Loạt "ông lớn" bị truy thu thuế khủng: Cần mạnh tay để tạo cạnh tranh bình đẳng!

14/01/2020 14:36 GMT+7
Theo các chuyên gia kinh tế, việc trốn thuế, chuyển giá là một trong những thủ đoạn phổ biến của nhiều "ông lớn" FDI, ngành thuế cần phải công khai tên tuổi những ông lớn này.

Thanh tra Tổng cục Thuế mới đây công bố danh tính hàng loạt "ông lớn" có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị truy thu, xử phạt mức thuế khủng, trong đó lớn nhất là Coca Cola, Heineken.

Cụ thể, Thanh tra Thuế cũng ban hành quyết định truy thu và phạt Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola hơn 821,4 tỷ đồng. Đây cũng là một doanh nghiệp FDI - nhóm thường bị nghi vấn chuyển giá. Hiện doanh nghiệp đã nộp toàn bộ 471 tỷ đồng bị truy thu.

Tiếp đó, Thanh tra Tổng cục Thuế công bố kết quả thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn của Cty Heineken. Cụ thể, từ cuối năm 2018, Cty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Cty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.

Loạt "ông lớn" bị truy thu thuế khủng: Cần mạnh tay để tạo cạnh tranh bình đẳng! - Ảnh 1.

Hàng loạt ông lớn doanh nghiệp FDI bị truy thu thuế khủng.

Phía Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập DN (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế thành phố Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore. Theo hiệp định này, DN FDI được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, họ sẽ chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế (thuộc Tổng cục Thuế), quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức tại Việt Nam). Qua thanh tra, Vụ Thanh tra kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%, do đó Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam. Từ thời điểm chuyển nhượng vốn nói trên đến khi cơ quan thanh tra Thuế vào làm việc, toàn bộ số thuế chưa được nộp vào ngân sách.

Trao đổi với Etime xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn lấy lý do đầu tư lớn nên lỗ liên tục hàng chục năm để né thuế. Đây là thủ đoạn phổ biến của một số "ông lớn" FDI, ngành thuế cần phải công khai tên tuổi những ông lớn này.

Theo ông Doanh, để phát hiện ra việc DN trốn thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam phải hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của các nước có trụ sở của DN FDI. Ông Doanh dẫn ví dụ, để xác định hành vi chuyển giá của Coca Cola, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan quản lý của Coca Cola ở các nước và xác định giá thành nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và giá bán sản phẩm. Trên cơ sở này, cơ quan thuế Việt Nam mới có thể tìm ra bằng chứng việc DN trốn thuế, chuyển giá.

Ông Doanh cho rằng, nếu có sự quyết liệt hợp tác của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam với các nước, hoàn toàn có thể tìm ra được nhiều trường hợp giống như Coca-Cola. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên công khai DN FDI lớn có dấu hiệu chuyển giá như báo lỗ liên tiếp nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất.

"Tôi hoan nghênh việc cơ quan chức năng phát hiện và truy thu thuế của Coca cola và mong tiếp tục phát hiện, xử lý các DN FDI khác trốn thuế, chuyển giá. Từ đó tạo ra sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các Cty trong và ngoài nước", ông Doanh kiến nghị.

Còn theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, thực tế cho thấy các doanh nghiệp VN cũng đầu tư lớn nhưng một thời gian sau vẫn có lãi, đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước.

"Với các ông lớn FDI kinh doanh, làm giàu trên đất nước VN, sử dụng hạ tầng VN nhưng lại không nộp thuế, hoặc mãi vài chục năm sau bị truy thu số thuế khủng như Coca-Cola cần có giải pháp mạnh tay.

Một trong số đó là công khai tên tuổi để người tiêu dùng biết và có thái độ ứng xử phù hợp. Chứ nếu vì lo ngại môi trường đầu tư mà không công bố thì không hợp lý" - ông Sơn nêu ý kiến.

An Vũ
Cùng chuyên mục