Lộ nguyên nhân chính chậm phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế
Lộ nguyên nhân chính chậm phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế
Huyền Anh
Chủ nhật, ngày 22/05/2022 12:19 PM (GMT+7)
Nguyên nhân về chậm phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ làm rõ trong báo cáo gửi tới Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3.
Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3, cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương gắn với thời hạn cụ thể.
Nhìn chung, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn thiện danh mục dự án bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về sự thay đổi danh mục dự án của các bộ, địa phương so với phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Báo cáo số 01/BC-CP ngày 02/1/2022.
Tuy nhiên, đến nay các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn, chậm so với yêu cầu.
"Điều này là do phần lớn các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình là các dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15", báo cáo nêu rõ nguyên nhân.
Trước đó, tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ rất băn khoăn, lo lắng về tiến độ giải ngân rất chậm của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói 347.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, gói 347.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm 2022 - 2023, nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai gói này vẫn rất chậm.
"Báo cáo dự kiến điều hòa vốn chương trình này với đầu tư công nhưng vừa rồi rà soát lại năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán có 18.000 tỷ thì nhằm nhò gì, giữa nói và làm là không đi đôi với nhau.
Nếu hết năm 2023 không giải ngân được thì sẽ trình Quốc hội dừng lại vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông cũng nhấn mạnh việc "rất băn khoăn lo lắng, lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã cho hết rồi thì không hiểu lý do vì sao chậm", và đề nghị Chính phủ giải trình kỹ trước Quốc hội việc chậm điều hòa vốn này.
Không chỉ người đứng đầu Quốc hội, nhiều chuyên gia thời gian qua cũng lưu ý, dư địa để Việt Nam thực hiện những gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn còn nhưng dư địa về thời gian không còn nhiều. Nếu chậm trễ trong việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế, thì hiệu quả của chính sách cũng sẽ hạn chế rất nhiều trong bối cảnh các quốc gia khác đang đối mặt với áp lực lạm phát cao, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trong đó có Mỹ đang đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ.
Về Chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Dự kiến ban hành trong tháng 05 năm 2022.
Với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Bộ trưởng báo cáo, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngày 20/5, Nghị định này đã được ban hành.
Về 03 cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công thuộc Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 5/2022
Dự kiến ban hành trong tháng 5/2022 còn có Nghị định hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.