4 ông lớn ngân hàng lãi trên 42.000 tỷ
Thống kê tại 15 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018 tính tới thời điểm hiện tại cho thấy, Vietcombank đang là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận với trên 18.000 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của ngành ngân hàng.
Vị trí thứ hai lần đầu có sự xuất hiện của một ngân hàng tư nhân. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) của đại gia Hồ Hùng Anh được dự báo sẽ cán mốc 10.000 tỷ đồng và cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được con số này.
Đây cũng là điều dự đoán được khi Techcombank trong năm 2018 đã tăng vốn điều lệ gấp 3 lần, lên gần 35.000 tỷ đồng, hiện chỉ đứng sau VietinBank, Vietcombank và còn đứng trước cả BIDV và Agribank. Tăng vốn thành công, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank năm 2018 cũng chính là người có khối tài sản lớn nhất trong ngành ngân hàng, và nằm trong danh sách tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.
Bảng xếp hạng lợi nhuận của các ngân hàng
Nếu như nhiều năm trước đây, ông lớn Vietinbank đứng vị ở quân về lợi nhuận, thì năm nay Vietinbank chính thức mất ngôi vị á quân. Với mức lợi nhuận dưới 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận VietinBank chỉ đứng hạng 7/15 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ ra khỏi Top 5 lợi nhuận sau 3 năm ở vị trí số 1 và 3 năm giữ ngôi á quân theo thống kê lợi nhuận các ngân hàng từ năm 2012.
Nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của ông lớn này sụt giảm đến từ việc phương án tăng vốn chưa được phê duyệt, trong khi phải thực hiện bước đầu kế hoạch tái cơ cấu khiến VietinBank thu hẹp hoạt động trong quý cuối năm. Ngân hàng đã phải chủ động giảm dư nợ cho vay, tăng trích lập dự phòng.
Đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là BIDV với hơn 9.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. VPBank của ông Nguyễn Chí Dũng cũng không thua kém nhiều với 9.200 tỷ và đứng vị trí thứ 4/15 ngân hàng đã có kết quả lợi nhuận tính tời thời điểm hiện tại.
Nói về VPBank, đà tăng trưởng nhanh của VPBank bị gián đoạn trong năm 2018 do sự chậm lại của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng do VPBank sở hữu 100%. Đóng góp một nửa lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng cao, tuy nhiên sức ảnh hưởng của FE Credit trong năm 2018 đã giảm mạnh, như nửa đầu năm đã xuống dưới 40% trên tổng lợi nhuận của ngân hàng.
Sự chững lại sau nhiều năm tăng trưởng cao của FE Credit được đánh giá là nguyên nhân chính khiến kế hoạch chinh phục mốc 10.000 tỷ lợi nhuận của VPBank bị "phá sản" trong năm 2018. Bù lại, lãi ròng từ hoạt động thu phí tăng trưởng tới 67% tại ngân hàng mẹ lại là điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của ngân hàng này.
Ở vị trí thứ 5 là MBBank khi con số lợi nhuận trước thuế là 7.000 tỷ đồng, vượt 7,7% kế hoạch năm 2018.
Agribank năm nay cũng đột biến trong con số lợi nhuận khi tăng trưởng gần 50% so với năm 2017. Năm nay Agribank cũng đứng trước Vietinbank 1 bậc trong bảng xếp hạng lợi nhuận
Ở nhóm những ngân hàng có quy mô thấp hơn, HDBank đang tạm dẫn đầu với lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với năm trước. Đứng sau là VIB và TPBank của ông Đỗ Minh Phú với con số lợi nhuận giao động trên 2.000 tỷ
Trong khi đó, Maritime Bank cũng ước tính lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước nhờ một số khoản thu bất thường. Đầu năm, ngân hàng này chỉ đặt kế hoạch lãi 300 tỷ đồng.
Trong 15 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, KienLongBank, NamABank và VietBank là 3 ngân hàng công bố lãi trăm tỷ. Trong đó, lăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất trong NamABank với 132% so với năm 2017 lên con số 700 tỷ đồng trong năm 2018
Như vậy, nếu tính tổng lợi nhuận của 4 ngân hàng TMCP nhà nước là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank thì lợi nhuận của 4 ông lớn này đã chiếm trên 50% trong tổng số lợi nhuận của 15 ngân hàng này với trên 42.000 tỷ đồng
Lợi nhuận ngân hàng 2019 sẽ tiếp tục “bứt phá”
Đánh giá về lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018, viện trưởng viện Ngân hàng – Tài chính (đại học Kinh tế Quốc Dân) Đặng Ngọc Đức cho rằng, “Bức tranh lợi nhuận của năm 2018 khởi sắc cho thấy tín hiệu đáng mừng của ngành ngân hàng nói riêng và từ đó cũng phản ánh được phần nào về sức khỏe của nền kinh tế trong năm 2018.
“Lợi nhuận năm 2018 của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng bởi rủi ro của các ngân hàng. Đành rằng phi tín dụng ở Việt Nam chưa lớn nên lợi nhuận vẫn phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Thế nhưng, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng ngoại trừ chi phí về hoạt động ra còn chi phí về dự phòng rủi ro. Năm 2018, các ngân hàng kiểm soát rủi ro tương đối tốt do đó các ngân hàng không phải trích lập dự phòng nên lợi nhuận tăng lên”, ông Đức lý giải
Ông Đặng Ngọc Đức
Cũng với lý do này, năm 2019 theo ông Đức, bức tranh lơi nhuận của ngành ngân hàng sẽ không có gì đáng quan ngại dù hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 14% như thông điệp đã được cơ quan chức năng đưa ra. Đây cũng là mức độ tăng trưởng vừa phải
Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Khánh, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng 2019 vẫn còn nhiều dư địa phát triển tuy nhiên vẫn sẽ có sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Theo ông Khánh, sẽ có 2 nhóm ngân hàng. Nhóm thứ nhất là những ngân hàng có nguồn thu nhập ổn định như Vietcombank lợi nhuận năm 2019 cũng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của năm 2018. Nhóm ngân hàng thứ 2 là nhóm đang xử lý nhiều rủi ro trong khi công nghệ còn hạn chế. Lợi nhuận của nhóm này sẽ chưa thay đổi nhanh.
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cũng từng đưa ra nhận định, "Chính sách thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019, nhưng không quá lớn. Dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm sẽ tăng trưởng khoảng 20%"
Trong 1 khảo sát mới đây nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN Việt Nam), các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tỏ ra lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh trong năm 2019. Cụ thể, 86% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình được cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017 và dự báo trong năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, “Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao là điều rất đáng mừng, nhưng cũng cần hài hòa để đảm bảo lợi nhuận của cả doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Nếu chỉ thuần túy vì lợi ích của ngân hàng thì chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực cho các hoạt động kinh tế và của doanh nghiệp”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.