Cụ thể, Viện Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, các hình ảnh vệ tinh đã phản ánh các hoạt động mới nhất tại lò phản ứng Yongbyon. Theo đó, các chuyên gia quan sát thấy các dấu hiệu như hơi nước bốc lên từ một van xả áp suất và tuyết tan chảy trên mái lò phản ứng tại Yongbyon, khiến họ nghi ngờ đây là giai đoạn đầu trong nỗ lực tái khởi động lò phản ứng này.
Hình ảnh vệ tinh chụp tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho biết, các dấu hiệu trên vẫn còn quá ít để giúp họ đưa ra đánh giá đầy đủ và chính xác về thời điểm lò phản ứng Yongbyon chính thức được đưa vào hoạt động trở lại.
"Khả năng là Triều Tiên đang ở giai đoạn đầu trong nỗ lực tái khởi động lò phản ứng, sau gần 5 tháng gián đoạn hoạt động. Tuy nhiên, do cơ sở này mới chỉ được quan sát trong vòng vài tuần nên còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này", các chuyên gia của Viện Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins nhận định, dựa trên việc quan sát các hình ảnh vệ tinh chụp được từ ngày 24.12 đến 11.1".
Tuy nhiên, một khi tái hoạt động toàn diện trở lại, lò phản ứng nghiên cứu 5 megawatt ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon có khả năng sản xuất khoảng 6kg plutonium/năm - đủ để giúp Triều Tiên chế tạo một quả bom hạt nhân, các chuyên gia tiết lộ.
Hình ảnh tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên được chụp hồi tháng 6.2008
Triều Tiên đã tiến hành 3 cuộc thử hạt nhân, và gần đây đe dọa tiến hành một vụ thử thứ 4 trong bối cảnh Mỹ vừa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại nước này sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau các vụ tấn công mạng vào hãng phim Mỹ Sony Picture. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cũng vừa ra báo cáo lên án Bình Nhưỡng về vấn đề nhân quyền.
Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng Yongbyon để đổi lấy viện trợ nhân đạo theo một thỏa thuận năm 2007. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bắt đầu cải tạo lại lò phản ứng này trong năm 2013.
Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đề nghị sẽ đình chỉ các vụ thử tên lửa, hạt nhân với điều kiện Mỹ và Hàn Quốc phải hủy bỏ các cuộc tập trận chung thường niên mà Bình Nhưỡng lên án là hoạt động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước này. Washington đã thẳng thừng khước từ đề nghị trên đồng thời cáo buộc việc Bình Nhưỡng mang vũ khí hạt nhân ra để mặc cả "đặt ra một mối đe dọa tiềm ẩn".
Một phân tích riêng biệt trên trang 38 North - chương trình theo dõi Triều Tiên của Đại học John Hopkins hai tuần trước đi đến kết luận, các hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên không chỉ ra dấu hiệu nước này sắp thử hạt nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.