Loạt dự án chậm tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ nguyên nhân

30/10/2019 17:08 GMT+7
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo phân công nhiệm vụ rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể, tìm nguyên nhân nếu để xảy ra chậm trễ tại các dự án giao thông trọng điểm.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ Giao thông vận tải.

"Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đóng góp rất lớn trong thành quả chung của đất nước. Đặc biệt, các lĩnh vực giao thông vận tải đều có bước tiến đáng kể phục vụ phát triển đất nước", Thủ tướng đánh giá.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm tìm nguyên nhân để xảy ra chậm trễ tại các dự án  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ngoài những điểm đã làm được, thì trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo; một số việc kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, Thủ tướng cho biết, ngành GTVT còn chưa được chủ động, hiệu quả chưa cao, còn tồn tại hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT cần phải chủ động hơn, tập trung mọi lực lượng để làm tốt nhiệm vụ được giao; các đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; các trường hợp trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ cần phải được xử lý nghiêm. Yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chỉ đạo phân công nhiệm vụ rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể, tìm nguyên nhân nếu để xảy ra chậm trễ.

Đồng thời, Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính, chủ động, tích cực xử lý các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và địa phương phối hợp xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Bộ GTVT nghiên cứu, xác định danh mục những lĩnh vực nhà nước phải làm để có kế hoạch tập trung nguồn lực; các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Về các dự án hạ tầng đường sắt, đối với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn. Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải rà soát các dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất phương án bảo đảm tính kết nối đồng bộ (quy hoạch tuyến, công nghệ vận hành, thu phí...), tạo thuận lợi nhất cho người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông  đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng gồm 13,05km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao, toàn bộ đường ray,  toàn bộ 12 nhà ga, hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu và mua sắm 11 hạng mục chuyên ngành khác.

Tổng thầu đã nhập khẩu tổng khối lượng vật tư, thiết bị về đến công trường đạt khoảng 99%. Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được tổng thầu triển khai đạt khoảng 97% và đã hoàn thành việc đào tạo toàn bộ 201 nhân lực tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam 450 người cho vận hành, khai thác dự án.

Hiện nay, tồn tại, vướng mắc chủ yếu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là việc tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác, trong đó bao gồm vấn đề đánh giá an toàn đoàn tàu và đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT nêu rõ: Hiện nay tổng thầu EPC của dự án là Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án dự kiến vào ngày 3/12/2019. Do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, mốc thời gian nêu trên khó khả thi.

Thế Anh
Cùng chuyên mục