dd/mm/yyyy

“Lúa ma” lấn ruộng, lỗi tại nông dân?

Tháng 5, trời Điện Biên nắng chói chang. Con đường dẫn vào các đội C9B, C9C như có người đổ lửa xuống lớp bê-tông. Trên cánh đồng, từng tốp nông dân vẫn miệt mài cắt lúa.

Chả kể là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, người nào người ấy đều áo dài quá lưng, đầu quấn khăn kín mít nhưng đôi tay họ thoăn thoắt làm việc. Thế nhưng nỗi lo lắng, băn khoăn về “lúa ma” lấn ruộng vẫn còn đó.

Nông dân bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương vẫn ngày ngày đi cắt “lúa ma” làm thức ăn cho gia súc.
Nông dân bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương vẫn ngày ngày đi cắt “lúa ma” làm thức ăn cho gia súc.

Lao đao vì “lúa ma”

Đưa chúng tôi ra cánh đồng đội C9B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), ông Lò Văn Bun, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xương, chỉ tay về những thửa ruộng phía trước, giọng buồn rầu: “Đấy cô xem, “lúa ma” nhiều thế đấy. Nhổ không xuể, cắt không hết và thậm chí đốt rồi lại mọc, đã sáu năm nay “lúa ma” làm vơi bát cơm người nông dân nơi này!”. Rồi ông Bun hái vài bông “lúa ma” đưa cho chúng tôi xem. Theo ông Bun, bông “lúa ma” thân cứng, hạt nhỏ và chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua thì bông lúa còn trơ lại cái cọng mà thôi…

Dừng tay cắt lúa, ông Lò Văn Minh, bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), tiếp chuyện chúng tôi vẻ uể oải: Lúa ăn chả lại với “lúa ma”. Cứ vài ngày ra ruộng nhà tôi lại thấy “lúa ma” mọc đều đều. Vụ chiêm xuân này gia đình tôi cấy 6.000 m2 lúa giống Bắc thơm số 7 và IR64, thì toàn bộ diện tích đều bị “lúa ma” lấn át. Trước khi gieo cấy tôi đã làm đất rất kỹ, đúng như kỹ thuật cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Trong giai đoạn tỉa giặm, gia đình tôi bắt đầu nhổ “lúa ma” nhưng nhổ mãi mà chả hết. Cứ vài ngày ra ruộng lại thấy, lại nhổ thế mà khi lúa vào mẩy vẫn còn nhiều. Cấy lúa giờ sao vất vả quá!

Riêng hợp tác xã Thanh Xương có hàng trăm gia đình có ruộng bị “lúa ma” mọc lấn. Nhà nào ít “lúa ma” thì tự nhổ lấy, nhà nhiều phải thuê phải mướn, cũng có nhà nhiều ruộng mà không có tiền thì bỏ đó làm cỏ cho trâu ăn dần. Theo nhẩm tính của ông Lò Văn Bun, trong tổng diện tích 330 ha lúa toàn xã có đến hàng trăm ha bị lẫn “lúa ma”. Nhà ít bị lẫn dưới 10% diện tích, trung bình khoảng 30-50%, nhiều nhà bị lẫn 70% và thậm chí lẫn đến 80% nên phải bỏ như gia đình các ông, bà: Đỗ Quang Chín, Trần Thị Thoa (đội 7), Hoàng Thị Lý (đội C9C), Lê Thị Sử (đội C9B), Quàng Thị Piếng (đội 9)...

Kiểm tra nhiều mà dân chưa yên lòng

Bắt đầu từ nông vụ 2012, xã viên HTX Thanh Xương phát hiện loài cây lạ mọc chen trong ruộng. Nhìn qua cây này giống hệt cây lúa, song nhìn kỹ sẽ thấy thân cứng hơn, lá dày hơn và lúc nào cũng cao vượt trên cây lúa. Nghĩ là loại cỏ nào đó mọc chen nên bà con nhổ đi; có nhà chủ quan không nhổ đến mùa mất trắng. Tiếp đến vụ sau, “lúa ma” vẫn mọc như thế, nông dân mới bảo nhau gom lại đốt tại ruộng để cháy cây và cháy cả hạt thóc, ai ngờ ngay tại chỗ đốt cháy ấy mùa sau vẫn dày đặc mạ xanh. Cứ thế, càng về sau “lúa ma” càng mọc nhiều hơn khiến năng suất, chất lượng lúa Thanh Xương giảm hẳn, nông dân Thanh Xương càng thêm khó nhọc.

Nhà nhổ không hết, nhà đốt không chết, rất nhiều kỳ họp tại xã, họp huyện, bà con liên tục có ý kiến về tình trạng “lúa ma” trên địa bàn với mong muốn, được cơ quan chuyên môn vào cuộc làm rõ tình trạng, nguyên nhân, giúp cách phòng tránh, diệt trừ. Nhưng phải gần ba năm sau, ngày 7-5-2015, huyện Điện Biên mới thành lập một đoàn kiểm tra, gồm: Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư; Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); UBND xã Thanh Xương; HTX Thanh Xương và đại diện xã viên các đội: 7, 8, 11, 12, 16 đi kiểm tra thực trạng “lúa ma” trên địa bàn. Theo đó, trong tổng diện tích của năm đội được kiểm tra là 79,1 ha có 27 ha bị lẫn dưới 10 %; 25 ha bị lẫn từ 10-30%; 10,7 ha bị lẫn từ 30-50 % và 16,4 ha bị lẫn trên 50%. Nhiều gia đình có diện tích bị lẫn gần 100% phải cắt bỏ, như: Đỗ Quang Chín, Quàng Thị Piếng, Vì Văn Cấn…

