dd/mm/yyyy

Lợi ích kép khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với BVMT

Phù Yên là huyện dẫn đầu của tỉnh Sơn La về diện tích và sản lượng lúa với trên 2.200ha/vụ. Không chỉ áp dụng các biện pháp, mô hình cho sản phẩm lúa gạo sạch, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số thửa ruộng của các hộ trong bản, ông Hà Văn Ắng, Trưởng bản Búc, xã Quang Huy bảo: Bản Búc là một trong những bản đầu tiên của xã Quang Huy thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa hữu cơ của huyện từ vụ chiêm xuân năm 2019. Đến vụ mùa năm 2020 đã thực hiện được 4 vụ. Bản có 9,3ha ruộng thì vụ mùa năm 2020, bà con đã chuyển toàn bộ sang sản xuất lúa hữu cơ với 65/65 hộ tham gia.

Nhìn những bông lúa to, dài, chắc hạt đang trong thời kỳ ngoắc cần câu mà cây lúa vẫn không bị đổ rạp cho thấy rõ hơn hiệu quả của phương pháp sản xuất hữu cơ trên đồng ruộng của xã Quang Huy. 

Lợi ích kép khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với BVMT - Ảnh 1.

Bà con nông dân xã Huy Tân, Phù Yên thu hoạch lúa hữu cơ vụ mùa 2020.

Đang lúi húi bên thửa ruộng của gia đình, ông Lò Bách Tan - một trong những hộ tiên phong chuyển đổi sang phương pháp canh tác lúa hữu cơ phấn khởi nói: "Gia đình tôi có gần 3.000m2 ruộng lúa 2 vụ. Từ khi có dự án sản xuất lúa hữu cơ của huyện triển khai đến xã, đến bản, nhận thấy lợi ích kép khi sản xuất lúa hữu cơ, gia đình không chút đắn đo mà chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Qua 3 vụ sản xuất, điều dễ nhận thấy là năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, cho sản phẩm sạch, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Gạo hữu cơ ăn rất thơm ngon, chất lượng khác hẳn so với các loại gạo không trồng bằng phương pháp hữu cơ. Giá gạo hữu cơ cũng cao hơn từ 10%-15% so với loại gạo thường mà luôn cháy hàng"

Lợi ích kép khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với BVMT - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên kiểm tra mô hình lúa hữu cơ ở xã Quang Huy.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phù Yên, cho biết: Mô hình thí điểm "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững" với quy mô 20ha là một trong những mô hình được huyện Phù Yên đưa vào triển khai từ vụ xuân năm 2019 tại xã Quang Huy và xã Huy Tân. Mục tiêu là cung cấp nguồn lương thực sạch cho thị trường, đồng thời giúp người nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường sống. 

Từ hiệu quả của mô hình, năm 2020, huyện Phù Yên tiếp tục xây dựng Dự án "Hỗ trợ phát triển gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Quang Huy và Huy Tân năm 2019 - 2020", với diện tích mở rộng lên 150ha/1 vụ tại 2 xã này. Việc xây dựng vùng sản xuất lúa, gạo theo hướng hữu cơ, chất lượng cao thuộc vùng nguyên liệu của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Quang Huy, nhằm tạo bước đột phá về phương thức và kỹ thuật trong sản xuất và nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm. Mặt khác, mục tiêu chủ yếu của dự án là chủ động kiểm soát và khống chế được sâu bệnh, giảm đến mức thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra. Kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra trong quá trình sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Lợi ích kép khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với BVMT - Ảnh 3.

Vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc.

Dự án là sự kết hợp giữa huyện Phù Yên và Tập đoàn Quế Lâm. Trong 150ha thì có 20ha Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 70% giống và phân bón cho các hộ dân tham gia dự án, còn 130ha huyện hỗ trợ các hộ 50% giống và 30% phân bón. Đặc biệt, 100% phân bón và thuốc BVTV do Tập đoàn Quế Lâm cung ứng với toàn bộ sản phẩm bằng thảo mộc và chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường.

Thông tin với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên, cho hay: Là đơn vị được huyện giao thực hiện dự án, Trung tâm đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể 2 xã Quang Huy và Huy Tân tổ chức tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; vận động các hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia dự án. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm tổ chức tập huấn kỹ thuật làm đất, phương pháp cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

"Khác với sản xuất đại trà, mô hình chỉ sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm và trong quá trình chăm sóc cây lúa không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, kèm theo đó là chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa qua từng thời kỳ. Nếu có sâu bệnh, căn cứ vào điều kiện phát sinh, chủng loại, Trung tâm cũng hướng dẫn các hộ dân có thể dùng các biện pháp thủ công như: Ngắt ổ trứng, dảnh héo … sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và thảo mộc. Khi đã qua 3 vụ lúa, năng suất tốt, kèm theo giá cao, các hộ dân ai cũng phấn khởi. Bà con tự nguyện xin tham gia canh tác lúa hướng hữu cơ. Điều đáng vui mừng là giờ đây trên các bờ ruộng mô hình không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước nữa", ông Tú chia sẻ.

Lợi ích kép khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với BVMT - Ảnh 5.

Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phù Yên gồm giống J02, Đài Thơm 8 với năng suất trung bình khoảng 62tạ/ha.

Qua các vụ sản xuất đã cho thấy, đất và môi trường được cải thiện rõ rệt qua từng vụ sản xuất. Nhờ việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp với phân chuồng được ủ bằng chế phẩm, nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại do môi trường nước, đất đã được cải thiện đáng kể.

Theo bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, thành công bước đầu của mô hình đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho cho địa phương. Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình, tiến tới huyện Phù Yên sẽ xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung cấp cho thị trường. 

Hiện nay, huyện Phù Yên tiếp tục duy trì ổn định quy mô dự án từ vụ mùa 2020 đến năm 2022 là 150ha. Dự án không những tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe cộng đồng. Qua đó, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập và môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

PV Tây Bắc