Loay hoay vận động người dân đi xe buýt

Thứ tư, ngày 04/05/2011 11:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc vận động người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt) nhằm giảm nạn ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó cho các ngành chức năng.
Bình luận 0

Quá nhiều xe máy

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, quỹ đất dành cho phát triển hệ thống giao thông quá ít, chiếm 5% so với diện tích thành phố, trong khi ở các nước tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ này đạt từ 10 – 20%. Ngoài ra, mật độ đường giao thông so với tổng diện tích thành phố chỉ đạt 1,44km/km2, vừa cản trở việc phát triển hạ tầng giao thông vừa một phần là nguyên nhân gây nạn kẹt xe, đặc biệt trong nội thành.

Tuy nhiên, vấn nạn kẹt xe, theo nhiều chuyên gia trong ngành giao thông, thủ phạm chính vẫn do xe gắn máy gây ra. Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai - chuyên gia nghiên cứu giao thông thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, quỹ diện tích mặt đường đang quá tải do hơn 4 triệu xe gắn máy (chiếm 79% mặt đường) và khoảng 400.000 xe ô tô cá nhân chiếm dụng.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mai (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng, trung bình 1 hành khách đi xe buýt chỉ chiếm diện tích tối đa 1,5m2, trong khi 1 xe gắn máy chiếm 10–11m2. Đáng nói, lượng xe cá nhân không ngừng tăng cao qua từng năm, cụ thể, trong 5 năm gần đây, xe cá nhân tăng gần 1 triệu chiếc, còn xe buýt chỉ tăng 1.000 chiếc.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, cho hay, hiện trên địa bàn thành phố có 148 tuyến xe buýt, với gần 3.100 xe, chỉ chiếm gần 0,07% xe cơ giới - một con số rất nhỏ so với xe cá nhân. Đặc biệt, tại TP.HCM, trung bình 1 ngày có 78% các chuyến đi được thực hiện bằng xe máy...

Tìm mọi cách hút khách

img

Mạng lưới xe buýt ở TP.HCM đã phát triển, tuy nhiên nhu cầu đi lại của người dân vẫn còn thấp.

Các nhà quản lý giao thông, chuyên gia, nhà nghiên cứu giao thông… đều cho rằng, hiện nay để hướng người dân TP.HCM di chuyển nhiều trên xe buýt là bài toán khó. Bởi ý thức và văn hóa giao thông của người dân nước ta từ lâu vẫn quen di chuyển bằng các phương tiện xe cá nhân, đặc biệt là xe máy do đặc điểm dễ di chuyển, luồn lách.

Những hạn chế trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, như: Chạy nhanh, vượt ẩu, phân biệt đối xử, tình trạng xuống cấp của xe buýt, các luồng tuyến chồng chéo nhau, nhiều tuyến không tiện cho việc đi lại, kẹt xe gây chậm giờ làm… đang khiến cho vận tải xe buýt không được nhiều hành khách tham gia.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng phát triển hệ thống xe buýt cần đồng bộ với việc phát triển cơ sở hạ tầng: Bến bãi, nhà chờ, các trạm dừng xe buýt đúng cự ly, đường sá, các kênh thông tin liên quan đến mạng lưới xe buýt lẫn giá vé...

Rõ ràng, xe buýt vẫn chưa gây được nhiều thiện cảm đối với người dân. Tuy nhiên, trong tương lai, xe buýt vẫn được xem là giải pháp hàng đầu giảm nạn kẹt xe. Đặc biệt, khi các tuyến buýt nhanh BRT, xe điện mặt đất, hay metro… đi vào hoạt động, tin chắc vận tải hành khách công cộng sẽ được người dân hưởng ứng, đại diện Sở GTVT TP.HCM nhận định.

Vấn đề đặt ra là cần tổ chức lại mạng lưới xe buýt cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là cán bộ, nhân viên, nhằm thu hút người dân đi xe buýt nhiều hơn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết, cần thành lập một nhóm nghiên cứu liên ngành để bắt tay vào việc xây dựng đề án phát triển xe buýt nằm trong chương trình đột phá chống kẹt xe của thành phố đã đề ra.

Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân… cùng bắt tay vào việc xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem