"Lờn thuốc", nông dân vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm salbutamol

Kỳ Phương - Hữu Danh Thứ sáu, ngày 22/01/2016 10:28 AM (GMT+7)
Tại địa bàn “trọng điểm chất cấm salbutamol” xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nhiều hộ chăn nuôi đã “lờn thuốc” khi tiếp tục sử dụng chất cấm, bỏ quên trách nhiệm người làm nông chân chính trước xã hội, dù trước đó cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều hộ bởi hành vi này.
Bình luận 0

Tháng 8.2015, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang ra quyết định xử phạt tổng cộng 150 triệu đồng đối với 20 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh - nhiều hộ bị phạt ở xã Xuân Đông, địa bàn nuôi heo nhiều nhất tỉnh. Thế nhưng, đợt kiểm tra bất ngờ vừa qua, người chăn nuôi ở xã Xuân Đông lại “dính” chất cấm khi 6/7 mẫu kiểm nghiệm từ đàn heo tại xã này dương tính với salbutamol. 

Đổi “chiêu thức”

Những người nuôi heo này khai nhận đã thay đổi phương thức sử dụng chất cấm. Trước đây trộn salbutamol với thức ăn cho heo ăn trước khi xuất chuồng khoảng gần một tháng thì nay cho ăn từ lúc heo chỉ mới có 50-60kg.

Thời gian còn lại để nuôi đạt 100kg/con đủ để chất này đào thải, khi lấy mẫu nước tiểu phân tích thì không phát hiện nữa. Còn những hộ cho heo ăn lúc gần xuất chuồng thì heo sẽ bung đùi, nhìn đẹp hơn heo không cho ăn chất cấm. Để qua mặt ngành chức năng, những hộ này cho heo uống sorbitol để đi tiểu nhiều nhằm thải chất cấm ra nhanh hơn.

img

Một trại heo ở xã Xuân Đông

Một số hộ dân ở đây cho biết, họ học được cách sử dụng chất cấm từ lái heo, khi xuất chuồng, giá heo sẽ được thương lái mua cao hơn nhiều so với với heo nuôi bình thường. Theo anh D (xin không nêu tên, ngụ xã Xuân Đông), trước kia hầu hết các gia đình ở đây đều sử dụng chất này, nhưng giờ thì các đoàn thanh tra “gắt quá” nên người dân không dùng nữa. Những trang trại nuôi nhiều thì có thể còn sử dụng. Còn những hộ nuôi nhỏ lẻ, người ta không dám dùng.

Là một người từng sử dụng sabutamol cho trang trại chăn nuôi heo, anh D chia sẻ: “Sabutamol là chất có dạng bột, màu trắng pha xám. Mỗi gói được bán với giá dao động từ 350.000 - 600.000 đồng, tùy vào độ tạo nạc. Chất salbutamol được sử dụng để làm heo nhìn đẹp hơn, nở nang đùi. Lúc đầu chúng tôi không biết đến chất này nhưng sau này được các thương lái “bày” phải dùng thì người ta mới mua heo với giá cao. Người ta đưa cho mình rồi mua luôn, vậy nên người dân chúng tôi mới sử dụng”.

Đừng chỉ đổ lỗi cho thương lái

"Lúc trước tôi cũng nắm được tình hình thương lái “mớm thuốc” cho người dân, nhưng khó xử lý vì xã không đủ thẩm quyền.   Tôi cũng đang có ý định đề xuất lên trên phải xử lý thật nặng những trường hợp như thế này, chứ xử lý nhẹ quá không ăn thua. Việc các hộ nuôi heo tự ý sử dụng sabutamol có thể gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi heo lành mạnh khác”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Xuân Đông

Theo tiết lộ của nhiều hộ nuôi heo, nếu sử dụng chất cấm, heo thịt sau 10-30 ngày sẽ tăng ít nhất từ 20-40kg. So với nuôi theo kiểu cũ, người nuôi hay các thương lái sẽ thu thêm từ 500.000 - 1.000.000 đồng/con

. “Chỉ cần bỏ thêm 15-25 ngày dùng thuốc kích thích ta sẽ thu thêm cả triệu đồng. Nếu tính hàng trăm con heo, khoản lợi thu được sẽ khiến nhiều người không ngờ tới. Nhiều người ở đây đang áp dụng phương thức ép heo theo cách đó” - một chủ hộ nuôi heo “tự nhận đã bỏ dùng chất cấm” phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Quốc Phi - cán bộ thú y tại địa phương này cho biết: “Việc sử dụng sabutamol có thể giúp heo đẹp hơn, đùi rất căng bán có giá, nhưng hậu quả sẽ làm cho heo yếu hơn. “Khi vào thuốc heo nhìn rất đẹp, nhưng đùi heo rất yếu. Dùng quá liều heo có thể nằm bỏ ăn 3-4 ngày, thậm chí nhiều trường hợp là chết luôn. Thịt heo chứa chất cấm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, địa phương có khoảng 240 hộ nuôi với số lượng lên hơn 40.000 con heo. Có khoảng 10 trại chăn nuôi tập trung với số lượng hàng ngàn con/hộ. “Trước kia nhiều hộ sử dụng chất này để nhằm làm heo đẹp bán với giá cao hơn. Thế nhưng giờ đây, xã đã phối hợp với huyện Chợ Gạo, và một số cơ sở phân phối thức ăn cho heo đã vận động, giải thích cho người dân hiểu về tác hại của việc sử dụng sabutamol dùng cho heo ăn” - ông Mười nói. 

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Tái phạm sẽ bị phạt nặng!

Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc triển khai kiểm tra xử lý các cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm, các tỉnh thành trên cả nước đã vào cuộc rất mạnh mẽ, họ đã thành lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra liên tục các cơ sở, các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã có 2 đoàn thanh tra, một đoàn đi vào các tỉnh phía Nam, một đoàn đi kiểm tra các tỉnh phía Bắc. Nhìn chung sau khi triển khai nội dung về triển khai chất cấm, tình hình đã giảm đi rất nhiều.

 Cục Chăn nuôi cũng vừa nhận được thông tin đoàn thanh tra Sở NNPTNT phát hiện đàn heo tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) sử dụng chất cấm salbutamol.

Ngay trong chiều 20.1 Cục đã báo cáo Thứ trưởng Vũ Văn Tám về sự việc trên, ngày 21.1 Bộ NNPTNT  gửi chỉ thị tới các tỉnh để tăng cường kiểm tra tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch thời điểm trước và trong tết.

Yêu cầu các tỉnh tiếp tục cử các đoàn kiểm tra, kiểm tra tất cả các cơ sở chăn nuôi; tập trung kiểm tra tại các địa phương mới, các vùng mới phát hiện có các hộ dân sử dụng chất cấm, các trường hợp tái phạm sẽ xử lý nặng. Các vùng nguy cơ cao về  sử dụng chất cấm sẽ được tăng cường kiểm tra liên tục. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục cử các đoàn thanh tra phối hợp với sở NNPTNT các tỉnh để tăng cường giám sát kiểm tra.

Đình Thắng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem