Lính đặc công huấn luyện 'tàng hình' khi đột nhập căn cứ địch

Thứ bảy, ngày 29/06/2019 10:14 AM (GMT+7)
Từ thao trường không một bóng người, sau khi chỉ huy lên tiếng, đội hình đặc công bộ đã xuất hiện với hàng trăm chiến sĩ vũ trang sẵn sàng.
Bình luận 0

Thao trường của Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công lúc 9h sáng ngày hè vắng vẻ, yên tĩnh. Thế nhưng, Trung tá Nguyễn Quang Hoà, Phó lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn lại khẳng định, có 200 chiến sĩ đang huấn luyện trên chính bãi đất này.

Ông Hoà phát hiệu lệnh, hàng chục chiến sĩ rời vị trí, đứng dậy. Mỗi người đều khoác trên mình bộ quần áo cỏ che kín từ đầu đến chân. Loại cỏ làm quần áo tương đồng với cỏ thao trường nên khi chiến sĩ nằm, người khác không thể phát hiện ra.

img

Chiến sĩ đặc công nguỵ trang màu đất. Ảnh: Ngọc Thành

Thêm một hiệu lệnh, hàng chục chiến sĩ khác người bôi đất đỏ giống màu đất, đá xung quanh bồng súng đứng dậy. Cứ như vậy, các chiến sĩ được nguỵ trang bằng than đen, vẽ hoạ tiết lên người cũng dần lộ diện.

Gây bất ngờ nhất là hàng chục chiến sĩ ẩn mình trong cát, chỉ có chiếc ống thở ngoi lên mặt đất, khi nghe hiệu lệnh thì đồng loạt đội đất đứng dậy. Dù phải nằm dưới cát nhiều giờ nhưng ai cũng nhanh chóng ôm vũ khí, chuyển tư thế sẵn sàng chiến đấu trong lúc mắt, tai vẫn còn đầy cát.

Từ thao trường không một bóng người, chỉ có những ụ đất, bãi cỏ, sau khi người chỉ huy lên tiếng, đội hình đặc công bộ đã xuất hiện với hàng trăm chiến sĩ vũ trang sẵn sàng. Một nhóm thiện chiến được lệnh đột nhập vào căn cứ địch, hạ gục mọi đối thủ cản bước, kể cả các mục tiêu rất xa trên đỉnh núi.

Trung tá Nguyễn Quang Hoà nói, nguỵ trang là nội dung đặc biệt trong huấn luyện của bộ đội đặc công.

"Nguỵ trang để đảm bảo bí mật, che mắt quân thù, che giấu đội hình chiến đấu trước các phương tiện trinh sát của đối phương, từ đó luồn sâu, lót sát vào lòng địch, dần tiếp cận mục tiêu", ông Hòa nói.

img

Chiến sĩ đặc công trát bùn đen lên người để nguỵ trang. Ảnh: Ngọc Thành

Khi nguỵ trang, người lính đặc công phải đảm bảo hòa mình vào môi trường xung quanh, lặng lẽ tiếp cận mục tiêu. Nếu ở xa địch, chiến sĩ dùng tư thế đi khom; gần địch thì lê, trườn, lợi dụng địa hình, vận dụng thuần thục các tư thế tiếp cận mục tiêu, thực hiện cách đánh "nở hoa trong lòng địch".

Trường hợp tấn công mục tiêu được bố trí gần đồng ruộng, đầm lầy, bờ biển..., lính đặc công phải cởi trần, mặc một chiếc quần lót, sau đó bôi bùn lên khắp người để ngụy trang. Tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng ở nơi đặt mục tiêu, chiến sĩ có thể dùng bùn trắng, đen, đất đỏ... Khi mục tiêu ở gần đồi núi, rừng cây, các chiến sĩ sẽ được ngụy trang bằng quần áo cỏ trùm kín từ đầu đến chân, nếu không cử động thì không thể phát hiện.

Ở những mục tiêu chưa đột nhập được, chiến sĩ đặc công sẽ phải vùi mình dưới đất nhiều giờ đồng hồ để trinh sát và chờ thời cơ.

Trong khi nguỵ trang, nếu bị tác động của điều kiện bên ngoài như côn trùng nhỏ đốt, kiến cắn, các chiến sĩ vẫn phải im lặng chịu đựng, không được cử động.

