dd/mm/yyyy

Lối thoát cho hồ tiêu

So thời đỉnh điểm, khi giá hồ tiêu lên đến 200.000 đồng/kg, thì hiện nay giá hồ tiêu giảm, chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg đã khiến những người trong ngành lao đao, nhưng vẫn còn đó những lối thoát nếu biết tận dụng cơ hội.

Chị Hứa Thùy Liên, Giám đốc Công ty Hồ tiêu Việt, doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất và xuất nhập khẩu hồ tiêu, chia sẻ, hiện nhu cầu tiêu hữu cơ (organic) trên thế giới rất lớn, vậy nên giá của dòng sản phẩm này hiện vẫn cao gấp đôi so giá thị trường. Đơn cử, hiện nay giá bán từ những người nông dân trồng tiêu organ vào khoảng 240.000 đồng/kg, còn giá mà đơn vị xuất khẩu (XK) chốt hợp đồng với nước ngoài có thể lên đến 250.000 đồng/kg.

Thực tế thì cơn sốt giá hồ tiêu những năm qua không tác động mấy đến nguồn cung của tiêu organic, bởi lẽ nhiều người có xu hướng trồng những dòng cây thông thường để có thể tiêu thụ nhanh, còn organic vừa đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, mà còn đó là cái tâm của người tham gia trồng trọt, sản xuất, tiêu thụ.

Một dẫn chứng có thể chỉ ra là Malaysia, một trong những quốc gia mạnh về XK hồ tiêu vẫn đang có giá bán rất tốt cho những dòng sản phẩm chất lượng cao của mình tại các thị trường chủ lực như: Mỹ, châu Âu… Như vậy, việc chuyển hướng sang tiêu organic có thể là một giải pháp, nhưng cũng không dễ để đi tắt đón đầu vì cần nhiều quá trình tích luỹ kỹ năng trồng trọt, sản xuất ngay cả bên thương mại cũng cần hợp tác lâu dài với các vườn tiêu.

Một điểm cũng cần lưu ý là dù giá thu mua đầu vào, tức là từ nông dân đến thương lái hoặc nhà sản xuất có thể biến động rất mạnh, lên đến vài chục phần trăm, nhưng giá bán ra sản phẩm chế biến sâu, hoặc bán lẻ trên thị trường là phụ gia thực phẩm lại thường không co giãn mấy, bởi người mua thường mua với khối lượng thấp. Nhưng cũng vì nhà sản xuất, chế biến mua hàng tạ, hàng tấn mà chỉ bán lạng, bán cân cũng khiến cho ngành này đến giờ vẫn còn khá manh mún. Có thể, biên lợi nhuận tính trên sản phẩm không thấp, nhưng số lượng bán lại không đủ lớn để tạo ra nguồn lợi nhuận tổng thể lớn. Nhìn vào các nhà sản xuất thực phẩm, gia vị lớn, có thương hiệu hiện nay cũng chưa có đơn vị nào lựa chọn tiêu là mặt hàng chủ lực để đầu tư làm thương hiệu, phát triển chất lượng mà vẫn chỉ xoay quanh các loại nước chấm.

Trong khi đó, với các cơ sở sản xuất, hoặc DN nhỏ và vừa, con đường đưa hồ tiêu ra thị trường bao gồm các kênh chợ và siêu thị cũng gặp khó. Bán tại siêu thị thường mức chiết khấu giá hồ tiêu sẽ là thách thức cho các DN, cơ sở chế biến nhỏ, còn tại chợ thì khó chọn mức giá cao.

Chị Hứa Thùy Liên cho biết, hiện tại, việc bán lẻ hồ tiêu rất khó đem lại lợi nhuận ngắn hạn, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này dựa vào việc xuất khẩu tiêu organic với sản lượng trên dưới 50 tấn mỗi năm. Như vậy, để mảng bán lẻ hồ tiêu, hoặc các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng phát triển sẽ cần có thêm thời gian để các doanh nghiệp bám rễ với thị trường, tạo thói quen cho người tiêu dùng. Còn muốn rút ngắn giai đoạn, có lẽ cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, gia vị hàng đầu nhưng thách thức cũng không hề nhỏ vì việc gia tăng sản lượng, tăng trưởng ngắn hạn, vốn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp này, là rất khó khăn.

Hạ Đan