Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản Saigontel phình to, tăng 68% nhờ tăng vay nợ

Quang Dân Thứ ba, ngày 03/08/2021 09:58 AM (GMT+7)
Đánh giá về năng lực chủ đầu tư, tỉnh Long An cho rằng Saigontel Long An có khả năng huy động vốn nhờ được Saigontel đảm bảo. Nhưng chỉ riêng để có vốn góp pháp định Saigontel đã phải đối mặt với áp lực tài chính. Trong khi đó, cứu cánh của Saigontel là SGI đang có kết quả kinh doanh bết bát.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, trong công văn số 2113 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Long An đã nêu cơ sở Long Anh chọn liên danh SGT – SHP. Một trong số đó là đánh giá năng lực, mà cụ thể là khả năng huy động vốn.

Theo đó, tỉnh Long An cho rằng "Nhà đầu tư có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, thể hiện bằng Thư hứa thu xếp, cung cấp tín dụng của Ngân hàng HDBank và cam kết của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (công ty mẹ, Saigontel, HoSE: SGT) đảm bảo cho Công ty TNHH Saigontel Long An về nguồn tín dụng để thực hiện dự án".

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là năng lực của nhà đầu tư có đảm bảo khi Saigontel Long An đơn vị trực tiếp triển khai dự án mới được thành lập nên chưa thể có dòng tiền rõ nét. Còn SGT thì đang đối mặt với không ít áp lực tài chính dù lợi nhuận sau thuế đang tăng.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản SGT phình to, tăng thêm.... nhờ vay Nợ - Ảnh 1.

Phối cảnh Khu Công nghiệp Nam Tân Tập. Ảnh: sưu tầm

Rót 2.300 tỷ đồng vào 2 công ty mới thành lập để ghi nhận 1,7 tỷ lợi nhuận

Saigontel đã công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý II/2021. Theo đó, đối với báo cáo hợp nhất, trong quý II Saigontel báo lãi sau thuế đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 27,2 tỷ đồng, tăng 15,1 tỷ đồng, tương đương 125% so với năm 2020.

Giải trình cho đà tăng lãi ròng, phía SGT cho biết: Lợi nhuận luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 của các công ty liên kết tăng 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là lợi nhuận từ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản SGT phình to, tăng thêm.... nhờ vay Nợ - Ảnh 2.

SGT đã góp 1.140 tỷ đồng đầu tư vào 2 doanh nghiệp bao gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên và CTCP Đầu tư và phát triển Long An để nắm giữ lần lượt 30% và 40% vốn điều lệ. Ảnh: Báo cáo tài chính SGT.

Được biết, công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An thành lập trong ngày 18/2/2021 (SGT góp 600 tỷ đồng, tương ứng nắm 40% vốn điều lệ). Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên thành lập trong ngày 5/2/2021 (SGT góp 540 tỷ đồng, tương ứng nắm 30% vốn điều lệ).

Cả 2 đơn vị đều có người đại diện pháp luật chung: ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm cũng là người đại diện pháp luật Saigontel Long An và SGT.

Mặc dù, 2 công ty liên kết là Đầu tư Phát triển Long An và Đầu tư và Phát triển Hưng Yên mang về cho Saigontel khoảng 1,7 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Nhưng Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của Saigontel cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Saigontel đã góp vốn, vay vốn, lãi vay phát sinh hơn 1.201 tỷ đồng cho Đầu tư Phát triển Long An và gần 1.081 tỷ đồng cho Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản SGT phình to, tăng thêm.... nhờ vay Nợ - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Tài sản phình to nhờ nợ vay

Tại ngày 30/06/2021, SGT ghi nhận tổng tài sản tăng mạnh, tăng 1.717 tỷ đồng, tương đương 68,2% với hồi đầu năm lên 4.235 tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn hình thành nên tài sản (nguồn vốn) này lại là… nợ vay.

Cụ thể,  tại thời điểm cuối quý II/2021, tổng nợ phải trả tại SGT lên đến 3.235 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu và tăng 1.577 tỷ đồng, tương đương 95,1% so với hồi đầu năm; chủ yếu do tăng nợ vay ngắn hạn và dài hạn.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản Saigontel phình to, tăng 68% nhờ tăng vay Nợ - Ảnh 4.

Vay nợ của Saigontel tăng mạnh. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính Saigontel

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn của Saigontel đạt 1.855 tỷ đồng, tăng 1.384 tỷ đồng, tương đương 294%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng thêm 20% ở mức 466,8 tỷ đồng và nợ vay dài hạn tăng 15 lần ở mức 1.388 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn có lãi suất chủ yếu quanh mức 11% - 12%/năm.

Để nhận được các khoản vay này, SGT phải thế chấp Quyền sở hữu công trình trên đất tại Lô 46 – Khu Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM; Quyền sử dụng đất và quyền tài sản gắn liền với dự án toà nhà chung cư hỗn hợp lô TM7, Thành phố Bắc Giang; Các tài sản gắn liền với thửa đất có diện tích 95,81ha, tài sản hình thành trong tương lai từ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Đại Đồng – Hoàn Sơn giai đoạn II,…

Đáng chú ý, SGT còn phải "mượn" tài sản của đơn vị khác để thế chấp. Đó là ô tô Toyota Innova của Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Saigontel.

