Liên kết làm chủ ngư trường

Thứ tư, ngày 13/02/2013 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc liên kết thành các tổ đội đánh bắt trên biển giúp ngư dân Đà Nẵng không những vượt qua khó khăn hoạn nạn trên biển, đánh bắt hiệu quả mà còn đóng góp tích cực cho việc giữ gìn lãnh hải.
Bình luận 0

Đại tá Phạm Bá Sơn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chia sẻ: Việc ngư dân Đà Nẵng liên kết thành các tổ đội đánh bắt trên biển không những giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn trên biển, chia sẻ thông tin để đánh bắt tốt mà còn đóng góp tích cực cho việc giữ gìn lãnh hải.

Không đoàn kết là thiệt

Ngư dân Lê Văn Chiến (SN 1966, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa - 90351, người có kinh nghiệm 30 năm đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, chia sẻ: "Xác định theo nghề biển là "hồn treo cột buồm", đầy rủi ro, bất trắc, nếu làm ăn riêng lẻ như xưa thì khó tồn tại lâu. Vì vậy, việc ngư dân chúng tôi tham gia thành các tổ đội là việc tất yếu".

img
Có tổ đội đoàn kết, ngư dân mạnh dạn vươn khơi (ảnh chụp tại vùng biển Hoàng Sa).

Giờ đây, ngoài lý do “hồn treo cột buồm”, các chủ tàu còn lo về vấn đề an ninh. Anh Lê Văn Sang - chủ tàu ĐNa -90444 (quận Hải Châu, Đà Nẵng), người mỗi tháng ít nhất 4 lần ra Hoàng Sa cung cấp nhiên liệu và thu mua hải sản cho ngư dân tâm sự: "Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, đánh bắt riêng lẻ rất nguy hiểm. Nếu ngư dân ta không đoàn kết hỗ trợ nhau, thì rất có thể một số người sẽ phải bỏ nghề".

Năm 2012, đã có 107 lượt tàu cùng 800 ngư dân của các tổ đội đoàn kết Đà Nẵng trực tiếp tham gia đấu tranh chống hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển.

Anh Hồ Văn Trường - chủ tàu ĐNa - 90051 (Đà Nẵng) thì chia sẻ thêm vấn đề đối phó với sự quấy nhiễu của tàu nước ngoài trên biển: "Trong năm 2012, đã không ít lần tàu của tôi và các ngư dân khác gặp rắc rối với tàu nước ngoài. Những lần như vậy, trước tiên chúng tôi gọi nhau đến hỗ trợ, sau đó điện báo cho Bộ đội Biên phòng. Nhờ đó, nhiều bà con ngư dân thấy yên tâm và vững tin hơn khi khai thác trên biển".

Để giúp ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển, Sở NNPTNT TP. Đà Nẵng và Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã phối hợp thành lập 94 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển, với 683 tàu thuyền, để ngư dân cùng giúp nhau khi đang hoạt động trên biển. Mô hình này tỏ ra rất có hiệu quả. Đơn cử như Tổ đội dịch vụ hậu cần nghề cá phường Thuận Phước (quận Hải Châu, Đà Nẵng) với 5 tàu tham gia. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, tất cả các tàu thành viên trong tổ đều tăng thu nhập lên 30%.

"Sở dĩ có sự gia tăng thu nhập là vì các tàu trong tổ chia sẻ thông tin luồng cá với nhau, cũng như có sự phân công nhau hợp lý về đánh bắt, mua sản phẩm, cung cấp nhiên liệu, dịch vụ... Các tàu đã nâng cao được tần suất hoạt động trên biển, từ đó dẫn đến hiệu quả công việc cao hơn. Ngoài chuyện kinh tế, thì việc tham gia các tổ đội đoàn kết còn giúp ngư dân hạn chế được các rủi ro, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, nhờ vậy ít bị mất mát, thiệt hại hơn" - ông Hồ Phó- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng, cho hay.

Mạnh dạn vươn khơi

Cũng từ các tổ, đội khai thác này, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã xây dựng mạng thông tin "mật danh" cho các tàu cá xa bờ, qua đó nắm bắt kịp thời tình hình an ninh trên biển, chủ động có phương án đối phó với các tình huống xảy ra. Đến hết năm 2012, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã ngăn chặn 1.926 lượt tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta. Trong đó 107 lượt tàu cùng 800 ngư dân của các tổ đội đã trực tiếp tham gia đấu tranh chống hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển.

Lập 1.500 tổ, đội sản xuất trên biển

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), trong năm 2012, đã có trên 1.500 tổ, đội sản xuất trên biển cả nước được thành lập. Con số này nâng tổng số tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản của cả nước lên hơn 3.500 tổ với khoảng 21.000 tàu cá và 136.000 lao động tham gia. Đặc biệt, tại các tỉnh đã thí điểm thành lập 20 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức, điều hành bài bản từ quy chế hoạt động, quy định góp vốn và quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của hội viên. Trong năm qua, sản lượng thủy sản cả nước ước đạt trên 5,7 triệu tấn.

Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều ngư dân, mô hình này cũng giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển. "Khi gặp sự cố trên biển, chúng tôi có thể tự cứu giúp nhau trước khi có sự giúp đỡ của lực lượng chức năng"- ông Lê Mến- Tổ trưởng Tổ đội dịch vụ hậu cần nghề cá phường Thuận Phước nói.

Ông Mến kể, vào tháng 8.2012, khi đang trên đường về trong chuyến thu mua hải sản cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa thì tàu ĐNa - 90444 (thành viên tổ đoàn kết Thuận Phước) bị tàu hải giám Trung Quốc đuổi. Lúc đó, thuyền trưởng Lê Văn Sang đã gọi báo cho Đồn Biên phòng Đà Nẵng để tiếp ứng, đồng thời gọi cho tàu ĐNa - 90366, cùng 1 tàu nữa trong tổ đoàn kết tới ứng cứu. Kết quả, dù hải giám Trung Quốc đang rượt đuổi quyết liệt tàu ĐNa - 90444, nhưng khi thấy có 2 tàu cá Đà Nẵng xuất hiện, đành quay đầu trở ra. "Nếu lúc đó không có tổ đội ứng cứu thì không biết chuyện gì đã xảy ra với tàu ĐNa - 90444" - lời ông Mến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem