HOT HOT HOT:

Lúa hè thu khó lãi 30%

06/07/2012 15:48 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa bình quân trong vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có rất nhiều bà con nông dân phản ứng cách tính này, vì cho rằng, giá không sát với thực tế.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã lên tiếng giải thích, song nhiều nông dân vẫn chưa đồng tình.

Giá mua thấp hơn giá thành

Theo cách tính của Bộ Tài chính, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ hè thu năm 2012 khoảng từ 3.524 – 4.540 đồng/kg; mức giá thành bình quân khoảng 3.993 đồng/kg. Mức giá này cao hơn 636 đồng/kg so với vụ đông xuân. Nguyên nhân do thời tiết trong thời gian này thường không thuận lợi, tỷ lệ hao hụt cao, dẫn đến chi phí sản xuất lớn.

Thu hoạch lúa vụ hè thu tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Như vậy, căn cứ vào giá thành bình quân sản xuất Bộ Tài chính công bố thì các doanh nghiệp lương thực phải tính toán mua giá lúa từ 5.190 đồng trở lên để đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30%. Tuy nhiên, theo mức giá tính toán của Bộ Tài chính, chênh lệch giá thành sản xuất giữa các tỉnh ĐBSCL lên tới 1.016 đồng/kg. Giá thành thấp nhất là tỉnh Kiên Giang 3.524 đồng/kg; cao nhất là tỉnh Tiền Giang 4.540 đồng/kg.

Cụ thể, cách tính của Bộ Tài chính dựa trên giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ hè thu 2012 bằng giá thành sản xuất lúa thực tế vụ hè thu 2011 x 110%. Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Đây là mức chênh lệch khá cao nhưng phản ánh đúng được điều kiện sản xuất đặc thù ở từng địa phương”.

 
 Nguồn: Bộ Tài chính

 Cũng theo ông Ngọc, mức giá Bộ Tài chính đưa ra là thỏa đáng tại thời điểm này. Bởi mức giá sản xuất bình quân đã phản ánh được chi phí sản xuất của các vùng khác nhau, điều kiện khác nhau, thị trường có thể chấp nhận được và đảm bảo ngân sách có thể “kham được”. Tuy nhiên, hiện nay giá lúa thương lái thu mua trung bình chỉ 4.500 đồng/kg (giá thành ở Tiền Giang là 4.540 đồng/kg), thậm chí dưới mức giá này, nhưng để đảm bảo nông dân có lãi ít nhất 30%, giá thu mua của các doanh nghiệp (được hỗ trợ lãi suất ngân hàng) phải là 5.200 đồng/kg thì nông dân mới có lợi.

Theo Bộ NNPTNT, tình hình xuất khẩu gạo hiện vẫn đang gặp một số khó khăn; giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm, giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 464 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 7 - 8.

Chỉ để tham khảo?

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Giá lúa mà Bộ Tài chính công bố chỉ là giá định hướng, bao gồm cả giá thành và lãi tối thiểu 30%. Giá định hướng để điều hành thị trường, điều phối cung- cầu và hỗ trợ thị trường khi tiến hành thu mua tạm trữ”.

Trong văn bản của Bộ Tài chính mới đây có ghi rõ giá thành sản xuất lúa của từng tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ có giá mua định hướng, bởi con số lãi tối thiểu 30% tùy thuộc vào từng vùng, có vùng thấp, vùng cao theo thị trường.

“Theo quy định của Chính phủ, điều hành giá lúa gạo phải đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất, nhưng thực chất, giá mua định hướng có địa phương tùy từng thời điểm có thể có lãi lên tới 60-70%” -ông Tuấn nói.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, mức giá thành bình quân khoảng 3.993 đồng/kg là mức giá để các cơ quan quản lý, Hiệp hội Lương thực tham khảo khi điều hành thu mua với mục tiêu bình ổn thị trường lúa gạo; đảm bảo có lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa và có lợi cho xuất khẩu gạo.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hè thu là vụ có diện tích lớn với 1,6 triệu ha, sản lượng lúa khoảng 8,9 triệu tấn, trong đó, lúa hàng hóa cần phải tiêu thụ cho dân khoảng 5,8 triệu tấn, tương đương 2,9 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc quy định mức giá sàn thu mua lúa như hiện nay chỉ mang tính tương đối. Tính toán này chủ yếu áp dụng ở ĐBSCL, còn các vùng khác thì sao?

TS Sơn cho rằng: “Chúng ta có định hướng, kế hoạch xuất khẩu gạo hàng năm và theo quý, doanh nghiệp phải giao hàng theo kỳ hạn (tối thiểu 2 tháng) kể từ ngày ký hợp đồng, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chí của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Mặt khác, kế hoạch xuất khẩu gạo có thể bị điều chỉnh (cấm hay tạm ngừng xuất khẩu) nếu ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Do đó, việc doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào kế hoạch điều hành xuất khẩu gạo trong từng giai đoạn như hiện nay cũng dẫn đến những hệ lụy về giá thu mua cho nông dân và trên thực tế, nông dân không thể có lãi trên 30% được”.

(Dân Việt)