Cuối năm 2015, Sở NN&PTNT do Giám đốc Phạm Đức Hiển cùng một đoàn công tác lại xuống kiểm tra thực tế, lấy mẫu “lúa ma” gửi đi kiểm nghiệm. Mỗi lần có đoàn kiểm tra, khảo sát, ông Lò Văn Bun lại xăng xái làm cái việc gom mẫu “lúa ma” rồi chờ đợi, hy vọng. Nhưng rồi đoàn đến đoàn lại về, biên bản ký xong lại để đấy và niềm hy vọng trong ông chủ nhiệm HTX với cả nghìn xã viên cứ vơi dần. Bởi vậy mà đến tận những ngày đầu tháng 5-2018, cái câu hỏi: Nguyên nhân vì sao có nhiều “lúa ma” như thế? Cách diệt trừ thế nào, vẫn chưa có lời giải làm yên lòng người dân.

Và rồi đêm từng đêm, bà con xã viên lại thở dài khi nghĩ về tương lai của cây lúa Thanh Xương trên cánh đồng Mường Thanh mà lấy làm tiếc nuối; tiếc cả cơ hội các nhà đầu tư đã tìm đến với đề nghị liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa, nhưng rồi họ lại vội vã bỏ đi như “bỏ của chạy lấy người”, chỉ vì “lúa ma” lẫn trong lúa địa phương nhiều quá…

Chờ đợi… lời trách nhiệm

Sau nhiều ngày tìm hiểu về cây “lúa ma” trên địa bàn các xã: Sam Mứn, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Noong Luống, chúng tôi được biết một thực trạng chung là do không xác định được nguyên nhân nên biện pháp diệt trừ của nông dân vẫn là cách làm thủ công với các công đoạn: Nhổ cây non, cắt bông non, đốt rễ trên ruộng cạn. Chi phí trồng lúa ở cánh đồng Điện Biên giờ tăng hơn trước nhiều. Có nhà chán lúa, chán ruộng để “lúa ma” mọc tràn trên ruộng. “Như thế rất nguy hiểm vì “lúa ma” theo gió lan sang ruộng khác trên cánh đồng”, ông Bun cho biết thêm.

Chúng tôi được xem một số văn bản về các buổi khảo sát, làm việc của các đoàn. Theo đó thì… mỗi đơn vị một nguyên nhân và mỗi người một ý. Cơ quan chuyên môn như: Trạm Giống nông nghiệp huyện, Phòng NN&PTNT huyện cho rằng, nguyên nhân cơ bản do giống bà con tự mua không rõ nguồn gốc hoặc có nhà tự để giống nên giống thoái hóa từ mùa này sang mùa sau. Nhưng bà con không thuận với kết luận ấy. Năm nào cũng vậy, sau khi xã viên đăng ký số lượng, chủng loại giống lúa, HTX sẽ tổng hợp danh sách rồi hợp đồng mua tại Trạm Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thì không thể gọi là giống trôi nổi được? Như trường hợp bà Phạm Thị Châm, vụ nào cũng đăng ký với HTX mua gần hai tạ thóc giống nhưng vụ nào cũng bị lẫn “lúa ma”. Bà Châm cho chúng tôi xem một bịch vỏ bao thóc giống vụ đông xuân và tự hỏi: “Ruộng cày rất kỹ, giống mua của công ty mà sao “lúa ma” vẫn mọc đầy đồng?”.

Đem băn khoăn và khó nhọc của nông dân xã Thanh Xương trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, lãnh đạo Sở NN&PTNT Điện Biên, chúng tôi nhận được câu trả lời khá giống nhau và giống với kết luận trước đó của các đoàn kiểm tra, là “chủ yếu do nông dân tự để giống; sử dụng giống không rõ nguồn gốc; sử dụng loại lúa kém chất lượng (loại lúa chỉ để dành chăn nuôi) hoặc do thói quen nuôi vịt thả đồng sử dụng lúa vãi trên đồng ruộng cho vịt ăn... Quá trình này diễn ra trong nhiều năm, nhiều vụ làm lúa bị lẫn giống, lúa tạp”.

Còn về diện tích bị ảnh hưởng, năng suất bị thiệt hại bao nhiêu thì đến tận bây giờ UBND huyện Điện Biên vẫn chưa thống kê được. Bình thường mỗi kỳ tổng kết niên vụ nhiều đơn vị được biểu dương khen thưởng như thế, sao bây giờ “lúa ma” lẫn lúa thường người ta lại đổ lỗi tại nông dân?

Ông Bun cho biết: “Vụ đầu tôi thấy lạ, vụ sau tôi lo lắng rồi các vụ sau nữa thì tôi bức xúc. Mấy đoàn liên ngành, liên phòng ban về kiểm tra thực tế đồng ruộng nhưng sau chẳng đoàn nào hồi âm cho chúng tôi biết, giống ấy là giống gì và cách diệt trừ ra sao. Trên cánh đồng Thanh Xương, năm này qua năm khác, vẫn chỉ người nông dân gồng mình đi cắt “lúa ma”!”.

Ghi chép của Lê Lan