Luật sự phân tích về vụ ‘kit test Việt Á được WHO công nhận’: "Bộ KH&CN có ngụy biện, né trách nhiệm"?
Luật sự phân tích về vụ ‘kit test Việt Á được WHO công nhận’: "Bộ KH&CN có ngụy biện, né trách nhiệm"?
Mai Lan
Thứ ba, ngày 28/12/2021 19:23 PM (GMT+7)
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, việc Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định “trang web của bộ này đưa thông tin kit test Việt Á được WHO chấp thuận là từ... báo chí” là thiếu liêm chính, ngụy biện và đang né trách nhiệm.
Như Dân Việt đã đưa tin, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa đăng tải đính chính thông tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" lên Cổng thông tin điện tử của bộ.
Tuy nhiên, nội dung đầy đủ của thông tin đính chính được Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải lý giải việc bộ công bố tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam (do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất) là do tổng hợp thông tin từ... báo chí.
Đính chính của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nêu rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 25-26/4/2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận.
Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận" đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực khoa học và công nghệ tham khảo như thông lệ khi ngành khoa học và công nghệ có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật.
Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, nội dung thông tin xin được đính chính như sau: "Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit "LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit" của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á".
Bàn luận xung quanh vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng Văn Phòng Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Thưa ông, mới đây trên website của Bộ KH&CN đã đăng tải nội dung đính chính thông tin “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”, theo đó, Bộ này cho rằng các thông tin trong nội dung bản tin được lấy từ một số cơ quan báo chí chính thống. Và sau khi phát hiện có sai sót, Bộ đã chủ động gỡ bỏ. Ông bàn luận gì xung quanh câu chuyện này?
- Tôi khẳng định, Bộ KH&CN nói như vậy là đang ngụy biện, thiếu liêm chính và trốn tránh trách nhiệm. Bởi khi Bộ đã giao đề tài cho Công ty Việt Á và Học Viện Quân y nghiên cứu thì phải biết chắc chắn có phải WHO đã chấp thuận hay không?!. Báo chí khó có thể biết được những thông tin từ WHO, bởi họ không biết khi nào Bộ, doanh nghiệp gửi sản phẩm lên để xin thẩm định.
Nếu khẳng định do báo chí thì chức năng của Bộ KH&CN là làm gì? Nói như vậy có nghĩa là báo chí là đơn vị chủ quản, giao đề tài cho Bộ KH&CN?
Hoặc giả sử có trường hợp báo chí có dẫn, vậy tại sao Bộ KH&CN không kiểm tra thông tin và đính chính thông tin báo chí đưa không chính xác (nếu có) mà vội vàng đăng tải lên cổng thông tin của Bộ?!
Tôi cho rằng, trong nhà nước pháp quyền, cơ quan nhà nước và công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về những công bố, phát ngôn của mình. Các cơ quan chức năng cần xem xét các hành vi cố tình đổ lỗi này là cố ý hay vô ý, tác hại đến đâu.
Ngoài ra, việc không liêm chính của Bộ KH&CN, tôi nghĩ không chỉ ở vấn đề mà chúng ta đang bàn luận, mà còn ở cả chất lượng kit test của Việt Á - đây là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?
- Vấn đề chất lượng kit test của Việt Á phải được xem xét hàng đầu. Nếu những thông tin trên báo chí đưa là chính xác về nhà máy của Việt Á chỉ có diện tích vài chục m2, trang thiết bị thô sơ, nhân sự “lèo tèo” thì liệu họ có cung ứng được cho thị trường hàng triệu kit test như vậy không?, chất lượng có đảm bảo không? Nếu họ không tự làm thì nhập kit test từ đâu?
Vì thế, Bộ Y tế và Bộ KH&CN cần phải có câu trả lời về chất lượng của kit test của Việt Á. Đặc biệt là trách nhiệm của Bộ KH&CN, không thể có chuyện giao đề tài xong là “đem con bỏ chợ”. Đề tài nghiên cứu thành công thì sẽ cấp phép sản xuất, vậy ai cấp phép? Cấp phép sản xuất thì đăng ký tiêu chuẩn sản xuất ở đâu, ai thẩm định đánh giá chất lượng? Đó có phải là Bộ KH&CN không?
Vấn đề giá bộ kit test của Việt Á cũng đang gây tranh cãi, ông nhận định thế nào?
- Về vấn đề giá cả là một phần, trong bối cảnh hiện tại. Việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu là không sai, nhưng tranh thủ cơ hội này để trục lợi thì thật đáng sợ. Trong vụ việc này, Bộ Y tế và Bộ KH&CN cần rà soát và làm rõ trách nhiệm của mình. Hiện tôi thấy Bộ Y tế cũng tìm cách né tránh khi được hỏi về giá bộ kit test. Ngay cả với Học viện Quân y chúng ta cũng cần làm rõ trách nhiệm trong vấn đề cho ra mắt rầm rộ bộ kit test của Công ty Việt Á?
Học viện Quân y đã hợp tác với Công ty Việt Á thế nào? Hai bên cùng nghiên cứu, sản xuất hay bán quyền nghiên cứu? Ngoài ra, một câu hỏi lớn mà cũng khá nhiều người quan tâm đó là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, được nhận gần 19 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị chủ trì là Học viện Quân y, sau khi bộ kít xét nghiệm được Công ty Việt Á bán hàng triệu sản phẩm thì lợi nhuận sẽ được hạch toán như thế nào, vào đâu?
Những câu hỏi này đến nay cũng vẫn chưa có lời giải đáp.
Xin cảm ơn luật sư!
Ngày 26/4/2020, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho kit xét nghiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Theo đó, Bộ KH-CN đã công bố thông tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được WHO chấp thuận". Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Vào ngày 20/10/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của tổ chức này khi thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á. Trong báo cáo này, WHO ghi rõ kết quả sau khi kiểm định bộ kit này là "không được chấp thuận" vì chưa đạt được một số tiêu chuẩn.
Ngày 20/12/2021, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ KH&CN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.