"Lịch sử đã trao Hà Nội một vị thế có một không hai"
"Lịch sử đã trao Hà Nội một vị thế có một không hai"
Bách Thuận
Thứ ba, ngày 21/03/2023 19:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại hội thảo khoa học cấp Thành phố "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá Hà Nội có vị thế rất đặc biệt.
Cụ thể, hôm nay (21/3), Hội thảo khoa học cấp Thành phố "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vị trí địa lý là một đặc trưng quan trọng của bất cứ lãnh thổ nào. Vị trí địa lý góp phần tạo lợi thế so sánh của lãnh thổ; khi các nhân tố địa kinh tế, địa chính trị vận động, có thể tạo ra nguồn lực to lớn cho sự phát triển.
Vị trí địa lý tạo nên một dạng tài nguyên đặc biệt - tài nguyên vị thế. Vì thế, tài nguyên vị thế là một tài nguyên đặc biệt nổi bật của Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, nguồn tài nguyên này làm cho các tài nguyên vốn có khác của Hà Nội, cả về tự nhiên, kinh tế-xã hội đều có thể thêm giá trị gia tăng. Việc nâng cao vị thế của Hà Nội gắn liền với vị thế của Thủ đô và vị thế của một trong hai Thành phố lớn nhất của cả nước, một trung tâm phát triển cấp quốc gia.
Việc triển khai các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành của quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, trong đó, có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội) đã có tác động hết sức quan trọng làm nâng cao tài nguyên vị thế của nội bộ Thành phố, đặc biệt ở vùng ven đô.
Theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị hế có một không hai. Ảnh: HN
Với GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông cho rằng kết nối vùng trong phát huy nguồn lực văn hóa góp phần phát triển thương hiệu Thủ đô Hà Nội.
Thực tiễn sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhất là từ sau Đại lễ 1.000 năm (2010) đến nay, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tầu kinh tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội cần khai thác và phát huy hiệu quả tất cả các nguồn lực và lợi thế phát triển. Ngoài tiềm lực vật chất về nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần phát huy cao độ những nguồn lực văn hóa của dân tộc do cha ông ta để lại, đó là di sản văn hiến Thăng Long- Hà Nội, được tích lũy trong qúa trình xây dựng và phát triển đất nước, gắn liền với công cuộc kiến thiết và bảo vệ kinh thành qua các chặng đường lịch sử.
Cùng với vị thế về chính trị-hành chính, các di sản và truyền thống văn hóa của Thăng Long-Hà Nội cũng trở thành động lực tinh thần nội tại, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu Thủ đô cho hôm nay và mai sau.
Cũng theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị thế có một không hai, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", "Thủ đô di sản" và ngày nay là "Thành phố sáng tạo", Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới. Với truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, thế và lực ngày càng tăng trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều "dư địa" để phát huy sức mạnh mềm.
Trong tương lai, Hà Nội sẽ hướng tới trở thành "Kinh đô sáng tạo" của khu vực Đông Nam Á, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trong những "điểm sáng" văn hóa của khu vực và thế giới…
Hà Nội cần đi đầu cả trong văn hóa kinh doanh
Tại hội thảo, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng chia sẻ, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.
Nâng cao văn hóa kinh doanh là một đề xuất rất đáng chú ý của nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng. Ảnh: HN
Theo vị PGS.TS này, Hà Nội cần đi đầu trong không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống mà cần chú trọng cả trong văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín".
PGS.TS Bùi Tất Thắng nhìn nhận, cần phát động phong trào mang tính văn hóa - văn minh trong giai đoạn tới. Cụ thể, phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng.
"Để gây dựng phong trào này, thời kỳ đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì là một nét đẹp văn hóa nên không ai phản đối và ai cũng nhận thấy lợi ích từ việc tất cả mọi người cùng làm như vậy.
Vì thế, rất cần sự hỗ trợ mạnh từ quy định mang tính pháp luật và thực thi pháp luật, để cho những hành vi lừa đảo trong kinh doanh không thể tồn tại ở địa bàn Thủ đô" - PGS.TS Bùi Tất Thắng kiến nghị.
Ông Thắng cũng nêu quan điểm nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên có một giải thưởng danh giá về kinh doanh văn minh và trao giải cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn hàng năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.