"Quá trình huấn luyện nội dung này rất gian khổ, nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua để đạt được mức điêu luyện, tàng hình trước mắt đối phương. Càng bí mật thì khả năng thắng lợi càng cao. Chúng tôi thấm nhuần rằng thao trường đổ mổ hôi, chiến trường bớt đổ máu", ông Hòa nói và thông tin thêm, đặc biệt khi vùi mình trong đất, cát, chiến sĩ phải chịu đựng sức nặng, sức nóng và cả những sinh vật không mấy thân thiện dưới đất.

Việc huấn luyện vùi mình trong đất của bộ đội đặc công được thực hiện từ thời gian ngắn 5 phút, 10 phút, sau đó nâng lên 30 phút và kéo dài nhiều giờ. 

img

Chiến đấu viên đội chống khủng bố nhảy qua vòng lửa. Ảnh: Ngọc Thành

Ngoài kỹ thuật nguỵ trang, chiến sĩ đặc công còn phải rèn luyện hàng loạt nội dung khác như vượt hàng rào dây thép gai, bắn súng, võ thuật... Riêng các thành viên của đội chống khủng bố sẽ phải tập công phá (trong 5-7 năm), gồm các bài tập kết hợp khí công, vận công, bài tập bổ trợ và huấn luyện đổ treo nhà cao tầng; đổ bộ đường không bằng phương pháp nhảy dù khi máy bay cách mặt đất khoảng một km; đổ treo khi máy bay là là mặt đất...

Chính trị viên Đội chống khủng bố 12 Hoàng Quốc Thắng cho hay, nội dung huấn luyện trên đều rất nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ có thể phải trả giá bằng sức khoẻ và tính mạng. Vì vậy, mỗi chiến sĩ chống khủng bố bên cạnh ý chí của bản thân còn phải được sự ủng hộ của gia đình.

"Kỹ thuật đổ treo của Việt Nam không thua kém lực lượng đặc nhiệm, biệt kích của nước ngoài. Có lần đội biệt kích Australia cùng huấn luyện với đặc công Việt Nam, họ không dám tập một số nội dung như leo dây chống sét vì cho rằng quá nguy hiểm", anh Thắng nói.

Theo Lữ đoàn phó Nguyễn Quang Hoà, do đòi hỏi cao và quá trình huấn luyện khắc nghiệt, việc tuyển chọn bộ đội đặc công phải đảm bảo "ba gặp, bốn biết", gồm: gặp địa phương, gia đình, gặp công dân; biết về tình hình sức khỏe, trình độ văn hóa, lai lịch chính trị và hoàn cảnh gia đình. 

Sau khi được tuyển chọn, chiến sĩ đặc công sẽ huấn luyện từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp.

"Bộ đội đặc công huấn luyện phải sát thực tế chiến đấu, môi trường và địa bàn địa hình tác chiến", ông Hòa nhấn mạnh.

Cách đánh đặc công có từ rất sớm trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ Triệu Việt Vương vang danh nơi Bãi Sậy với chiến thuật ngày ẩn náu, đêm đem quân đánh úp, Lý Thường Kiệt với tư tưởng tiên phát chế nhân, bí mật đem đội quân tinh nhuệ sang đất địch đánh ngay trong lòng địch. Yết Kiêu, gia tướng của Trần Hưng Đạo cùng đội quân Trạo Nhi xuất quỷ nhập thần vào căn cứ thuỷ quân đục thuyền giặc...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 19/3/1948, đội du kích Tân Uyên đã bí mật vượt qua các tuyến phòng thủ của địch, dùng lựu đạn, súng trường, tiêu diệt toàn bộ 10 tên địch ở tháp canh cầu Bà Kiên, mở ra giai đoạn của lực lượng chuyên đánh tháp canh, đồn bốt địch ở Nam Bộ. Cách đánh này được Quân khu 7 thống nhất gọi là công đồn đặc biệt, gọi tắt là đặc công, và chiến sĩ tham gia đánh tháp canh được gọi là chiến sĩ đặc công.

Với sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội, các đơn vị đặc công cũng được thành lập ở các quân khu, các tỉnh. Ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan buổi trình diễn kỹ, chiến thuật của các đơn vị đặc công và công nhận đặc công là một binh chủng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Hoàng Thuỳ (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem