Ngày 22-9, Bộ LĐ-TB&XH có cuộc họp lấy ý kiến các hiệp hội nghề nghiệp về dự thảo mức tăng lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp.
Thiếu lao động vì lương thấp
Theo phương án mới của Bộ LĐ-TB&XH từ 1-1-2011 dự kiến mức lương tối thiểu mới được chia thành 4 vùng cho 2 khối doanh nghiệp (DN), cụ thể: Đối với DN trong nước, thấp nhất (vùng 4) sẽ là 830.000 đồng; cao nhất (vùng 1) sẽ là 1,27 triệu đồng. Đối với DN có vốn nước ngoài (FDI), thấp nhất (vùng 4) là 1,1 triệu đồng; cao nhất (vùng 1) là 1,5 triệu đồng.
|
Nhiều lao động không mặn mà vào các khu công nghiệp vì lương không đủ sống |
Phương án này gây nhiều thắc mắc khi mà chính Bộ LĐ-TB&XH khảo sát tại 1.700 DN cho thấy có hơn 90% DN đã trả lương cho người lao động (LĐ) cao hơn mức dự kiến (hiện DN trong nước vùng 4 có nơi đã trả LĐ 1,5-2 triệu đồng/tháng).
Vậy vì sao Bộ LĐ-TB&XH lại dự kiến mức lương tối thiểu thấp như thế? Câu trả lời được bộ này đưa ra là mức lương nói trên được xây dựng dựa trên thu nhập bình quân đầu người, chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng tiền công trên thị trường.
Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH dẫn số liệu mức tăng tiền công trên thị trường 8 tháng đầu năm 2010 là 13-14%, đó cũng là mức tăng tương tự của lương khối DN trong nước.
Câu trả lời này không thuyết phục được các chuyên gia. Ông Nguyễn Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Việc làm Tân Thịnh (Hà Nội) phân tích: “Thực tế Hà Nội đang thiếu hụt LĐ vì người LĐ chê, không thèm vào làm việc trong khu chế xuất, khu công nghiệp khi mà tiền lương thấp hơn LĐ tự do. Công phụ hồ ở Hà Nội hiện là 80.000-100.000 đồng/ngày, cao gấp đôi, gấp ba lương công nhân được đào tạo bài bản”.
Tương tự, ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá: “Mức tăng lương như vậy là chưa đủ. Theo nghiên cứu mới nhất thì tiền lương cơ bản hiện nay chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu của cuộc sống của người LĐ. Chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách tiền lương nhưng vẫn chưa cải thiện được đời sống của LĐ. Để đảm bảo công nhân đủ sống thì phải tăng 3 – 4 lần như hiện nay”.
Điều chỉnh vùng lương để “hút” lao động
Hiện phương án tăng lương của Bộ LĐ-TB&XH đang được đưa ra lấy ý kiến và sẽ trình Chính phủ trong tháng 9-2010. Nếu được thông qua, lương tối thiểu mới sẽ áp dụng từ 1-1-2011.
Theo bà Tống Thị Minh- Vụ trưởng Vụ Lao động- tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), mức tăng nói trên không phải “tăng dần đều” mà nhiều địa phương đã có mức tăng đột biến do chuyển vùng lương.
Trước khi xây dựng đề án này, từ tháng 6-2010, Bộ đã lấy ý kiến các tỉnh thành về việc xếp vùng lương đối với các khu vực. Kết quả là khá nhiều địa phương “nâng” vùng khiến cho mức lương chung tăng vọt. Mức tăng cao nhất tính tới thời điểm này là khoảng 60%.
Cụ thể, tại Hà Tĩnh, tỉnh này vừa có văn bàn rà soát các DN và các khu công nghiệp tỉnh. Tỉnh đề xuất nâng vùng lương TP. Hà Tĩnh từ vùng 3 lên vùng 2, thị xã Hồng Lĩnh và khu kinh tế Cầu Treo từ vùng 4 lên vùng 3. Đặc biệt là Khu công nghiệp Vũng Áng được đề xuất “thăng” 2 cấp: Từ vùng 4 lên vùng 2, tức là nếu phương án tăng lương được Chính phủ thông qua thì lương của LĐ khu vực này từ 730.000đồng/tháng lên 1.150.000.
Ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, thực tế, bảng lương của các DN hiện nay đều tính theo lương tối thiểu cộng với định mức theo tăng trưởng kinh doanh, thường DN vùng 3-4 đã xây dựng đơn giá tiền lương là 1,5 triệu đồng. Với những khu công nghiệp trọng điểm của vùng, cần điều chỉnh vùng lương để đảm bảo thu hút được LĐ và giúp DN xây dựng đơn giá tiền lương hợp lý.
Huyền Thanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.