Long An: Kê khống giá rừng gấp 7 lần, ngân hàng mất 7 tỷ

Hữu Danh Thứ hai, ngày 20/02/2017 16:18 PM (GMT+7)
Rừng tràm ở vùng lũ Đồng Tháp Mười giá chỉ có 180 triệu đồng/ha, được cán bộ ngân hàng định giá thành 1,2 tỷ đồng/ha và cho vay gấp nhiều lần giá trị thật làm náo loạn quê nghèo...
Bình luận 0

Kê giá gấp 7 lần

Mấy tuần qua, người dân xã vùng sâu Thạnh An (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) xôn xao trước thông tin có nhóm “cò ngân hàng” đi về vùng này hỏi mua đất với giá cao nhằm mục đích... vay tiền ngân hàng. Nhóm cò này tha hồ hét giá và gom đất làm người dân bàn tán.

PV Báo điện tử Dân Việt tìm hiểu và phát hiện, đất rừng ở xã này và một số xã lân cận bị thổi giá đến chóng mặt. Lãnh đạo một số xã cho hay, đã có hiện tượng “cò” kéo về đây mua đất rồi móc tay với cán bộ ngân hàng kê khống giá trị nhằm vay số tiền lớn và bỏ đất cho ngân hàng phát mãi. Người mua đất, ngân hàng cho vay và người trúng đấu giá (sau khi đất bị phát mãi) đều không thuộc tỉnh Long An.

Theo hồ sơ mà xã Thạnh An đang quản lý, vụ vay tiền gây xôn xao gần đây là của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á chi nhánh Tân Bình (VAB). Theo đó, mảnh rừng rộng 10ha trị giá 1,8 tỷ đồng được “thổi giá” thành 12 tỷ đồng - tức gấp gần 7 lần, rồi cho vay.

Cụ thể, ngày 19.3.2010, ông Mai Phước Hóa - Giám đốc VAB ký cho bà Võ Thị Kim Ấn (ngụ Tân Bình) vay 8 tỷ đồng, tài sản thế chấp là miếng rừng 10ha không phải của bà Ấn mà do bà Võ Thị Minh Nhật vừa mua tại Thạnh An và đứng ra bảo lãnh. Số đất này được VAB định giá là 12 tỷ đồng trong khi khung giá đất ở vị trí này tại thời điểm này chỉ hơn 150 triệu đồng.

Vay được 1 năm, bà Ấn không trả tiền nên bà Ấn, bà Nhật và ngân hàng cùng ra tòa thỏa thuận trả nợ (cả vốn lẫn lãi là 9,25 tỷ đồng) bằng cách kê biên đất để bán đấu giá lấy tiền trả nợ.

img

Bà Nhật bán tràm cho ông Hẹn để lấy 280 triệu đồng vào năm 2014. Ảnh: Hữu Danh

Đến tháng 5.2015, số đất này được đem đấu giá để thu hồi nợ cho ngân hàng. Điều lạ là, trong khi năm 2010 ngân hàng định giá 12 tỷ đồng để cho vay thì hơn 5 năm sau, miếng đất này được định giá chỉ còn số lẻ - tức... 2 tỷ đồng. Sau khi có giá khởi điểm, ông Trần Nhật Tồn (ngụ tại TP. HCM) đã mua với giá chênh lệch 20 triệu đồng - tức 2,02 tỷ đồng cho miếng đất mà chính VAB từng định giá cao chất ngất trước đó.

Theo tìm hiểu của PV, cũng tại xã Thạnh An, một người khác mua đất rừng để khai thác đất hầm, sau khi đào sâu lấy sạch đất, thay vì đóng cửa hầm và bàn giao cho địa phương thì lại đem giấy đỏ đi vay nhiều tỷ đồng và vẫn được ngân hàng duyệt cho vay.

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho biết, tại thời điểm 2017, giá đất tràm ở xã này vẫn là 180 triệu đồng. “Người dân ở đây muốn thế chấp đất để sản xuất nông nghiệp, chỉ có thể vay 50 triệu đồng/ha. Đất ở đây giá rất thấp. Họ cho vay kiểu trên trời nên ngân hàng mất tiền” - ông Thảo nói.

Dân lãnh đủ

Không chỉ VAB mất trắng hơn 7 tỷ đồng, người dân địa phương cũng khốn khổ với phi vụ của VAB và bà Nhật. Cụ thể, do hợp đồng thế chấp ghi rõ: “Chỉ thế chấp Quyền sử dụng đất” chứ không thế chấp “Tài sản gắn liền với đất”, quyết định của tòa án cũng chỉ nói phát mãi đất nên vào năm 2014, bà Nhật bán cây tràm con (nằm trên đất) cho nông dân Võ Thế Hẹn với giá 280 triệu đồng và được chính quyền địa phương chứng thực.

img

Ông Chu Văn Quản đề nghị chi tiền bán tràm cho bà Nhật vào năm 2015. Ảnh: Hữu Danh

Sau khi mua, ông Hẹn vay ngân hàng 300 triệu đồng để có tiền mua phân, thuốc và thuê mướn nhân công chăm sóc rừng tràm. Thế nhưng, khi VAB đem bán đấu giá đất để thu hồi nợ thì Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa kê biên luôn toàn bộ cây tràm của ông Hẹn dù ông mua hợp pháp. Toàn bộ số tràm này (trị giá gần 1 tỷ đồng) đã được Chi cục thi hành án bán với giá rẻ mạt là 128 triệu đồng.

Theo kiểm đếm của Chi cục THADS huyện, có tổng cộng 34.464 cây tràm. Với giá bán này, mỗi cây tràm được bán với giá... 3.700 đồng - bằng 1/7 so với giá thực tế (hơn 25.000 đồng/cây). Người mua trúng đấu giá khai thác được gần 2ha thì ông Hẹn tranh chấp quyết liệt. Lúc này, Cơ quan THADS huyện Thạnh Hóa yêu cầu ông Hẹn nộp 600 triệu đồng “thế chân” rồi cho ông khai thác, sau đó sẽ giải quyết chuyện ai là chủ rừng tràm.

“Họ đấu giá 128 triệu đồng, đã khai thác một phần. Phần còn lại tôi khai thác và bán được hơn 800 triệu đồng. Tôi không hiểu tại sao rừng tràm giá trị rất lớn như vậy mà họ chỉ bán với giá 128 triệu đồng” - ông Hẹn bức xúc.

Điều đáng nói là, dù bà Nhật đã bán hết cây tràm cho ông Hẹn, thu tiền đầy đủ nhưng ngày 21.7.2015, ông Chu Văn Quản - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa vẫn ký giấy chi tiền bán đấu giá tràm cho chính bà Nhật. Theo cách chia của ông Quản, VAB và bà Nhật chia đôi số tiền bán tràm. Còn tiền “thế chân” 600 triệu đồng do ông Hẹn nộp, Chi cục này vẫn đang giữ.

Hiện ông Võ Thế Hẹn đã làm đơn tố cáo đường dây kê khống để chiếm đoạt tiền ngân hàng cũng như chiếm đoạt tại sản của ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem