Kết thúc phiên giao dịch chiều nay 7.6, cổ phiếu STB quay về mức 13.450 đồng/CP, giảm 100 đồng/CP (0,7%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua, với khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới hơn 6 triệu cổ phiếu. Dù vậy, mức giá 13.450 đồng/CP này cũng được xem là “đỉnh” của STB nếu tính từ đầu năm đến nay.
Liệu có xảy ra một cuộc M&A giữa Sacombank và Lienviet PostBank? (Ảnh: IT)
Theo nhận định của giới đầu tư, cổ phiếu STB tăng mạnh thời gian gần đây liên quan nhiều đến dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội đang thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ “mở lối” cho việc giải quyết các tồn đọng tại Sacombank. Tuy nhiên, với giới chuyên gia chứng khoán thì nguyên nhân khiến STB bứt phá trong phiên ngày 6.6 lại đến từ các thông tin tích cực về định giá một số tài sản đảm bảo của nhà băng này, cùng với “tin đồn” về khả năng sẽ có một cuộc M&A giữa Sacombank và Lienviet PostBank.
Cụ thể, với việc định giá tài sản đảm bảo của STB, sau khi công bố báo cáo kiểm toán, các tài sản không sinh lời của STB ước tính là khoảng 86 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ diễn ra mới đây giữa STB và các chuyên gia phân tích, giá trị tài sản đảm bảo được STB chia sẻ là khoảng 77 nghìn tỷ đồng, phần lớn là từ 10 khách hàng vay lớn nhất. Đây cũng là cơ sở để STB kỳ vọng có thể hoàn thành xử lý nợ xấu trong 3-5 năm tới.
“Dù STB không nêu tên đơn vị định giá độc lập cũng như chi tiết phương pháp định giá cho tài sản đảm bảo, nhưng trên cơ sở giả định một cách an toàn rằng giá trị thị trường của các tài sản này có thể thấp hơn con số ước tính, chưa kể có thể tình trạng pháp lý cũng như tính thanh khoản của những tài sản đảm bảo này cũng chưa ổn. Do đó, chúng tôi ước tính STB có thể cần khoảng 10 năm để xử lý nợ xấu tồn đọng chứ khó lạc quan trong vòng 5 năm như STB dự định”, một chuyên viên phân tích độc lập của Công ty Chứng khoán TP.HCM, nhận định.
Trong khi đó, “tin đồn” về việc Sacombank sẽ tiến hành một cuộc M&A trong việc tái cơ cấu đã xuất hiện từ vài tuần nay song đến thời điểm hiện tại, “tin đồn” này càng sôi động hơn trong giới đầu tư khi “đối tác” được cho là có khả năng xảy ra M&A với Sacombank nhất là Lienviet PostBank. Đây có lẽ cũng là lý do để nhà đầu tư quyết định “đặt cược” vào cổ phiếu STB khiến mã này có động lực tăng trong trung ngắn hạn và tăng trần ngoạn mục trong phiên ngày 6.6, khi Đại hội cổ đông bất thường của Lienviet PostBank đã diễn ra với một loạt thay đổi về nhân sự cấp cao.
Anh Huỳnh Phước Sang, một nhà đầu tư lướt sóng đã phân tích trên một diễn đàn chứng khoán về “tin đồn” M&A giữa Sacombank và Lienviet PostBank.
Theo anh Sang, đầu tiên là 2 ứng cử viên từ Lienviet PostBank cuối tuần trước đã thông báo rút lui khỏi danh sách ứng cử vào HĐQT Sacombank (trong đó có ông Nguyễn Đức Hưởng). Sau đó, ông Hưởng (nguyên là Phó Chủ tịch Lienviet PostBank) cũng được bầu làm Chủ tịch LienvietPostBank và ông Dương Công Minh, Chủ tịch của LienvietPostBank xin từ nhiệm. Đây có thể là một loạt động tác trước khi ông Dương Công Minh có thể sẽ được bổ sung làm ứng viên vào HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021.
Có lẽ tin đồn về khả năng M&A giữa 2 ngân hàng Sacombank và Lienviet PostBank đã xuất phát từ một loạt diễn biến về nhân sự này. Tuy nhiên, tới thời điển hiện tại thì tất cả vẫn chỉ dừng lại ở tin đồn.
Dẫu vậy, mối liên hệ giữa Sacombank và Lienviet PostBank thời gian qua cũng khá khăng khít khi mới đây Lienviet PostBank cũng đầu tư khoảng 500 tỷ đồng vào Sacomreal. Trong khi đó, số dư nợ cho vay Sacombank đến thời điểm 31.12.2016 có một phần khá lớn được "đổ" vào dự án bất động sản có tên là Khu đô thị Sài Gòn - Bình An với quy mô hơn 117ha (tại phường An Phú, quận 2) với giá trị cho vay lên đến 19.492 tỷ đồng và chủ đầu từ dự án này không ai khác là Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) - doanh nghiệp được sở hữu bởi Công ty CP Him Lam (hay Tập đoàn Him Lam) của “đại gia” Dương Công Minh.
Chưa kể, một cổ đông khá lớn của Lienviet PostBank hiện nay là ông Đào Nguyên Vũ lại đang là Phó tổng giám đốc của Sacombank, đang nắm 4,6% vốn điều lệ của Lienviet PostBank...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.