Loại cà phê đặc sản này của Việt Nam bất ngờ được đón nhận ở Thụy Điển

06/10/2021 16:42 GMT+7
Một loại cà phê Arabica đặc sản của Việt Nam đã được giới thiệu và bất ngờ được đón nhận nồng nhiệt bởi người tiêu dùng Thụy Điển, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.

“Người em út” trong gia đình Arabica...

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Lễ hội cà phê do Hiệp hội cà phê đặc sản Thụy Điển (SCA) tổ chức vừa diễn ra từ ngày 1-3/10/2021 tại Lilla Kafferosteriet, Lokstallarna, Malmo.

Lễ hội qui tụ các nhà rang xay, nhập khẩu, bán lẻ cà phê để giới thiệu các công nghệ rang xay, xu hướng pha chế, và thử các loại cà phê đặc sản.

Loại cà phê đặc sản này của Việt Nam bất ngờ được đón nhận ở Thụy Điển - Ảnh 1.

Cà phê Arabica đặc sản của Việt Nam đã được giới thiệu và đón nhận bởi người tiêu dùng Thụy Điển. Ảnh Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tham dự lễ hội này để tìm kiếm khách hàng mới cho cà phê Việt Nam. Tại đây, một loại cà phê Arabica đặc sản của Việt Nam đã được giới thiệu và bất ngờ được đón nhận nồng nhiệt bởi người tiêu dùng Thụy Điển. Đó là cà phê Arabiaca Catimor.

Được biết, Việt Nam có 4 loại cà phê Arabica rất phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường thế giới dù 90% diện tích đất trồng cà phê là trồng loại cà phê Robusta.

So với các giống cà phê khác, Arabica tuy được đánh giá cao về hương vị lẫn giá trị kinh tế nhưng lại là loại cây khó canh tác, khả năng chống chịu kém, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và là giống cây ưa lạnh (phát triển tốt ở nhiệt độ khoảng 18 – 24°C, độ cao khoảng 1000 – 1500m so với mực nước biển).

Việt Nam không phải là vùng đất có thổ nhưỡng lý tưởng cho giống Catimor, tuy nhiên vẫn có 4 loại cà phê Arabica nổi danh được trồng tại Việt Nam bao gồm: Bourbon, Typica, Mocha và Catimor. Loại cà phê được Thương vụ giới thiệu tại Thụy Điển có tên gọi là Arabica Catimor.

Catimor chính là “người em út” trong gia đình Arabica và cũng là giống cà phê có sức sống mạnh mẽ nhất. Được lai chéo giữa giống cà phê Timor và Caturra (Timor được lai tạo từ cà phê Arabica và Robusta) nên Catimor sở hữu những đặc điểm sinh trưởng vượt trội với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Không những vậy, hương vị của Catimor cũng được cân bằng hoàn hảo giữa vị chua thanh của giống Timor và vị ngọt ngào của Caturra, không quá đắng như Robusta thuần chủng nhưng đủ đậm đà để quyến rũ người thưởng thức.

Giống cà phê này thường phát triển tối ưu ở độ cao từ 700 – 1000m, thường cho năng suất cao với chất lượng cà phê thơm ngon. Do đó, Catimor được trồng rộng rãi tại Việt Nam, có thể kể đến một số loại phổ biến sau:

Catimor T-8667: Thân cây khá ngắn nhưng cho quả và hạt rất to. Catimor T-5269: là một giống cà phê khỏe mạnh, thích nghi và phát triển tốt với độ cao từ 600 - 900m so với mực nước biển cùng lượng mưa hơn 3000mm mỗi năm. Catimor T-5175: là giống cà phê cho năng suất rất cao, nhưng không thích nghi được các điều kiện phát triển ở những nơi quá thấp hay quá cao.  

Chinh phục thị trường thế nào?

Người Thụy Điển thích loại cà phê Arabica Catimor không dễ dàng, chính hương vị của Arabica Catimor đã chinh phục họ. Khi thưởng thức họ thấy vị đậm đắng nhẹ pha với một chút chua thanh và ngọt hậu rất đặc biệt.

Loại cà phê đặc sản này của Việt Nam bất ngờ được đón nhận ở Thụy Điển - Ảnh 2.

Lễ hội cà phê tại Malmo, Thụy Điển. Ảnh Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Thực tế, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nước Bắc Âu tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Trong đó, Thụy Điển đứng thứ sáu với mức tiêu thụ là 8,2 kg/người/năm.

Cà phê không chỉ là một thức uống của người Thụy Điển mà còn là một văn hóa và lối sống không thể thiếu ở nước này. Ở Thụy Điển, có hẳn văn hóa gọi là “fika”, có nghĩa là thư giãn, nghỉ ngơi vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt và trò chuyện. Fika là một thực tế phổ biến ở nơi làm việc, nơi nó tạo thành ít nhất một lần nghỉ giải lao trong một ngày làm việc bình thường. Thông thường, hai fika được thực hiện trong một ngày vào khoảng 9h sáng và một lần nữa vào lúc 3h chiều. Truyền thống Thụy Điển này đã lan rộng khắp các doanh nghiệp Thụy Điển trên khắp thế giới.

Do văn hóa cà phê, thị trường tiếp tục tăng trưởng. Doanh thu từ cà phê của Thụy Điển dự kiến đạt 7,13 tỷ USD trong năm 2021. Giá trị thị trường được dự báo tăng trưởng trung bình 5,83%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Sức tiêu thụ cà phê của người Thụy Điển luôn đi theo xu hướng của châu Âu, với sự tiêu thụ ngày càng tăng của các loại espresso và cappucino dẫn đến việc tiêu thụ hạt cà phê Robusta cũng tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, mặc dù, tiêu thụ hạt cà phê Arabica vẫn là chủ yếu ở Thụy Điển.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, để gia nhập thị trường thành công, việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần xem xét các chiến lược tiếp thị, các đặc điểm sản phẩm đã thành công trên thị trường để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp.

Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê có thương hiệu được bảo hộ.

Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chi tiết về vùng hoặc xuất xứ trồng cà phê, giống, phẩm chất, kỹ thuật sau thu hoạch và chứng nhận cà phê. Cho biết lịch sử của doanh nghiệp, trang trại trồng cà phê và niềm đam mê, tâm huyết của những người làm việc tại đó… có thể là các yếu tố làm cho công ty và sản phẩm cà phê trở nên độc đáo...

Hiện nay do mang lại năng suất cao cùng với ưu điềm là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên cà phê Catimor được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Và những nơi được xem là miền đất hứa cho giống cà phê này là các vùng đất đáp ứng được các điều kiện thuận lợi trên đây. Do đó xét về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thì các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An và Sơn La chính là nơi phát triển mạnh mẽ cà phê Catimor nhất tại Việt Nam. Đây cũng là các vùng đất hiện đang có diện tích trồng Catimor lớn nhất nước ta.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục