phiện, và không tiếp tay cho kẻ xấu buôn ma túy.

Tấm gương sáng giã từ thuốc phiện để con cháu noi theo

Cụ Sía là người trong cuộc và cụ cũng từng chứng kiến bao gia đình nơi đây tan nát vì buôn bán ma túy. Dường những thứ làm cho người ta "nghiện" mê mệt đó cứ đeo đẳng mãi ở đất này. Hành trình xóa bỏ tụ điểm ma túy cũng phức tạp không kém gì với thời kì xóa bỏ cây thuốc phiện. Suốt mấy thập niên liền, cụ Sía luôn vững tin và vận động con cháu trong dòng họ mình, không tiếp tay cho bọn buôn bán ma túy. Ánh sáng kiên cường từ gia đình cụ dần đã lan truyền ra toàn bản. Giờ đây bà con Pà Cò đã lựa chọn con đường sáng để đi. Tấm gương cai nghiện và vươn lên trong cuộc sống của cụ đã góp phần không nhỏ đưa Pà Cò ngày một ấm no hơn. Bà con còn biết làm du lịch. Mở cửa đón du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc. 

Lên đỉnh Pà Cò, nghe lão cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện - Ảnh 4.

Bà con người Mông ở Pà Cò giờ đã biết chăn nuôi để thay thế cây thuốc phiện.

Ngồi nhâm nhi chén trà nơi xứ lạnh, nghe cụ Sía kể chuyện người Mông vượt qua gian khó còn gì thú vị bằng. Ấm trà chưa vơi, cụ Sía điều đứa cháu lấy cái khèn Mông treo ở đầu giường xuống. Cầm cây khèn trên tay cụ như trẻ ra, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Khuôn mặt cụ bừng sáng. Cụ thoăn thoắt đưa đôi tay lên từng nốt khèn. Bản nhạc du dương bỗng vang lên từ trong ngôi nhà Mông ấm cúng. Một bản nhạc vui đón khách. Tiếng khèn là tiếng lòng của người Mông. Cụ chơi khèn say sưa như một nghệ sĩ đích thực. Tiếng khèn lúc trầm, lúc bổng như đưa cụ về với những ngày hội xuân tưởng như không có hồi kết. Cụ thả hồn vào từng nốt nhạc càng khiến cho người nghe thêm thổn thức. 

Hầu chuyện cụ được một tuần trà, tôi chưa tìm ra được điểm yếu sức khỏe nào trên cơ thể. Hàm răng cụ trắng và đều tăm tắp. Mái tóc mới lốm đốm bạc. Mỗi bữa cụ vẫn ăn được đôi lưng cơm và chiêu vài chén rượu. Món ăn thích nhất của cụ là rau và tất nhiên không phải rau thuốc phiện ngày trước.

Lên đỉnh Pà Cò, nghe lão cụ ông 110 tuổi kể chuyện cai nghiện thuốc phiện - Ảnh 5.

Pà Cò giờ trở thành điểm du lịch cộng đồng. Những mùa hoa anh túc chỉ còn lại trong lớp kí ức của người già.

Cụ Sía còn được truyền nghề bốc thuốc nam. Cụ là thầy thuốc của người Mông. Ai đau bụng, đau đầu hay khó sinh con đến cụ đều giúp được hết. Công cán mà bà con trả cho cụ là những gùi ngô, mớ rau. Biết bốc thuốc cứu người, nhưng chưa bao giờ cụ lợi dụng việc đó để kiếm sống. Cụ cũng miệt mài làm nương, làm rẫy và chăn nuôi để lo cho gia đình. Sau cánh mạng tháng 8 thành công, cụ còn tham gia mặt trận tổ quốc xã. Nhiều năm liền cụ cống hiến hết mình cho hoạt động xã hội. Khi được nghỉ hưu, cụ lại lao vào chăn lợn, chăn trâu và nuôi cá. Đầu năm nay, gia đình đã tổ chức đại thượng thọ mừng cụ tròn 110 tuổi. Con cháu chỉ việc khênh chú lợn béo do chính cụ nuôi về mổ thết đãi hàng xóm và mừng cụ. "Được sống yên bình, không lo nàng tiên nâu rình rập, tôi mới thấy cuộc đời sống vui, sống khỏe thật ý nghĩa", cụ Sía nói.  

Xuân Tuấn