Lo tiền hỗ trợ chảy vào chứng khoán, đây là cách các quốc gia loại zombies khỏi “ăn may”

14/12/2021 08:09 GMT+7
Một trong những quan ngại được nhiều chuyên gia đặt ra về gói kích thích kinh tế đó là liệu dòng vốn có thực sự chảy vào lĩnh vực kinh doanh thực hay chảy vào lĩnh vực rủi ro như thị trường chứng khoán.

Lo tiền hỗ trợ chảy vào chứng khoán

Thực tế thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động trong suốt 1 năm qua. Nếu như tổng quy mô TTCK (bao gồm tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỷ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146,2% GDP và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% của năm 2010, đến hết tháng 11/2021, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt xấp xỉ 148%GDP đạt 9,2 triệu tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index chinh phục đỉnh mới ở mức 1500,81 điểm vào ngày 25/11/2021. Khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong năm 2021 có thể tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cũng được kỳ vọng tăng khoảng 4 lần so với trung bình năm 2020.

TTCK Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3.000 tài khoản trong năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020.

Đặc biệt, 11 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước vượt 4 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số, tăng 47% so với cùng kỳ.

Lo tiền hỗ trợ chảy vào chứng khoán, các quốc gia khác “dẹp” bằng cách nào? - Ảnh 1.

Lo tiền hỗ trợ chảy vào chứng khoán. (Ảnh: BaoKhanhHoa)

Theo nhìn nhận của giới phân tích, đà tăng trưởng gần đây của TTCK phần nào được hỗ trợ từ việc triển khai gói kích thích kinh tế có thể đạt 5%GDP.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính nhận định, việc dòng tiền hỗ trợ chảy vào lĩnh vực rủi ro như chứng khoán là điều chắc chắn sẽ xảy ra, dù ít dù nhiều, và nước nào cũng thế chứ không riêng gì Việt Nam.

"Nguyên tắc cơ bản của thị trường tài sản là môi trường lãi suất thấp đẩy giá tài sản lên cao. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua thị trường chứng khoán tăng vọt. Khi lãi suất giảm, áp lực với các thị trường này sẽ rất lớn, cần có những biện pháp để tránh gây rủi ro cho thị trường tài chính", ông Cường thông tin tới PV Etime.

Giải bài toán dòng tiền "rót" sai địa chỉ

Chia sẻ tại tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức ngày 13/12, ông Võ Đình Trí – Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM thừa nhận, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào những doanh nghiệp khi được tiếp nhận nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ với chi phí thấp, sẽ đẩy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả, từ đó sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong 2-3 năm tới đây.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng được đặt ra là sẽ có tình trạng doanh nghiệp nhận vốn nhưng chưa có dự án sản xuất kinh doanh lại bỏ tiền vào trong chứng khoán, cần giám sát chặt chẽ.

Để giải quyết điều này, theo ông Trí gói kích thích mà Chính phủ đang thiết kế cần được giải ngân, sử dụng hiệu quả, dự án được triển khai đúng kỳ hạn.

Lo tiền hỗ trợ chảy vào chứng khoán, các quốc gia khác “dẹp” bằng cách nào? - Ảnh 2.

Chính phủ các quốc gia khác thường hỗ trợ doanh nghiệp theo hai giai đoạn. (Ảnh: TB)

Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, vị chuyên gia này cho biết: Muốn dòng vốn từ gói kích thích đi đúng hướng, Chính phủ các quốc gia khác thường hỗ trợ doanh nghiệp theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu, "cấp cứu" cho các doanh nghiệp ngay trong giai đoạn lockdown. Chẳng hạn tại Pháp, lúc đầu hơi lấn cấn về mặt thủ tục, nhưng sau đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ rất nhanh. Nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng trong quá trình được nhận hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính (Pháp) phát hiện ra rất nhiều doanh nghiệp lạm dụng thủ tục nhận hỗ trợ quá đơn giản, chỉ cần lên Internet kê khai mã số doanh nghiệp, đưa số tài khoản, tiền sẽ được chuyển nhanh chóng. Thậm chí, có một hệ thống lập doanh nghiệp giả, lấy mã số doanh nghiệp giả để được nhận hỗ trợ. Khi đó, những doanh nghiệp lợi dụng, trục lợi từ chính sách sẽ bị xử lý rất nghiêm khi hậu kiểm.

Giai đoạn thứ hai, phục hồi, ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng trụ vững sau đại dịch và có đóng góp nhiều cho tiến trình phục hồi. Khó khăn hai năm qua đột ngột ập đến bởi đại dịch, chứ không phải do sức khỏe doanh nghiệp ốm yếu từ trước đó.

Do đó, Chính phủ cân nhắc kỹ càng những tiêu chí, chọn lọc đối tượng nhận hỗ trợ. Các doanh nghiệp "xác chết", sắp thành "zombie" nhưng ăn may, khi đại dịch ập đến lại được xếp chung vào các nhóm doanh nghiệp bị bệnh, sẽ không có cửa nhận hỗ trợ.

"Với cách giải quyết thông thường như trên, tôi cho rằng doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ không tránh khỏi sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Thậm chí, doanh nghiệp trong cùng một nhóm cũng sẽ xuất hiện việc phân hoá", ông Trí nói.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục