Loạn chiêu lừa tinh vi trên mạng

Thứ sáu, ngày 13/11/2015 08:07 AM (GMT+7)
Thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng phát triển, gia tăng đáng báo động. Quy mô phạm tội và hình thức cũng rất đa dạng, với nhiều chiêu lừa tinh vi trên mạng.
Bình luận 0

Tại hội nghị chuyên đề về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao do VKSND TP.HCM tổ chức ngày 12.11, nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này đã được chỉ ra...

Theo VKSND TP.HCM, trong gần ba năm (từ tháng 12.2012 đến tháng 9.2015), các CQĐT ở TP đã nhận 186 tin báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC). Thực trạng tội phạm sử dụng CNC, với nhiều chiêu lừa tinh vi trên mạng trên địa bàn TP đang có chiều hướng phát triển, gia tăng đáng báo động.

Tạo đầu số tổng đài VNPT, công an, VKS để lừa đảo

Quy mô phạm tội và hình thức lừa đảo qua mạng cũng rất đa dạng. Những người cầm đầu hầu hết là người Đài Loan, sử dụng hệ thống cuộc gọi Internet để tạo đầu số cuộc gọi là tổng đài VNPT, cơ quan công an, VKS, tòa án... Họ gọi cho nạn nhân, giả danh nhân viên tổng đài báo nợ cước điện thoại, tiếp đó giả danh cán bộ công an, kiểm sát viên... thông báo là ngoài nợ cước nạn nhân còn liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền, ma túy... Những người này lợi dụng sự hoang mang, lo sợ của nạn nhân để khai thác thông tin tài khoản ngân hàng rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để kiểm tra nguồn tiền. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, những người này lập tức rút hết tiền và chấm dứt liên lạc.

Điển hình là vụ một người Đài Loan phân công cho Lưu Tuấn Minh cùng đồng phạm thu mua, cung cấp tài khoản, mã thẻ... để làm phương tiện lừa đảo, đồng thời giữ vai trò rút tiền chuyển cho người cầm đầu. Minh cùng chín người khác đã dùng 28 CMND giả mở tài khoản, mua 30 thẻ thanh toán trong nước và quốc tế. Nhóm này đã gọi điện thoại cho các nạn nhân, giả danh Công an TP.Hà Nội yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của thanh tra công an để giám định. Tin lời, hàng chục người đã bị lừa hơn 5 tỷ đồng.

Cùng thủ đoạn tương tự, Wu Tung (người Đài Loan, Trung Quốc) và đồng phạm đã mua được 36 tài khoản và lừa 30 nạn nhân, chiếm đoạt 6,5 tỷ đồng. Nhưng nổi bật nhất vẫn là vụ án Shih Pao Yu (người Đài Loan) cùng bảy đồng phạm: Chỉ trong vòng hai ngày nhóm tội phạm này đã lừa được năm nạn nhân chuyển 970 triệu đồng vào tài khoản chỉ định.

Ngoài ra, CQĐT còn phát hiện các đối tượng còn gọi điện thoại cho công dân các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc... để thực hiện hành vi lừa đảo tương tự.

img

Bị cáo người Bulgaria dùng thẻ ATM giả chiếm đoạt tiền được dẫn giải ra TAND TP.HCM xét xử. Ảnh: HĐ

Đột nhập thông tin thẻ tín dụng, hộp mail người khác

Nhiều người phạm tội khác thì mua thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài được bán trên mạng Internet rồi trực tiếp mua hoặc thuê người khác mua hàng điện tử, vé máy bay... từ tài khoản của chủ thẻ để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng quản lý, phát hành thẻ.

Chẳng hạn vụ Nguyễn Thanh Sơn thuê hai người khác lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng điện tử cao cấp qua các trang web trực tuyến tại Mỹ. Sơn thuê người nhận hàng tại Mỹ, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Với thủ đoạn này, Sơn đã mua hàng hóa với tổng giá trị tương đương 2 tỷ đồng. Vụ khác, Trần Cao Vũ và đồng phạm sử dụng trái phép thông tin của nhiều thẻ tín dụng để mua vé máy bay của hãng hàng không Jetstar trị giá hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ có cá nhân mà nhiều doanh nghiệp cũng là nạn nhân của tội phạm CNC. Như vụ Công ty NĐHN, trong quá trình mua bán đã sử dụng hai email để trao đổi với một công ty ở Mỹ. Hacker đã trộm mật khẩu, xâm nhập vào hộp mail và gửi mail yêu cầu phía công ty Mỹ chuyển hơn 24.000USD vào tài khoản mang tên Phạm Thị Sa, sau đó rút ra chiếm đoạt. Tương tự, DNTN Vĩnh Nghiệp giao dịch mua bán với một doanh nghiệp tại Singapore cũng bị hacker xâm nhập vào hộp mail và gửi mail yêu cầu doanh nghiệp Singapore thanh toán gần 18.000USD tiền hàng vào tài khoản Trần Đoàn Thùy Trang.

Chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ gian hàng ảo

Không chỉ thế, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng, nhiều người còn lập các trang mạng, tạo tài khoản ảo, gian hàng ảo, quảng cáo bán hàng đa cấp trá hình kêu gọi đầu tư với lãi suất cao.

Trước đây, Nguyễn Hoàng Vũ và đồng phạm đã thành lập Công ty Tâm Mặt Trời (trụ sở tại quận 1, TP.HCM). Dù không được cấp giấy chứng nhận kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng Vũ và đồng phạm đã lập ra website www.emt.com.vn, tạo các tài khoản là các gian hàng ảo giống như sàn giao dịch thương mại điện tử để lừa bán hơn 23.000 gian hàng ảo cho khách hàng, chiếm đoạt hơn 121 tỷ đồng.

Vụ khác, Nguyễn Minh Thành và đồng phạm đã thành lập Công ty Cộng Đồng Việt, lập website vicongdongviet.vn để bán hàng hóa, kinh doanh thương mại điện tử kiểu đa cấp. Với thủ đoạn hứa trả lãi suất cao, khuyến mãi nhiều sản phẩm, kêu gọi đầu tư... Thành cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 107 tỷ đồng của nhiều khách hàng.

Trang thiết bị, nhân sự “chưa theo kịp”

Theo VKSND TP.HCM, tội phạm sử dụng CNC được thực hiện bằng công cụ, phương tiện hiện đại, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, khó phát hiện, trong khi trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hiện, điều tra, giám định còn chưa theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Người phạm tội thường sử dụng thành thạo về kỹ thuật máy tính, có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa theo kịp.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng, chống tội phạm CNC còn thiếu, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác quản lý về công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, mạng máy tính, giao dịch chứng khoán, ngân hàng..., công tác bảo mật của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân còn sơ hở. Việc tương trợ tư pháp hoặc ủy thác tư pháp đem lại kết quả rất hạn chế.

“Khó khăn khi xử lý loại tội phạm này còn đến từ sự bất hợp tác từ phía ngân hàng và nhà mạng. Có vụ án đến khi có được thông tin của các đối tượng phạm tội thì nhiều chứng cứ quan trọng đã bị xóa bỏ” - ông Lý Thế Sơn (Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm kinh tế khác - PC46 Công an TP.HCM) cho biết thêm.

Nhiều kinh nghiệm và kiến nghị

Để đấu tranh phòng, chống tội phạm CNC có hiệu quả, ngay từ khi tiếp nhận tin báo tố giác, CQĐT và VKSND phải có sự phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, ngân hàng... để kịp thời thu thập tài liệu, chứng cứ.

Quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát viên cần trực tiếp tham gia hỏi cung để làm rõ hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, thủ đoạn, vai trò, tính chất, hậu quả... Trong quá trình truy tố, xét xử, VKSND phải phối hợp chặt chẽ với tòa để đảm bảo vụ án được xét xử nghiêm minh.

Cạnh đó cũng cần nâng cao tính cảnh giác của người dân, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý tội phạm sử dụng CNC. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm CNC. Tăng cường hợp tác các nước, đẩy nhanh việc thảo luận ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp...

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM

Lệ Trinh (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem