Lớp dạy miễn phí của người thầy 74 tuổi

Trần Toản Chủ nhật, ngày 23/04/2017 09:53 AM (GMT+7)
Ở vùng quê nghèo thôn Phúc Lâm Thượng, xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, TP. Hà Nội) không ai là không biết thầy giáo đã 74 tuổi Phạm Thái Hòa. Nghỉ hưu đã 14 năm nhưng thầy Hòa vẫn lặng thầm cống hiến, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của huyện và tổ chức các lớp học miễn phí tại nhà cho những học sinh có học lực yếu, có hoàn cảnh khó khăn và tật nguyền.
Bình luận 0

"Bảng vàng” thành tích

Chúng tôi gặp gỡ thầy giáo Phạm Thái Hòa vào một ngày thời tiết mùa xuân nắng dịu nhẹ. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là thầy giáo già tóc bạc, da mồi nhưng vẫn còn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, nói chuyện dí dỏm hoạt bát.

Thầy Hòa sống bình dị trong căn nhà mái ngói rêu phong, nền gạch đỏ vuông vức nhẵn bóng. Trong căn phòng đỏ dành để dạy học, bàn ghế gọn gàng, ngăn nắp…

Kể về những ngày tháng tuổi trẻ, giọng nói thầy sôi nổi hẳn lên.

img

Cuộc sống bình dị của thầy giáo Phạm Thái Hòa

Năm 20 tuổi, thầy giáo trẻ Phạm Thái Hòa bắt đầu đứng lớp dạy môn Toán ở trường cấp II Lê Thanh (nay là trường THCS Lê Thanh – huyện Mỹ Đức). Chỉ trong ít năm, thầy Hòa được điều động về các trường cấp II Phù Lưu Tế, rồi trường cấp II An Mỹ…

Ở mái trường nào, ông cũng tâm huyết với học sinh. Trong suốt 40 năm dạy học ở nhiều mái trường khác nhau, nhưng ở đâu ông cũng được phân công ôn luyện cho các học sinh khá, giỏi. Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, thầy giáo Hòa còn mở lớp dạy miễn phí tại nhà cho những học sinh có học lực yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những em tật nguyền kém may mắn.

“Ngày đó, ngoài thời gian dạy và ôn luyện cho học sinh khá, giỏi trên lớp; hàng ngày về nhà bắt gặp nhiều học sinh có học lực yếu, học sinh vì hoàn cảnh gia đình éo le phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ và các em tật nguyền không có khả năng đến trường mà mình thấy thương quá. Thế là mình đến từng gia đình kiên trì vận động để đưa con cháu của họ về nhà mình kèm cặp thêm miễn phí để các cháu tiến bộ. Sau mấy tháng, các cháu tiến bộ rõ rệt, viết đọc lưu loát, làm các bài tập toán thành thạo. Từ đó các gia đình yên tâm giao hẳn con cháu họ cho mình dạy ”, thầy Hòa nhớ lại.

img

Trò chuyện cùng PV về lớp học miễn phí tại nhà của thầy giáo Hòa. Ảnh Trần Toản

Cô Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi) – người dân xã Phúc Lâm có con trai từng là học trò tại lớp học miễn phí của thầy Hòa hồ hởi cho biết: “Con trai tôi trước đây thời gian đầu học lực yếu lắm. Nghe mọi người nói chuyện, vợ chồng tôi quyết định đưa con đến nhờ thầy Hòa kèm cặp. Thầy Hòa có phương pháp dạy rất dễ hiểu và vui tính. Con trai tôi vừa được thầy Hòa luyện thêm kiến thức, văn hóa, vừa được học lối ứng xử lễ phép, ngoan ngoãn, kinh nghiệm sống. Chỉ trong một thời gian ngắn mà con trai tôi được thầy Hòa dạy đã tiến bộ rõ rệt hẳn lên. Gia đình tôi biết ơn thầy Hòa nhiều lắm”.

img

Thầy giáo Hòa kể lại những kỷ niệm trong suốt thời gian giảng dạy

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học sinh tìm đến nhà muốn theo học lớp miễn phí do thầy Phạm Thái Hòa giảng dạy. Đến nay, mỗi lớp của thầy thường có hàng chục học sinh ôn luyện. Đều đặn 3 buổi/tuần, tại căn nhà của thầy vẫn duy trì lớp học miễn phí dành cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền quanh vùng.

Ông Lê Văn Đề (sinh năm 1942 ) – nguyên hiệu trưởng trường THCS Phúc Lâm (Mỹ Đức) nhận xét đầy trân trọng về đồng nghiệp: “Thầy Hòa là nhà giáo mẫu mực, luôn khiêm tốn, sống bình dị và tự vươn lên không mệt mỏi. Hầu như chưa thấy lúc nào thầy Hòa nghỉ ngơi. Dù cuộc sống không dư dả nhưng 14 năm qua thầy vẫn dạy miễn phí tại nhà cho biết bao học sinh nghèo; bất kể mùa đông hay mùa hè, nhà ông giáo Hòa lúc nào cũng đông vui vì tiếng nói cười của các em nhỏ. Vài năm gần đây, dù sức khỏe không còn được như trước, thầy Hòa vẫn kèm cặp cho một số em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, tật nguyền”.

Người thầy tâm huyết

Dù các em học sinh trong lớp học miễn phí có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng vẫn được thầy Hòa xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn.

Thầy Hòa vẫn thường xuyên liên hệ với các thầy cô giáo đang dạy học, hỏi thăm về những học sinh mình đã từng dạy học ở nhà, dõi theo từng bước tiến bộ của các em. Những điểm cần uốn nắn, những gì cần lưu ý, cần phải bổ sung… thầy Hòa đều trao đổi thêm với các thầy cô đang giảng dạy cho các em ở trên trường. 

img

Mặc dù đã nghỉ hưu 14 năm nhưng thầy giáo Hòa vẫn tận tụy truyền lại kiến thức cho các em học sinh khó khăn và tật nguyền tại địa phương

Thầy Hòa tâm sự: “Để có phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lý, tôi đã tìm tòi và phải tự sáng tạo; phải biết lực học của từng em để có cách củng cố kiến thức, dạy cho phù hợp. Dạy phải biết kết hợp với dỗ, phải động viên, khuyến khích và yêu mến các em thực sự bằng tấm lòng. Phương pháp dạy học rất quan trọng, nếu chỉ có truyền đạt kiến thức không thì sẽ không thể mang thành công đến cho các em.

Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép nguồn kiến thức phong phú và đa dạng từ tin tức trên ti vi, báo đài, các ngày truyền thống ca ngợi quê hương đất nước, kinh nghiệm cuộc sống thực tế, gợi sự sáng tạo của các em để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu, rèn luyện. Có lẽ, vì sự chân tình ấy mà nhiều người con quê hương Phúc Lâm dù đang sinh sống xa quê hương nhưng vẫn tranh thủ gửi gắm con, cháu về nhờ tôi kèm cặp trong mỗi dịp hè về”.

img

Hàng ngày thầy giáo Hòa đều dành thời gian biên soạn, nghiên cứu phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ảnh Trần Toản

“Cái quý giá nhất mà con người có được là tình thương. Vì thế, hãy gieo hạt giống tình thương đó lên vai các đứa trẻ, các em sẽ làm cho những hạt giống ấy nảy mầm và phát triển”, thầy Hòa chia sẻ. 

Ông Trần Văn Tân – trưởng thôn Phúc Lâm Thượng cho hay: “Nhà giáo ưu tú Phạm Thái Hòa có chuyên môn giỏi, tâm huyết trách nhiệm với nghề và luôn hết lòng với học sinh.

Qua hơn 40 năm công tác, thầy Hòa đã truyền ngọn lửa đam mê học tập cho nhiều thế hệ học trò trong địa phương. Thầy đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng từ đó nhiều học sinh thành đạt trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đặc biệt, điều chúng tôi càng yêu mến, kính trọng hơn là dù thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn khát khao được cống hiến. Thầy vẫn tiếp tục tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi giúp huyện, tổ chức các lớp học bồi dưỡng cho học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền miễn phí tại nhà. Bên cạnh đó, thầy Hòa còn tham gia các đoàn thể xã hội như ban hòa giải thôn để vận động mọi người cùng thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thầy Phạm Thái Hòa thực sự là tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo, học sinh trong vùng học tập và noi theo”. 

Với những cống hiến không biết mệt mỏi và thành tích trong công tác giảng dạy, thầy Phạm Thái Hòa liên tục nhận được bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ), bằng khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tặng danh hiệu : “Người tốt – việc tốt” tiêu biểu năm 2016; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã có thành tích xuất sắc trong phong trào gương “Người tốt – Việc tốt” năm 2016. Từ năm 1967 đến năm 2000, thầy Hòa liên tục đạt danh hiệu Chiễn sĩ thi đua cấp tỉnh, được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1992…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem