Long An: Sao không làm tour trải nghiệm để người dân được thưởng thức đặc sản có một không hai?

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 12/12/2021 10:19 AM (GMT+7)
Ngoài chuối, thanh long, Long An còn có rất nhiều nông sản khác. Làm tour trải nghiệm miễn phí là một gợi ý để người dân được thưởng thức đặc sản Long An và biết nhiều hơn đến nông sản của vùng đất này.
Bình luận 0

Trải nghiệm miễn phí để thưởng thức đặc sản Long An

Tại Diễn đàn Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 11/12, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến các mặt hàng nông sản của Long An.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, đơn vị đã thực hiện kết nối xuất khẩu thanh long ruột đỏ của Long An sang thị trường các nước Mỹ, Canada và châu Âu.

Sắp tới, Công ty Vina T&T sẽ đưa quả chanh không hạt của Long An tiếp cận thị trường nước ngoài.

Ông Tùng đề nghị Long An phải chú trọng hơn nữa các tiêu chuẩn chất lượng mới vào được các thị trường khó tính.

Vùng trồng chanh không hạt theo mô hình sinh thái của nông dân huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vùng trồng chanh không hạt theo mô hình sinh thái của nông dân huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Tùng kể, không ít khách hàng có nhu cầu tìm hiểu ngay tại vùng trồng. Vina T&T cũng đã tổ chức thành công các tour du lịch trải nghiệm cho khách hàng đi qua vùng trồng khắp các tỉnh Long An, Đồng Tháp...

Ông Tùng cho rằng, đây là cách làm tốt để quảng bá lợi thế nông sản trong nước nhờ minh bạch thông tin từ quy trình canh tác sạch đến chất lượng sản phẩm.

"Hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Long An và các tỉnh sẽ được kết nối trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát", ông Tùng nói.

Bà Phạm Thị Thanh Tuyền - Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của Sài Gòn Co.op kể, bà rất ấn tượng với lạp xưởng chua ngọt của huyện Cần Đước.

Đây là một sản phẩm đặc trưng nhưng ít người biết. Chính bà Tuyền có nhu cầu nhưng không biết địa chỉ cụ thể để có thể tìm mua sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý.

Theo bà Tuyền, Long An không chỉ được biết đến là xứ sở của chuối, thanh long, chanh không hạt mà còn có nhiều đặc sản khác như lạp xưởng, hay gạo Nàng Thơm chợ Đào.

Lạp xưởng Cần Được là một trong những đặc sản của tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Lạp xưởng Cần Được là một trong những đặc sản của tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hiện nay, không chỉ Long An mà nhiều tỉnh thành khác đang chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng OCOP. Viêc quảng bá các sản phẩm đặc trưng cần được kết hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Bà Tuyền cho rằng, đơn vị sản xuất hoặc chính quyền tỉnh Long An có thể tổ chức cho khách hàng và người dân đến tham quan trực tiếp tại các vùng sản xuất để trải nghiệm.

Ngay tại các điểm tham quan, cần tổ chức thêm hoạt động bán hàng nông sản đặc sản.

Đơn vị tổ chức sẽ nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, nhu cầu của thị trường để cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Và chi phí cho các chuyến đi như thế có thể là không đồng, để người dùng thưởng thức đặc sản Long An. Khi đã tin tưởng, người dùng tìm mua nhiều hơn.

"Đó cũng là cách để người dân được thưởng thức đặc sản Long An và biết nhiều hơn đến nông sản của Long An", bà Tuyền nói.

Nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch

TS. Ngô Thị Thu Trang, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM thì nhấn mạnh đến việc tăng giá trị nông sản bằng cách gắn liền nông nghiệp hữu cơ với du lịch.

Bộ NNPTNT đã đưa du lịch vào phát triển nông thôn mới. Đây là điều mà nhiều nước đã làm và rất thành công.

img
img

Hệ sinh thái đa dạng ở khu du lịch Láng Sen, Long An. Ảnh: T.L

TS. Trang dẫn chứng, khi nhắc đến rượu vang người ta thường nghĩ ngay đến rượu vang Bordeaux của Pháp, dù vang Chile, vang Australia và nhiều nơi khác cũng rất ngon.

Đây là thành công của người Pháp trong việc xây dựng thương hiệu nông sản.

Trước hết, Pháp rất chú trọng quy hoạch vùng trồng. Miền Bắc nước Pháp phát triển sản phẩm cho vang trắng, vang hồng; miền Nam là vang đỏ Bordeaux. Và vùng nào cũng làm nông nghiệp hữu cơ.

Pháp cũng tổ chức tour du lịch cho du khách hàng tuần đến tham quan, nếm rượu, cho ý kiến.

Tỉnh Long An có bề dày lịch sử, và cũng có nhiều tiềm năng du lịch. Nông sản Long An gắn với tên tuổi làng nghề truyền thống như rượu đế Gò Đen hay gạo Nàng Thơm chợ Đào.

Khôi phục lại việc sản xuất hữu cơ, gia tăng giá trị hạt gạo qua việc cho khách hàng thấy giá trị gắn kết cùng văn hóa, lịch sử vùng miền là điều cần làm.

Giống phục tráng gạo Nàng Thơm chợ Đào được trồng ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Ảnh: Mộc Châu

Giống phục tráng gạo Nàng Thơm chợ Đào được trồng ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Ảnh: Mộc Châu

Long An cũng đang thử nghiệm mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch tại làng hoa mai Tân Tây. Du khách đến đây không chỉ trao đổi, mua bán cây mai mà còn cả các sản phẩm khác như tinh dầu hoa mai, ẩm thực hoa mai.

"Và nghiên cứu thực tế cho thấy nông dân Long An rất háo hức với việc này. Đây là hướng đi cần được thúc đẩy đối với nông nghiệp Long An", TS. Trang nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, bộ đang xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn.

Tỉnh Long An có lợi thế rất lớn khi có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có nhiều khu du lịch sinh thái, nhất là ở ngay cạnh TP.HCM.  

Thứ trưởng Nam đề nghị, tỉnh Long An cần nghiên cứu các điểm du lịch trọng điểm, theo hướng thuần nông nghiệp, tăng chất trải nghiệm cho du khách, nhất là những người có nhu cầu du lịch vào cuối tuần.

"Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp Long An cần làm nổi bật lên giá trị truyền thống kết hợp với tiềm năng địa phương", Thứ trưởng Nam đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem