Lộ lý do Nhật thua thầu trong dự án đóng tàu ngầm của Úc

Vũ Duy (Theo National Interest) Thứ năm, ngày 05/05/2016 11:08 AM (GMT+7)
Trang mạng National Interest ngày 3.5 đưa tin với việc chọn DCNS-tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp-thiết kế các tàu ngầm tương lai thuộc dự án chọn thầu cạnh tranh, Úc hiện phải hàn gắn các rạn nứt ngoại giao với 2 quốc gia thua thầu, đó là Đức và đặc biệt là Nhật Bản.
Bình luận 0

Học giả David Lang, thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, phân tích: “Chúng ta nên chấp nhận hậu quả của lựa chọn trên sẽ làm giảm sự hứng khởi trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trong suốt 2 năm rưỡi qua”. Và có thể sẽ xuất hiện sự thất vọng trong các mối liên minh quốc phòng của Mỹ, trong bối cảnh các lợi ích chiến lược thực tế đang nghiêng về liên minh: Úc-Nhật-Mỹ.

Tuy nhiên, việc Nhật thua thầu trong dự án trên không đơn giản là thách thức trong quan hệ ngoại giao và quốc phòng song phương Úc-Nhật, mà Úc còn phải theo sát phản ứng từ phía Trung Quốc.

Quyết định chọn thầu trên có thể sẽ khiến Bắc Kinh hài lòng bởi với giả thiết rằng nếu lựa chọn Nhật thì có thể đã mở ra nhiều hướng cho việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa Tokyo và Canberra vì cả 2 quốc gia này đều là đồng minh của Mỹ.

Về vấn đề này, giáo sư Paul Dibb nhận định như sau: “Bắc Kinh chắc chắn xua tay, viện lý do nói rằng họ không mua các tàu ngầm do Nhật sản xuất…và có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc dưới quyền chỉ đạo của ông Tập Cận Bình xem việc này như một sự thành công trong việc buộc Úc phải theo ý họ”.

img

 Một tàu ngầm lớp Soryu của Nhật. Ảnh: Lettersfromthailand

Bất chấp việc Trung Quốc có thể hài lòng về việc Nhật thua thầu, thì sự thật là Úc sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ-Nhật trong việc ngăn chặn lực lượng hải quân Trung Quốc đằng sau quyết định này, trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng tại khu vực.

Tuy nhiên, xét về mặt quản lý chính sách chiến lược, các nhận định về việc này lại thực sự có vấn đề. Sẽ không thỏa đáng nếu cho rằng chính quyền Thủ tướng Turnbull chọn Pháp thay vì Nhật một phần bởi vì họ sợ chọc giận Trung Quốc. Nhưng Úc không thể để quan niệm rằng Bắc Kinh có sự ảnh hưởng tới sức mạnh ngoại giao và quốc phòng của Úc tồn tại.

Cách tốt nhất là xóa bỏ quan niệm này từ phía Trung Quốc đó là đẩy mạnh việc hàn gắn quan hệ với Tokyo thông qua các giải pháp chính sách cụ thể hiện hữu nhằm mục tiêu tăng cường đối tác chiến lược đặc biệt. Điều này là quan trọng trong bối cảnh sự không rõ ràng về vai trò của Mỹ tại châu Á và việc Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trên Biển Đông.

Trong một môi trường chiến lược đang xấu đi, thì câu tục ngữ: “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” lại thích hợp hơn bao giờ hết trong lúc này. Việc không xử lý khéo những vấn đề phát sinh đằng sau việc chọn thầu trên thông qua cách tiếp cận mới đối với Nhật Bản có thể vướng vào cái bẫy là sẽ khích lệ Trung Quốc ngày một bành trướng hơn, trong khi sự thua thiệt thuộc về các quốc gia láng giềng đó là Mỹ và Nhật. Một chính sách răn đe và cảnh báo là cách tiếp cận tốt nhất đối với vấn đề Trung Quốc và việc đẩy mạnh quan hệ quốc phóng giữa Nhật và Úc sẽ là nền tảng cho cách tiếp cận này.

Để thực thi được việc này, Úc phải tăng cường quan hệ với Nhật bên cạnh với Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải thông qua các hoạt động tuần tra chung tại Biển Đông. Và Úc phải tăng cường quan hệ để lập nên các đối tác an ninh tại Biển Đông mà các nước có cùng thách thức từ Trung Quốc.

Việc tăng cường hợp tác giữa 3 nước: Nhật-Úc-Mỹ sẽ giúp có lợi thế hơn hẳn xét trong mối tương quan lực lượng với đội tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay. Việc đối thoại về lá chắn tên lửa đạn đạo cũng góp phần kiềm chế khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm, phóng từ đất liền của Trung Quốc.

Úc đồng thời cần tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật trong việc duy trì, vận hành phi đội máy bay chiến đấu F-35, đặc biệt cho phép Nhật tiếp cận tới khu vực phía Nam nước này để phối hợp tập trận tác chiến với Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật hiện đang chế tạo chiến đấu cơ tàng hình X-2, thuộc chương trình sản xuất máy bay tàng hình tương lai F-3, có thể hỗ trợ thay thế loạt các máy bay RAAF F/A-18F vào năm 2030.

Về lĩnh vực không gian, các vệ tinh thương mại kết nối do Nhật và Úc sở hữu sẽ góp phần vào việc chia sẻ thông tin thông qua các hệ thống chung C4ISR. Đứng trước khả năng khoa học công nghệ thông tin ngày một gia tăng của quân giải phóng Trung Quốc, Nhật và Úc cùng với Mỹ cần hợp tác nhằm tăng cường khả năng liên kết trong không gian mạng. Hợp tác 3 bên trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến chiến lược “Sự bù đắp thứ 3” do Mỹ đứng đầu có thể mang lại nhiều lợi ích, theo đó có thể lấp đầy bất kỳ lỗ hổng nào trong mối quan hệ Úc-Nhật đằng sau quyết định chọn thầu trên.

Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực với sự hợp tác nói trên, hoặc với các cơ hội khác mà Úc và Nhật tăng cường hợp tác. Úc sẽ phải đương đầu với các thách thức trên, đặc biệt khi mà sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gia tăng. Thay vào đó, Úc cần có hành động quyết đoán trong việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với Nhật theo phương cách nhấn mạnh tới việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bền chặt trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem