Loay hoay tìm hướng mở nghề

Thứ bảy, ngày 24/07/2010 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do đa số bà con có suy nghĩ “học xong rồi chắc cũng bỏ đó” nên khi mở lớp dạy nghề cho nông dân, anh Chiến phải tới từng nhà vận động bà con đến lớp và hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dụng cụ cho bà con làm nghề...
Bình luận 0
img
Chị Nguyễn Thị Thuỳ (ngồi giữa) mỗi ngày có thể đan 3 cái đèn lồng.

Nắm bắt được tâm lý chung của bà con ngại đi làm ăn xa, đồng thời tận dụng quỹ thời gian nhàn rỗi trong dân, anh Hoàng Văn Chiến xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá mày mò đưa nghề mây tre đan về quê. Thế nhưng, bước đường anh đi khá chông gai.

“Ù tai” vì phải gỡ khó

Cơ sở sản xuất và dạy nghề thủ công mỹ nghệ của anh Hoàng Văn Chiến đang ở giai đoạn tự cung ứng lao động cho cơ sở sản xuất. “Việc đầu tiên chúng tôi làm là mở lớp đào tạo nghề tại chỗ để bà con biết nghề, bắt nhịp vào sản xuất”- anh Chiến chia sẻ.

Do đa số bà con có suy nghĩ “học xong rồi chắc cũng bỏ đó” nên khi mở lớp dạy nghề cho nông dân, anh phải tới từng nhà vận động bà con đến lớp và hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dụng cụ cho bà con làm nghề... Anh cho biết: “Nhiều khi tôi còn phải cho bà con vay tiền trong khi cơ sở đang phải chạy vạy vay vốn lo nguyên vật liệu, mặt bằng”.

Việc tổ chức lớp, với anh cái khó lớn nhất là tìm giáo viên và thợ giỏi tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của cơ sở và phù hợp với khả năng tiếp nhận, thời gian học nghề của bà con. “Nhiều khi có tiền cũng chưa chắc đã thuê được do địa hình xa và thợ giỏi lại rất hiếm”- anh Chiến nêu thực tế.

Hơn nữa, bà con còn phải làm việc đồng áng, muốn đi học nghề chỉ có thể học buổi tối hoặc tranh thủ chút thời gian ban ngày, xác định nếu mở lớp “chính quy, tập trung” là thua nên anh Chiến mời bà con tới xưởng học nghề bất cứ khi nào họ rảnh rỗi. Khi giao nguyên liệu cho bà con làm gia công, anh cũng cử người hướng dẫn tận tình.

Là hội viên Hội Nông dân, anh kết hợp với Hội vận động người dân đi học và mời một số thợ có tay nghề cao mở 6 lớp học nghề miễn phí có hỗ trợ cho gần 500 lượt lao động trong xã, trong huyện. Anh thở phào: “Giờ tôi đã yên tâm phần nào về nhân lực để tập trung phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất”.

Tạo nghề mới cho làng xã

img Từ khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, tôi đã lên UBND huyện hỏi, nhưng huyện bảo chưa có hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở thủ công mỹ nghệ dạy nghề nên chưa triển khai, mà có triển khai thì chúng tôi cũng chưa biết phải tiếp cận như thế nào để được hỗ trợ theo quyết định trên, nên giờ đành tự lực hết. img

Anh Hoàng Văn Chiến

Hiện cơ sở của anh Chiến đang sản xuất hai mặt hàng chính là hàng siêu hộp bẹ chuối và hàng đèn lồng xuất khẩu. Sắp tới anh sẽ thuê một số giáo viên và thợ giỏi về dạy thêm một số mặt hàng mới như: Thảm làm từ bèo tây; ghế làm từ mây tre đan… Cơ sở của anh liên kết, ký hợp đồng dài hạn với Công ty TNHH Cao Cường (Nam Trực, Hà Đông) Công ty TNHH Ngọc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) để xuất hàng. Mỗi tháng cơ sở xuất đi khoảng 3.000 chiếc đèn lồng, và hơn 2.000 bộ hàng siêu hộp bẹ chuối khô, với doanh thu hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng. Hầu hết các mặt hàng này được xuất khẩu đi châu Âu, Thụy Điển, Nhật Bản, và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ, một lao động trong xã cho biết: “Vừa học vừa làm nên tay nghề của tôi đã khá. Thu nhập làm thêm còn gấp mấy lần trồng lúa”. Thực tế, sau 2 - 3 tháng học, bà con đã có thể làm nghề, mỗi tháng cũng tạo thu nhập ổn định từ 800.000-1.300.000 đồng/tháng, nhiều lao động có tay nghề cao, thu nhập có thể lên đến 1,5-2 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng Đình Chiến bày tỏ: “Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng tăng của bà con, sắp tới cơ sở phối hợp với Hội Nông dân huyện mở thêm 2 lớp dạy nghề cho bà con”. Anh cũng cho biết thêm hiện nay khó khăn lớn nhất của cơ sở là vốn và mặt bằng, vì vậy không chỉ anh mà phần đông nông dân trong xã rất mong được sự hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho nhiều nông dân được đào tạo nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem