Hình minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thuộc nhóm các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn. Đây sẽ là doanh nghiệp vàng lớn tiếp theo được cổ phần hóa sau thương hiệu PNJ.
Doanh thu tỷ đô, lợi nhuận tỷ đồng
Thành lập năm 1988, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Tháng 6/2010, công ty này chính thức được chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn.
Trước khi thị trường vàng “đi vào quỹ đạo” từ việc siết chặt quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2012 bức tranh lợi nhuận của SJC được đánh giá là khá tích cực. Trong giai đoạn đỉnh cao SJC từng đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng vào năm 2011.
Tuy nhiên, giá vàng lao dốc từ cuối năm 2011 cùng việc NHNN siết chặt thị trường vàng miếng trong năm 2012 đã khiến doanh thu SJC liên tục sụt giảm cho dù SJC được lựa chọn làm doanh nghiệp độc quyền vàng miếng.
Nếu như năm 2011, doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu tới hơn 111.000 tỷ đồng (5,28 tỷ USD) thì sang năm 2012, con số này chỉ còn hơn 72.000 tỷ đồng. Sang năm 2013, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh tới hơn 60%, xuống còn hơn 27.600 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).
Những năm gần đây, doanh thu của SJC chỉ đi ngang quanh mức 20.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thấp do kinh doanh vàng miếng (không quá 1%) khiến doanh nghiệp chỉ lãi vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Báo cáo tài chính được công bố gần đây nhất cho thấy, kết thúc năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ trong khi giá vốn bán hàng giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp chỉ còn 0,72%, so với mức 0,75% trong năm 2017.
Mặc dù công ty đã tiết giảm các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu tài chính cũng tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhưng do không còn khoản hoàn nhập dự phòng tới 75 tỷ đồng như năm 2017 nên kết thúc năm 2018, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận sau thuế “vỏn vẻn” gần 28 tỷ đồng, giảm tới 66% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của SJC kể từnăm 2012 trở lại đây.
Tính đến cuối 2018, công ty mẹ SJC có tổng tài sản 1.545 tỷ đồng, được tài trợ chủ yếu là hàng tồn kho (989 tỷ), tiền (171 tỷ) và đầu tư tài chính (167 tỷ).
Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của SJC đạt 1.359 tỷ đồng và “của để dành” chỉ có hơn 94 tỷ lợi nhuận chưa phân phối. Tại cùng thời điểm này, SJC đang có 37,7 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, 26,4 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết và 132,6 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác; trong đó, phần lớn là vốn đầu tư vào VietABank (123 tỷ đồng).
Điều đáng nói, năm 2013, SJC có nguồn vốn chủ sở hữu 1.658 tỷ đồng, đến năm 2018 không những không tích lũy được thêm qua nhiều năm mà còn giảm đi chỉ còn 1.453 tỷ đồng.
Quy mô không quá lớn nhưng hiện SJC được biết đến là một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ….
Dấu hỏi về cổ phần hóa?
SJC có một đặc quyền lớn là được Ngân hàng Nhà nước giao độc quyền sản xuất vàng miếng và lấy SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Quyết định này nhằm thống nhất và kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế...
Cũng chính vì lẽ đó, hoạt động trong mảng vàng miếng truyền thống chính là điểm yếu cố hữu của SJC. Với tính chất bán sỉ, SJC ghi nhận doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận không đáng kể khi tỷ suất lợi nhuận của mảng vàng miếng chỉ dưới 1%.
Chung cảnh ngộ với SJC, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI năm 2018 cũng có doanh thu tới trên 60.000 tỷ đồng, cao nhất trên toàn thị trường, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng chỉ dừng lại ở 2 con số (80 tỷ đồng).
Trong khi đó, nếu như nhìn sang PNJ của “nữ tướng ngành vàng” Cao Thị Ngọc Dung, một doanh nghiệp lớn cùng ngành, “sinh” cùng năm với SJC nhưng đã được cổ phần hóa cách đây 15 năm cho thấy hai bức tranh kinh doanh hoàn toàn khác biệt.
PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung đang đứng đầu thị trường ở mảng vàng trang sức, có doanh thu chỉ trên 13.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đạt tới 941 tỷ đồng, gấp 34 lần SJC. Biên lãi gộp cả năm 2018 đạt mức kỷ lục với 19% so với mức chỉ hơn 4% năm 2011.
Từ sản phẩm vàng miếng chiếm 80% doanh thu năm 2011, đến nay PNJ đã gia tăng tỷ trọng mảng trang sức lên 80% doanh thu và 92% lợi nhuận gộp. Theo đó biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ khoảng 4% lên trên 19% vào năm 2018.
Về nguồn lực, nếu nhìn lại năm 2009 - mốc PNJ bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, quy mô vốn chủ sở hữu còn chưa đầy 1.000 tỷ đồng, thì sau đó quy mô này liên tục gia tăng và hiện đã đạt tới trên 4.000 tỷ đồng.
Quay trở lại với câu chuyện tại SJC, doanh nghiệp này mới chỉ đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh vàng nữ trang kể từ năm 2012 khi chính phủ siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, có thể thấy quá trình chuyển đổi mất nhiều thời gian cũng như chưa có nhiều đóng góp khi biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vẫn quanh 0,7% trong những năm gần đây.
Sự khác biệt và chênh lệch lớn trong lợi nhuận thu được ở mảng kinh doanh sản phẩm khác nhau của cùng 1 lĩnh vực cho thấy SJC đã đến lúc phải thay đổi và con đương duy nhất chính là cổ phần hóa. Với việc cổ phần hóa, nhiều cổ đông sẽ tham gia vào doanh nghiệp, khi đó sức ép của các nhà đầu tư lớn có thể giúp SJC chuyển đổi nhanh, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Kỳ vọng từ thay đổi qua cổ phần hóa là vậy, nhưng lộ trình thực tế vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi đã được ấn định vào năm 2020? Cũng phải nói thêm rằng, trong năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa từng được nhấn mạnh tại đây, nhưng vẫn không thể triển khai cho đến nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.