Lượng tiền kỷ lục, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài thu gần 1,4 tỷ lãi tiền gửi mỗi ngày

30/10/2020 11:47 GMT+7
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng. Trong kỳ, Thế giới Di động thu về gần 1,4 tỷ đồng lãi tiền gửi do tích trữ thêm 7.000 tỷ đồng (tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn).

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2020.

Doanh thu đạt 81.352 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.978 tỷ đồng

Theo đó, trong quý III/2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 25.714 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 951 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 11% so với quý III/2019.

Giá vốn tiếp tục giảm giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 19,7% lên 22,4% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 16% so với quý III/2019. Các chi phí phát sinh trong kỳ cũng đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Lượng tiền kỷ lục, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức thu gần 1,4 tỷ lãi tiền gửi mỗi ngày - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG)

Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 81.352 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.978 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 6% và tương đương năm 2019.

So với kế hoạch cả năm 2020, tập đoàn bán lẻ này hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và 86% mục tiêu lợi nhuận sau 3/4 thời gian.

Lượng tiền kỷ lục, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức thu gần 1,4 tỷ lãi tiền gửi mỗi ngày - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG)

Biên lợi nhuận gộp lũy kế 9 tháng được cải thiện đáng kể lên 21,7% so với mức 18,4% cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ đóng góp tích cực của hầu hết các ngành hàng đặc biệt là thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs).

Theo tỷ trọng đóng góp của từng chuỗi, hệ thống Thegioididong.com thu về 21.965 tỷ đồng sau 9 tháng, sụt giảm 14% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh đạt 44.255 tỷ, chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết doanh thu của mặt hàng điện thoại vẫn tăng trưởng âm còn sức tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng nói chung vẫn bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu của công ty đang dần cải thiện nhờ việc mở rộng hệ thống Điện Máy Xanh mini và supermini.

Lượng tiền kỷ lục, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức thu gần 1,4 tỷ lãi tiền gửi mỗi ngày - Ảnh 3.

Nguồn: Thế giới Di động

Chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng cho Thế giới Di động. Sau 9 tháng, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt 15.131 tỷ đồng, tăng trưởng tới 112% so với cùng kỳ khi hệ thống cửa hàng mở rộng nhanh chóng.

Đến cuối tháng 9, Bách Hóa Xanh có 1.623 cửa hàng, chiếm gần 50% tổng số điểm bán của Thế giới Di động. Trong quý III, Bách Hóa Xanh bắt đầu giảm tốc độ mở mới cửa hàng với trung bình 45 điểm bán khai trương mỗi tháng. Điều này giúp chuỗi cải thiện chất lượng doanh thu.

Bình quân doanh số trên mỗi điểm bán của Bách Hóa Xanh hiện tại đạt 1,2 tỷ đồng/tháng. Những cửa hàng hoạt động đủ 1 năm trở lên có doanh thu trung bình cao hơn ở mức 1,4 tỷ/tháng.

Mỗi ngày thu gần 1,4 tỷ đồng lãi tiền gửi

Tính đến 30/9, tổng tài sản đạt hơn 40.727 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ mức 3.115 tỷ xuống 2.591 tỷ đồng, ngược lại các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng đột biến thêm 7.460 tỷ đồng, lên hơn 10.598 tỷ đồng.

Lãi tiền gửi cũng vì thế tăng thêm 1,5 lần, mang về cho Thế giới Di động 372 tỷ đồng trong 9 tháng, tương ứng gần 1,4 tỷ đồng/ngày.

Nợ vay tài chính giảm xuống mức hơn 13.000 tỷ đồng. Cũng chính vì thế, chi phí lãi vay trong 9 tháng vừa qua của Thế giới Di động đột ngột giảm gần 65% so với cùng kỳ. Bình quân, mỗi ngày Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài chỉ còn gánh hơn 530 triệu đồng chi phí lãi vay. Cùng kỳ năm ngoái, mỗi ngày chi phí lãi vay ngốn tới hơn 1,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế tích lũy tính đến 30/9 đạt gần 10.127 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính bất ngờ dương 10.499,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ dương 3.444,6 tỷ đồng, chủ yếu là do giảm tồn kho tới 8.183,3 tỷ đồng.

Theo đó, tồn kho đã giảm 32% so với đầu năm, tương ứng giảm 8.230,6 tỷ đồng. Trong đó, hai sản phẩm giảm nhiều nhất là thiết bị điện tử giảm 4.675,1 tỷ đồng, tương ứng giảm 41,6% về 6.556,6 tỷ đồng; điện thoại di dộng giảm 3.209,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 44,4% so với đầu năm về 4.017,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng thiết bị điện tử và điện thoại di động đã giảm 7.884,7 tỷ đồng.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục