Lĩnh vực nào ảnh hưởng lớn nhất khi Việt Nam tham gia CPTPP (Ảnh: IT)
Thưa ông, việc Hiệp định CPTPP được ký kết, ông có thể cho biết Việt Nam kỳ vọng những điều gì nhất?
- Có thể nói, Việt Nam trông đợi ở Hiệp định này rất nhiều khía cạnh. Về chính trị - đối ngoại, CPTPP sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nền kinh tế trong khu vực. Tập hợp này có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Quan trọng là việc giúp chúng ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài cho Việt Nam.
Mặt khác, hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, khi tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Khi tham gia vào CPTPP, lộ trình thuế quan sẽ được triển khai như thế nào thưa ông?
- Về thuế nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu trung bình đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%.
Về các biện pháp phi thuế, chỉ số này dự kiến cũng giảm trung bình mức tương đương 3,6% thuế.
Ngoài ra, các rào cản hay còn gọi là “hàng rào kỹ thuật” nhiều người nghĩ sẽ khó khăn hơn nhưng thực ra là sẽ giảm. Tôi lấy ví dụ, với mặt hàng quả thanh long, nếu như trước đây phải chứng minh các cam kết về ATVSTP và hoàn thiện thủ tục mất nhiều năm thì thời gian hiện nay để xuất khẩu vào các nước CPTPP sẽ giảm một nửa vì các nước có sự tin tưởng vào các cam kết mà Việt Nam đưa ra đã được một trong số các thành viên CPTPP công nhận hoặc cam kết của Việt Nam đã theo các tiêu chuẩn của thế giới.
Về tác động ngành, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất là ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác.
Thực tế, hầu hết các nước trong khối CPTPP sẽ cam kết giảm ngay thuế cho các mặt hàng của Việt Nam vào các nước này trong đó có nhiều mặt hàng về 0%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại Việt Nam được thực hiện trong lộ trình 7 đến 10 năm tùy từng mặt hàng.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết, tham gia CPTPP Việt Nam ngoài cơ hội cũng có cả những thách thức cần phải vượt qua (Ảnh: IT)
Ngoài những cơ hội xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP, ông có thể cho biết Việt Nam sẽ phải “mở cửa” như thế nào cho các đối tác?
- Bên cạnh cơ hội có được khi xuất khẩu sang các nước hay tiếp cận dịch vụ mua sắm công của các nước, chúng ta cũng phải đối đầu với cạnh tranh cao hơn. Lĩnh vực dự kiến có thách thức lớn nhất là ngành chăn nuôi với sản phẩm lợn có cạnh tranh với nước ngoài cao hơn như trước đây. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực khác nhưng chúng ta cũng có bước chuẩn bị khá lâu cho hội nhập kinh tế quốc tế và kinh nghiệm mở cửa nhiều hiệp định thương mại tự do khác như ASEAN, Hàn Quốc…Trong ASEAN gần như toàn bộ thuế đã đưa về 0 – 5%, nên chúng ta có bước “tập dượt” trước khi đối đầu với cạnh tranh trong CPTPP.
“Việc Việt Nam tham gia CPTPP dự kiến xuất khẩu sẽ được hưởng lợi với mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD) so với không tham gia vào CPTPP. Tuy nhiên, mức nhập khẩu cũng tăng thêm khoảng 3,8- 4,6% ( tương đương 4,93 tỷ USD). Để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ trình Quốc hội phê duyệt lộ trình thực thi sao cho phù hợp nhất. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chuẩn bị bộ hồ sơ để sẵn sàng báo cáo Quốc hội phê chuẩn việc thực thi Hiệp định này”, ông Thái cho biết. |
Mặt khác, CPTPP cũng bổ sung, tương hỗ cho nhau nhiều hơn tính cạnh tranh, dù tạo ra cạnh tranh khá lớn nhưng không nhiều như một số hiệp định thương mại tự do như trước đây. Đây là cơ sở chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới cho Việt Nam khi tham gia hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Bối cảnh chúng ta đang tham gia CPTPP luôn có 2 mặt cơ hội và thách thức, trong nhiều trường hợp thách thức là rất lớn nhưng nếu chúng ta vượt qua được sẽ lại là cơ hội lớn hơn nhiều lần.
Ví dụ sản xuất sữa có Úc, Newzeland chúng ta ban đầu cho rằng không cạnh tranh được và khả năng không thể phát triển nhưng thực tế lại ngược lại, ngành sữa không chỉ duy trì mà còn vươn lên so với trước đây. Tất nhiên, nếu lĩnh vực gì không cạnh tranh được thì chúng ta nên điều chỉnh cơ cấu kinh tế sao cho có phương án tốt nhất và tập trung vào lĩnh vực có lợi thế nhất cho mình.
Ông có nhắc tới lĩnh vực chăn nôi sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể mức độ ảnh hưởng của lĩnh vực này như thế nào khi chúng ta tham gia CPTPP?
- Có thể thấy, chăn nuôi vẫn được xác định là ngành bị tác động nhiều nhất do lợi thế của ngành này ở nước ta kém hơn một số nước thành viên CPTPP như Úc, và Newzeland. Theo dự báo sản lượng của ngành chăn nuôi có thể sẽ bị giảm 3% và xuất khẩu giảm khoảng 8%. Ngoài ra, ngành nghề chế biến thực phẩm cũng được dự báo là bị ảnh hưởng mặc dù không đáng kể, tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể bị giảm đi so với việc không có CPTPP ở mức 0,3% đến 0,5% điểm. Trong khi đó, nhóm ngành chế tác sử dụng nhiều lao động vẫn có lợi thế khi tham gia CPTPP với mức sản lượng có thể tăng thêm từ 4-5% và xuất khẩu lĩnh vực này cũng tăng thêm khoảng 8,7- 9,6%.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.