Lộ diện trở ngại lớn nhất đối với quá trình củng cố thanh khoản ngân hàng

22/11/2022 07:48 GMT+7
Các tỷ lệ thanh khoản sẽ được củng cố trong ngắn hạn, với việc tăng cường huy động vốn và tăng cường phân bổ cho các tài sản có tính thanh khoản cao,… Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với quá trình này đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, theo các chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI.

Bảng cân đối kế toán đang có dấu hiệu yếu đi. Sau trường hợp Vạn Thịnh Phát, các ngân hàng lớn cũng đã giảm khẩu vị rủi ro. Đó là nhận định được các chuyên gia nghiên cứu tại Chứng khoán SSI nhấn mạnh tại Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, chủ đề "Con đường chông gai".

Dấu hiệu "căng" thanh khoản

Trong đó, chỉ tiêu thanh khoản là tâm điểm chú ý, theo bộ phận nghiên cứu SSI.

Dẫn chứng cụ thể, SSI cho biết trên thị trường 1 (thị trường dân cư), chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dung (11,4% so với đầu năm) vượt xa đáng kể so với tăng trưởng tiền gửi (4,8% so với đầu năm). Điều này diễn ra ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở mức 300-400 điểm cơ bản so với đầu năm.

Hiện tại, mức lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt dao động trong khoảng 8~9% và 10~10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn/vay vốn.

Lộ diện trở ngại lớn nhất đối với quá trình củng cố thanh khoản ngân hàng - Ảnh 1.

Đồng thời VND mất giá (giảm 8,6% so với đầu năm so với USD) cũng khiến việc nắm giữ USD và các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7~8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, đặc biệt trong khi bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế, đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả. Một phần lượng tiền mặt bị đóng băng/quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các ngân hàng.

Thị trường liên ngân hàng là kênh hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng. Agribank và VCB là những ngân hàng cho vay ròng lớn nhất trên thị trường này. Ngoài ra, sự gia tăng đầu tư vào trái phiếu ngân hàng tại một số ngân hàng (BID, CTG, MBB, STB, OCB và TCB) trong quý III/2022. Điều này cũng là một nguồn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, sau trường hợp Vạn Thịnh Phát (từ đầu tháng 10), các ngân hàng lớn cũng đã giảm khẩu vị rủi ro. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng bị suy giảm và điều này đã ảnh hưởng đến thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này.

Lộ diện trở ngại lớn nhất đối với quá trình củng cố thanh khoản ngân hàng - Ảnh 2.

Đối với các tài sản có tính thanh khoản cao, SSI nhận thấy rằng tỷ lệ số dư trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản và tỷ lệ số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước trên tổng tài sản đã giảm so với đầu năm. Hiện các tỷ lệ này gần bằng mức của năm 2011~2012.

Với dự đoán lãi suất tăng trong nửa cuối 2022, nhiều ngân hàng đã bán một phần danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ vào năm 2021 và đầu năm 2022 để hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải duy trì danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ để tuân thủ các quy định về tỷ lệ thanh khoản.

Trở ngại lớn nhất của thanh khoản ngân hàng đến từ bất động sản và trái phiếu

SSI cho rằng, các tỷ lệ thanh khoản sẽ được củng cố trong ngắn hạn, với việc tăng cường huy động vốn và tăng cường phân bổ cho các tài sản có tính thanh khoản cao,… Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với quá trình này đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

"Hiện thanh khoản đang bị mắc kẹt ở cả các khoản cho vay nhóm ngành này, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu. Để thu hút thêm nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng, việc tiếp tục tăng thêm lãi suất dường như là khó tránh khỏi", SSI nhấn định.

Ngoài ra, SSI cho rằng, mặc dù ghi nhận kết quả tích cực trong quý III/2022, nhưng NIM đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ sớm chịu áp lực. Các chuyên gia lo ngại nhiều hơn về những ngân hàng vay nhiều trên thị trường liên ngân hàng như TCB, VIB, OCB và TPB.

Chất lượng tài sản không khả quan

Về chất lượng tài sản, SSI đánh giá là không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên (1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý), trong khi tỷ lệ dự phòng giảm (164% so với 165% vào cuối quý II/2022). Các khoản vay nhóm 2 cũng tăng 23 điểm cơ bản lên 1,45%.

STB là ngân hàng duy nhất đi ngược xu hướng, với tất cả các tỷ lệ liên quan đến chất lượng tài sản đều được cải thiện nhờ tiến trình xử lý tài sản tồn đọng. MSB và OCB có nợ quá hạn tăng nhiều nhất, lần lượt là 46% và 53% so với quý trước. Nợ xấu nói chung gia tăng một phần là do các khoản nợ tái cơ cấu do Covid đã hết hạn cơ cấu, theo SSI.

Với việc một phần dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng nhanh trong quý III/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện vẫn thấp hơn so với những giai đoạn bùng phát Covid.

Lộ diện trở ngại lớn nhất đối với quá trình củng cố thanh khoản ngân hàng - Ảnh 3.

Điểm đáng lưu ý là tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý III/2021.

"Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai, nên các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023.

Chúng tôi cũng đã xem xét tình hình tài chính của các công ty niêm yết (không bao gồm các chủ đầu tư bất động sản và các hãng hàng không), và nhận thấy tính hình của các công ty này đang xấu đi sau quý I năm 2022.

Chúng tôi cho rằng thực trạng này sẽ dần được phản ánh vào chất lượng tín dụng, đặc biệt với diễn biến của lãi suất cho vay", SSI đánh giá.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục