Loài rắn xuất hiện ở chung cư TP.HCM là rắn vô hại với con người, rất có ích cho nhà nông
Loài rắn xuất hiện ở chung cư TP.HCM là rắn vô hại với con người, rất có ích cho nhà nông
Nguyên An
Thứ ba, ngày 21/12/2021 15:51 PM (GMT+7)
Th.S Nguyễn Văn Tân- Nhà nghiên cứu và bảo tồn hiện đang làm việc tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam chia sẻ, 2 loài rắn xuất hiện ở hai chung cư TP.HCM là rắn cườm và rắn hổ trâu. Đặc biệt, cả 2 loại rắn này đều vô hại với con người, rất có ích cho nhà nông.
Loài rắn xuất hiện ở chung cư TP.HCM là rắn vô hại
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân- Nhà nghiên cứu và bảo tồn hiện đang làm việc tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife, Ninh Bình), người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về các loài bò sát lưỡng cư, đồng sáng lập nhóm Nhận dạng rắn độc và sơ cứu rắn căn ở Việt Nam cho rằng những bức ảnh được ghi lại về cảnh rắn xuất hiện ở hai chung tại TP.HCM mà báo Điện tử Zing đăng tải ngày 20/12/2021 vừa qua được cho là rắn cườm và rắn ráo trâu. Cả hai loài rắn này đều thuộc họ rắn nước (Colubridae), có độc nhẹ, nhưng hoàn toàn vô hại với con người.
Cụ thể, ngày 20/12/2021, trên báo Điện tử Zing.vn có xuất hiện những thông tin và hình ảnh về việc rắn xuất hiện ở hai chung cư TP.HCM. Trong đó, cư dân đang sinh sống tại 2 chung cư Vinhomes Central Park và Sunrise Riverside có phản ánh đã nhìn thấy rắn xuất hiện vài lần ở nội khu.
Trang Zing thông tin, ngày 17/12, anh Hoàng Nam ở chung cư Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè) nhìn thấy một con rắn ở hành lang tầng 4 của tháp C.
"Con rắn khi đó đang bò men theo nền hành lang. Nhỏ như vậy rất có thể chui qua được khe cửa căn hộ", anh Nam mô tả. Sau đó, lực lượng an ninh đã đến bắt con vật và mang đi khỏi chung cư.
Một ngày trước đó, chị Trúc Anh cùng chung cư anh Nam đang chạy bộ trong đường nội khu cũng thấy con rắn dài khoảng 40 cm đã bị xe cán dẹp, nằm ở đoạn tháp I-K gần phía khu biệt thự.
Điều mà cư dân này lo sợ là vị trí này gần hồ bơi của chung cư. "Do không biết về rắn nên tôi không phân biệt được là loại rắn có độc hay không, trước hết tôi tránh xa nó", chị Trúc Anh thuật lại sự việc.
Bình luận dưới bài đăng của anh Nam, cư dân tên Hiền cũng kể lại việc nhìn thấy rắn bò trên tường tầng 2 phía trong công viên tháp G. "Thấy các cô chú bảo vệ lo sợ nó bò vào nhà. Loại này có thể bò trên tường lên cao. Nếu cứ để thế này thì rất nguy hiểm nhất là cho các bé", chị Hiền cho biết.
Trong khi đó, trên nhóm cư dân chung cư Vinhomes Central Park, có ít nhất 10 trường hợp ghi nhận thấy rắn ở nội khu. Đa số rắn xuất hiện ở các bụi cây, bồn hoa. Nhưng đáng chú ý, một cư dân ở đây cho biết từng có bảo vệ nhìn thấy rắn bò rơi xuống hồ bơi, mà các hồ bơi lại nằm dưới mặt đất.
Người dân cần có kiến thức về động vật hoang dã
Thông tin về rắn xuất hiện ở 2 chung cư tại TP.HCM đã khiến rất nhiều người hoang mang và bày tỏ sự lo lắng nhất đinh khi giữa chốn phồn hoa đô thị, dân cư đông đúc lại xuất hiện khá nhiều rắn.
Có cuộc trò chuyện nhanh với phóng viên Dân Việt, Th.S Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: 2 loài rắn trên là Cườm (tên khác là lục mè, rắn bay) có tên khoa học là Chrysopelea ornata (Shaw, 1802) là loài có độc nhẹ, nhưng vô hại với con người và Rắn ráo trâu (tên khác là hổ trâu, hổ vện, long thừa núi) có tên khoa học là Ptyas mucosa (Linnaeus, 1758), không có độc.
"Hai loài này thuộc họ Rắn nước (Colubridae), được ghi nhận phân bố rộng rãi tại Việt Nam. Môi trường sống ưa thích của 2 loài rắn kể trên là khu vực bìa rừng và khu vực dân cư, do có tập tính leo trèo giỏi và màu sắc khác lạ", Th.s Nguyễn Văn Tân thông tin thêm.
Có thể thấy, thông thường khi thấy rắn xuất xuất hiện thì đại đa số người dân nước ta với tâm lý e sợ thường đánh hoặc giết chúng (dữ liệu tổng hợp từ nhóm Nhận dạng rắn độc và sơ cứu rắn cắn ở Việt Nam) mà không hề hay biết rằng, chúng hoàn toàn vô hại và và thậm chí còn có lợi ích với hệ sinh thái và con người.
"Việt Nam là một điểm nóng trong đa dạng sinh học toàn cầu, đặc biệt có khu hệ rất phong phú với nhiều loài rắn đẹp và độc đáo. Chính vì vậy bên cạnh tâm lý tận diệt rắn thì mỗi người dân cũng nên trang bị thêm cho mình những kiến thức nhất định về các loài rắn nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung để biết cách bảo tồn động vật hoang dã cũng như đem lại lợi ích với hệ sinh thái và con người", Th.S Tân cho biết.
Ngoài ra, anh Tân cũng chia sẻ cho người dân nếu muốn trang bị thêm những kiến thức về động vật hoang dã tại nhóm "Nhận dạng rắn độc và sơ cứu rắn cắn ở Việt Nam".
Nhóm nhận dạng và sơ cứu được thành lập và hoạt động với mục đích tạo một sân chơi nhằm hỗ trợ mọi người về cách nhận dạng và xử lý các tình huống khi tiếp xúc với rắn, hướng dẫn sơ cấp cứu khi bị rắn căn, đặc biệt là các loài rắn độc, thay đổi dần định kiến gặp rắn là đánh là đập (kể cả các loài không độc).
"Mặc dù nhóm mới thành lập tháng 6/2021 nhưng đã thu hút sự quan tâm lớn của mọi người cũng như chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, cũng như hỗ trợ kịp thời nhiều trường hợp không may bị rắn độc cắn. Đội ngũ ban quản trị và các chuyên gia trong nhóm hầu hết là những bạn có tuổi đời rất trẻ (dưới 30 tuổi), đến từ nhiều nơi và công tác trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực (nhà nghiên cứu, bác sĩ, giảng viên, sinh viên, người đam mê về rắn…) luôn cố gắng đồng hành cùng với 30 nghìn thành viên hiện đang đăng ký để duy trì và phát triển nhóm một cách bền vững, giúp mọi người có những thông tin đa chiều hơn về các loài rắn, cũng như hỗ trợ đội ngũ các y bác sĩ trong toàn quốc khi gặp các trường hợp rắn cắn", Th.S Tân tâm đắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.