Khoảng cách lớn nhất có thể nhìn nhận qua những con số thống kê mức sống người dân mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, là khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 13,29% so với đầu năm, hay 20,28% so với cùng kỳ. Trong đó, lương thực, thực phẩm, những loại hàng hoá "thiết yếu của thiết yếu" liên tục tăng chóng mặt, có tháng chỉ số này ở mức gần 5%, và thường xuyên gấp đôi tốc độ tăng CPI chung.
Chính "miếng cơm", chứ chưa phải là manh áo, bị những cơn bão giá hoành hành đã khiến chi tiêu bình quân của người dân tăng lên. Theo những công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu chung của người dân trong năm 2010 đã tăng 52,8% so với năm đỉnh điểm của lạm phát 2008.
Tính ra trong mỗi năm của giai đoạn 2008-2010, chi tiêu bình quân của người dân tăng tới 23,6%, trong khi đó, mức thu nhập chỉ tăng 18,1%. Con số khiêm tốn đến mức khó có thể coi là tăng khi giá trị tuyệt đối của nó thậm chí còn chưa đủ bù đắp cho mức độ lạm phát. Chi phí cho bữa cơm, trong phạm trù chi tiêu để đảm bảo cuộc sống, chính là thước đo giá trị cuộc sống. Tỷ trọng chi phí càng lớn, chất lượng cuộc sống càng thấp.
Những con số lý thuyết thuần tuý, được công bố bởi cơ quan thống kê chính thức, đang chỉ ra rằng người dân đang ngày càng nghèo đi. Tình trạng thiếu đói, theo công bố 6 tháng vẫn còn tới 522.000 hộ, với 2.164.000 lượt nhân khẩu, vì thế, càng khó chấp nhận hơn.
Thiên tai là một nguyên nhân khiến lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ. Nhưng lạm phát mới khiến sự suy giảm chất lượng bữa ăn nói riêng và chất lượng cuộc sống của người dân nói chung thêm tệ. Chẳng hạn để duy trì một bữa cơm thường, năm 2009, người dân chỉ cần 100.000 đồng thì trong năm 2010, người dân tốn 150.000 đồng
Tuy nhiên, ảnh hưởng của lạm phát không phải là bình quân. Phân hoá giàu, nghèo đang lớn hơn bao giờ hết. Mức thu nhập chênh lệch giữa hai nhóm hộ là 9,2 lần. Nhưng mức thu nhập chênh lệch chưa phản ánh hết mức độ dãn cách. Dãn cách lớn nhất là ở các chi phí cho cuộc sống.
Một ví dụ là khoảng cách chi phí cho những nhu cầu ngoài áo cơm giữa hai nhóm hộ có khi lên tới 131 lần. Và trong khi hàng triệu người đang lo từng bữa cơm thì vẫn có những người sáng sáng lượn phố bằng những chiếc xe đắt nhất hành tinh, "dùng bữa" bằng những bát phở 750.000 đồng - tương đương với thu nhập trong 2 tháng của một hộ nghèo. Có lẽ, nạn nhân của lạm phát chủ yếu là người nghèo.n
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.