Đâu là lý do thật sự để ông gắn bó 30 năm với Việt Nam và chắc là còn gắn bó đến suốt đời?
- Vì bọn kia (chỉ vào lũ voọc). Và vì đây (chỉ vào vợ).
Đến từ một bảo tàng tự nhiên, từ Hội động vật danh tiếng, nơi người ta nâng niu từng chi tiết nhỏ nhất của đất trời, thấy giết thú hoang hàng loạt, chắc ông rất sốc?
- Tôi nghĩ, người dân ở vùng sâu vùng xa, ở rừng ăn thịt thú rừng họ không hiểu luật thì đã đành. Đằng này, bấy giờ, kể cả cơ quan chức năng cũng nhận thức rất hạn chế. Cá nhân tôi nhiều lúc đã phải nặng lời, thậm chí là cãi nhau với nhiều cán bộ như vậy, chỉ mong họ thực thi các điều luật đã có, cho chính đất nước của họ. Tôi không cần gì cho cá nhân mình cả. Tôi đã tranh luận với nhiều lãnh đạo Cục kiểm lâm Việt Nam về lĩnh vực này. Nói thẳng biết là sẽ mất lòng. Nhưng lần nào tôi cũng phải nói thẳng.
Trong thời gian tôi đi giải quyết các vụ việc cụ thể để giải cứu động vật quý hiếm bị xâm hại, đã có nhiều lần, để “mời” được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các vụ vi phạm pháp luật trên, chúng tôi đã phải “mời cơm” họ thì họ mới làm. Tôi rất buồn và thấy điều này hết sức phi lý.
Phút bình yên nhất, hạnh phúc nhất của ông với rừng là như thế nào?
- Tôi là một người rất thích thiên nhiên, hay xê dịch đây đó, sống hoà mình với các loài động vật rừng. Nhiều người Việt Nam cũng sẽ như tôi, họ cảm thấy tự hào vì động thực vật Việt Nam rất phong phú, có nhiều loài quý hiếm đặc hữu. Tức là, trên toàn thế giới, loài đó chỉ ở Việt Nam mới có.
Nhưng, dù lãng mạn đến mấy, trong khi đắm đuối với thiên nhiên, thì lý trí của tôi vẫn bị thôi thúc bởi một bài toán. Làm thế nào để bảo vệ các giá trị kia cho Việt Nam và cả thế giới? Cơ quan chức năng ở Việt Nam, cao nhất là Chính phủ, cần hoàn thiện chính sách, thúc đẩy thực thi pháp luật, để các giá trị kia được trường tồn.
Tôi không thể nào diễn tả được cảm xúc hân hoan của mình, khi đi vào rừng nguyên sinh, quan sát được các loài quý hiếm, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp đang sinh tồn ở trạng thái hoàn toàn tự do, sum vầy. Đó là voọc mông trắng, voọc Cát Bà, voọc mũi hếch… Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ ở Việt Nam mới có.
Trên phạm vi toàn thế giới không đâu có. Từ chỗ bị giăng lưới đánh bẫy ăn thịt, một lần đánh lưới 10 con bị xâm hại, trong khi cả thế giới chỉ có 60 cá thể!; đến nay, loài đặc biệt quý hiếm này (dù còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ) đã có một cuộc sống tương đối an toàn.
Còn voọc mông trắng đặc hữu, từ chỗ bị loài nguời tuyên bố tuyệt chủng, thì nay, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình), đã trở thành nơi duy nhất của Việt Nam và thế giới mà người ta có thể thưởng lãm vẻ đẹp trữ tình cùng bầy voọc hiền lành trong trạng thái hoang dã hoàn toàn. Voọc đã đã giúp phát triển du lịch, đem lại sinh kế cho người dân cả một vùng rộng lớn.