Nhà vườn Huế là nét đặc trưng tạo nên bản sắc, truyền thống văn hóa cố đô, tuy nhiên, theo UBND tỉnh TT-Huế, qua gần 10 năm kể từ khi chính sách (cũ) về bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Huế được ban hành, toàn tỉnh hiện chỉ có 2/152 nhà vườn được triển khai bảo tồn, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, tình trạng nhà vườn Huế mai một do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa, sự thay đổi trong lối sống, nhu cầu xé lẻ đất vườn làm nơi ở của người dân ngày càng gia tăng.
Một nhà vườn Huế. Ảnh: Hồng Vĩnh
Quá trình lấy ý kiến thông qua đề án mới lần này cho thấy nhiều lúng túng từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, băn khoăn: “Việc hỗ trợ kinh phí bảo tồn nhà vườn Huế như hiện nay liệu có thiết thực, nếu người dân đăng ký tham gia, nhận tiền nhưng không triển khai bảo tồn”.
Nhà vườn Huế phần lớn quản lý theo hình thức đại diện họ tộc, việc huy động vốn đối ứng bảo tồn từ đối tượng này sẽ gặp nhiều khó khăn, do liên quan nhiều đầu mối thừa kế. Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Bí thư Thành ủy Huế, cái khó trong thực hiện đề án là chế tài quản lý tài chính hỗ trợ bảo tồn nhà vườn.
Người dân nhận hỗ trợ xong nhưng lại chuyển nhượng nhà vườn cho người khác thì mục tiêu bảo tồn khó đạt được. Những trường hợp được hỗ trợ kinh phí bảo tồn nhà vườn nhưng thực hiện trái mục đích, cần thiết phải cưỡng chế thu hồi. Trong khi đó, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lại cho rằng, nếu đặt ra chế tài gây khó khăn cho dân, bà con sẽ không tham gia đề án.
Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Nguyễn Ngọc Thiện băn khoăn về cơ chế chính sách bảo tồn nhà vườn đặc trưng xứ Huế: “Khi cấp tiền về cho dân bảo tồn nhà vườn, chế tài xử lý hỗ trợ như thế nào nếu họ không triển khai. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, thực hiện đề án một cách chặt chẽ”.
Chủ trì kỳ họp, ông Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh TT-Huế, thẳng thắn nhìn nhận: “Qua 10 năm, việc bảo tồn nhà vườn Huế không được thực thi hiệu quả. Từ thực tế này, phải chăng do chính sách chưa ổn, có vấn đề”. Ông Lưu đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, bổ sung thêm phần quy chế quản lý bảo tồn nhà vườn vào đề án lần này để trình HĐND tỉnh xem xét vào kỳ họp tới.
Riêng chính sách hỗ trợ tài chính về bảo tồn nhà vườn Huế được các đại biểu biểu quyết thông qua. Theo Đề án mới năm 2015, kinh phí hỗ trợ bảo tồn nhà vườn Huế đã được thống nhất nâng từ mức 100 triệu đồng/nhà (mức cũ năm 2006) lên tối đa 700 triệu đồng đối với nhà vườn có giá trị đặc biệt (loại 1). Nhà vườn loại 2 hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng, nhà loại 3 là 400 triệu đồng.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.