SGT có đủ sức gồng nợ?

Như đã nêu trên, tại ngày 30/6/2021, Saigontel có 1.388 tỷ đồng nơ vay dài hạn có lãi suất vay chủ yếu quanh mức 11%- 12%/năm và 466,8 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn có lãi suất quanh mức 8%/năm.

Thuyết minh báo cáo tài chính doanh nghiệp cho biết, trong kỳ, SGT đã vay mới 1.140 tỷ đồng để đầu tư vào 2 doanh nghiệp bao gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên và CTCP Đầu tư và phát triển Long An.

Đồng thời, đầu tư 337,5 tỷ vào Saigontel Long An. Số tiền này khớp gần hết phát sinh vay thêm dài hạn khoảng 1.300 tỷ đồng SGT.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản SGT phình to, tăng thêm.... nhờ vay Nợ - Ảnh 4.

Ở các công ty mới thành lập, SGT đều ghi nhận nghiệp vụ vay lại số tiền gần bằng số SGT đã góp vốn trước đó. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Các khoản vay giá trị lớn ghi nhận lãi suất dao động từ 8% đến 12%/năm. Ước tính theo lãi suất thấp nhất 8%/năm (của các khoản vay giá trị lớn) ước tính SGT phải trả chi phí lãi vay khoảng 150 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra trong tháng 4/2021, cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 150 tỷ đồng. Và sau khi nộp thuế thu nhập, với giả định kể trên, SGT có nguy cơ thua lỗ rất cao nếu không tiếp tục có những khoản thu nhập mới. Bởi 6 tháng đầu năm, lợi nhuận gợp của Saigontel đã tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiện chỉ đạt gần 76 tỷ đồng.

Với nguồn thu hiện tại như đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, Saigontel có khả năng gồng lãi trong thời gian tới hay không?. Bên cạnh chi phí lãi vay tăng, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của Saigontel chủ yếu nhờ trên vốn vay của ngân hàng.

Long An lựa chọn nhà đầu tư KCN Nam Tân Tập: Tài sản SGT phình to, tăng thêm.... nhờ vay Nợ - Ảnh 5.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, tiền thu được từ đi vay trong kỳ hơn 2.611 tỷ đồng, trong khi chỉ hơn 123,6 tỷ đồng. Đồng thời, Saigontel chỉ chi ra 784 tỷ đồng để trả lãi vay và nợ gốc.

Cần phải biết thêm, tiền mặt tại SGT đang biến động theo xu hướng… tàu lượn. Hồi đầu năm, chỉ tiêu này chỉ là 123 tỷ đồng nhưng tăng vọt lên 311 tỷ đồng trong quý I/2021 – thời điểm tỉnh Long An "khảo sát" năng lực chủ đầu tư KCN Nam Tân Tập. Và sau khi việc kiểm tra kết thúc, tại thời điểm cuối quý II/2021, tiền mặt sụt giảm sâu xuống chỉ còn 119 tỷ đồng.

"Cứu cánh" SGI kinh doanh bết bát 

Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI)một trong những công ty gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Saigontel và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC). Dữ liệu cho thấy đế cuối năm 2019 ông Đặng Thành Tâm và KBC nắm giữ gần 45% vốn điều lệ của Saigontel.

Trong năm 2019 và 2020, SGI không phát sinh doanh thu. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ là 0 đồng. Công ty chỉ phát sinh doanh thu hoạt động tài chính.  Chỉ tiêu này năm 2020 chỉ là 2,8 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 80,7 tỷ đồng của năm 2019.

Dù không có doanh thu bán hàng nhưng SGI vẫn duy trì bộ máy nhân sự nên trong năm, công ty phát sinh hơn 2,5 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết quả là công ty lỗ 1,8 tỷ đồng năm 2020 dù trước đó lãi 73,4 tỷ đồng trong năm 2019. Tại thời điểm cuối năm 2020, SGI phải gánh lỗ luỹ kế lên đến 392 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Long An là một trong những tỉnh bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra điểm chưa phù hợp. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước cho biết tỉnh Long An phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giãn tiến độ đầu tư cho các dự án trên 24 tháng chưa phù hợp, không thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất quy định tại một số dự án, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất thiếu các nội dung theo quy định; điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án từ khu tái định cư sang khu dân cư, tái định cư chưa có quyết định cơ quan thẩm quyền, giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Ngoài ra, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm cùng với thành phố Hải Phòng, Thanh Hoá, Bài Rịa – Vũng Tàu, Yên Báo, tỉnh Long An xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định.

Một loạt hoạt động liên quan đến đầu tư, đấu thầu của tỉnh Long An cũng bị Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt gọi tên". Đó là không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chưa thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích theo quy định; chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần.

Tỉnh Long An còn bị kết luận có một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định, chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem