Lý do khiến Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 4%

30/05/2023 17:04 GMT+7
Giao dịch thương mại suy yếu, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm trong tháng 5 so với cùng kỳ khiến các các nhà nghiên cứu của Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống chỉ còn 4%.

Giao dịch thương mại suy yếu dù xuất khẩu hàng hóa tăng

Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề "Trade Downturn Continues in May, Cut 2023 GDP to +4%", tạm dịch "Giao dịch thương mại suy yếu trong tháng 5, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam giảm xuống còn 4%". Trong đó các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù so với tháng trước, xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 4,3%, nhưng so với cùng kỳ năm, xuất khẩu hàng hóa vẫn giảm 5,9%. Mức tăng này một phần do trong tháng 4, xuất khẩu đã giảm 6,2% so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng của tháng 5 có được là do sự gia tăng của các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực thương mại trong thời gian còn lại của năm do nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 4% - Ảnh 1.

Sơ đồ tăng trường về xuất khẩu các ngành hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5. Nguồn: CEIC

Xuất khẩu hàng chủ lực giảm chủ yếu do điện thoại và linh kiện (giảm 5,2% so với mức giảm 33,4% trong tháng 4). Các sản phẩm chủ yếu khác tiếp tục giảm gồm dệt may (-16,6%), giày dép (-5,4%), máy vi tính, điện tử & linh kiện (-11,4%), thủy sản (-23,9%) và gỗ & sản phẩm gỗ (-20,9% ).

Dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,5% so với mức giảm 23,2% trong tháng 4 và xuất khẩu sang các nước ASEAN giảm 11,3% so với mức giảm 11,1% trong tháng 4. Ngược lại, xuất khẩu sang EU lại tăng 12,1% so với mức tăng trưởng âm 12,1% trong tháng 4, Hàn Quốc (+7%), Nhật Bản (+5,1%) và Trung Quốc (+6,9%) tăng so với một năm trước, đảo ngược mức giảm trong tháng trước. Lưu ý rằng dữ liệu của Tổng cục Thống kê là dữ liệu sơ bộ và có thể được sửa đổi đáng kể khi dữ liệu hải quan được công bố vào tháng tiếp theo.

Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng âm 18,4% trong tháng 5 so với mức âm 23% trong tháng 4, thấp hơn đáng kể so với một năm trước, mặc dù tăng 6,4% so với tháng trước. Do đầu vào sản xuất chiếm phần lớn là hàng nhập khẩu nên nhập khẩu suy giảm cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm hơn nữa. Nhập khẩu điện tử, máy tính & linh kiện so với cùng kỳ giảm 9,7%, trong khi đó con số này là âm 19,8% trong tháng 4, điện thoại & linh kiện (giảm 55,9% so với mức giảm 66,7% trong tháng 4), vải (giảm 37,5%) và nhựa (giảm 35,7%). Khi nhập khẩu giảm cùng với xuất khẩu, đây là tháng thứ 12 cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tăng kể từ tháng 6/ 2022, ở mức 2,24 tỷ đô la vào tháng 5 (trong khi đó vào tháng 4, mức tăng này là 2,66 tỷ đô la).

Doanh số bán lẻ được thúc đẩy bởi Mùa lễ hội

Tăng trưởng doanh số bán lẻ là 11,5%, ổn định so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tăng 1,5% so với tháng trước do mức tiêu thụ cao hơn trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4. Doanh thu du lịch cũng tăng 8,2% so với tháng trước do nhu cầu du lịch trong dịp lễ. Nhu cầu bay nội địa tăng mạnh ngay từ đầu tháng 4, khiến Cục Hàng không phải chỉ đạo các hãng hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các điểm nóng dịp lễ như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Đà Lạt.

Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 4% - Ảnh 2.

Doanh số bán lẻ được thúc đẩy bởi Mùa lễ hội. Nguồn: CEIC

Dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng 2,7% so với tháng trước, bán lẻ hàng hóa cũng tăng 1,3%. Các chuyên gia kinh tế của Maybank lưu ý thêm rằng, mức tăng trưởng hàng tháng của doanh số bán lẻ hàng chủ lực trong tháng này chưa bằng một nửa so với mức 3,8% trong tháng 4, bất chấp ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ. Điều này có thể là do nền kinh tế suy yếu, chi phí vay cao và chi phí sinh hoạt tăng, các hộ gia đình thắt chặt hầu bao.

Lượng khách nước ngoài đến giảm trong tháng 5 mặc dù lượng khách Trung Quốc tăng mạnh

Lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm 6,9% xuống chỉ còn 916.000 lượt trong tháng 5 trong khi trong tháng 4, con số này là 984.000. Sự sụt giảm chủ yếu là do ít du khách đến từ Châu Âu (giảm 38.000), ASEAN (giảm 21.000), Hoa Kỳ (giảm 12.000) và Hàn Quốc (giảm 12.000), thay vào đó, đây là tháng thứ tư liên tiếp lượng khách Trung Quốc tăng (43.000).

Lượng khách nước ngoài đến trong tháng 5 bằng 46% so với mức trước đại dịch (tức là tháng 1 năm 2020). Lượng khách Trung Quốc đã tăng lên 22,8% so với mức trước Covid nhưng vẫn tụt hậu so với các thị trường nguồn khác, một phần do số lượng chuyến bay hạn chế. Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nối lại nhưng chỉ bằng 31,5% so với mức trước đại dịch (tháng 4/2019).

Lạm phát giảm bớt 4 tháng liên tiếp

Lạm phát đã giảm trong 4 tháng liên tiếp xuống còn 2,4% trong tháng 5 (so với 2,8% trong tháng 4), với chỉ số CPI không đổi so với tháng trước. Giao thông vận tải giảm 8,9% so với mức giảm 3,9% trong tháng 4) là động lực chính giúp giảm lạm phát toàn phần do giá dầu cơ sở cao vào năm ngoái khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine. Chi phí vận tải giảm 3% so với tháng trước do giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm do giá dầu thế giới giảm.

Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 4% - Ảnh 3.

Chỉ số tiêu dùng CPI. Nguồn: CEIC

Lạm phát văn hóa, giải trí và du lịch giảm xuống 2,5% (so với +3% trong tháng 4) do cơ sở cao hơn, trong khi tăng 0,2% so với tháng trước do giá khách sạn và dịch vụ du lịch trọn gói tăng nhẹ trong kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5. Nhà ở & VLXD tăng 6,4% so với 5,2% trong tháng 4, tăng 1% so với tháng trước, chủ yếu do giá điện nước tăng, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tăng đột biến. EVN áp dụng mức tăng 3% đối với giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 3/5 để bù đắp chi phí gia tăng. Lạm phát hàng ăn & dịch vụ ăn uống (tăng 3,6%) không đổi so với tháng 4, trong khi đó, giá cả tăng 0,2% so với tháng trước do nhu cầu của người tiêu dùng tăng trong dịp lễ và thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ. Lạm phát cơ bản tăng 4,5%, trong khi tháng 4 là 4,6%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế của Maybank duy trì dự báo lạm phát chung năm 2023 của Việt Nam ở mức 3,4%. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ kiểm soát lạm phát, trong khi kế hoạch cắt giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% (có thể áp dụng từ tháng 7 đến tháng 12) sẽ giúp giảm áp lực tăng giá.

Cắt giảm Dự báo GDP tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 4%; Ước tính GDP quý 2 năm 2023 ở mức 3%

Các chuyên gia kinh tế của Maybank cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống chỉ còn 4% (từ mức 5,5% trước đó). Xuất khẩu sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay mặc dù có thể thấy sự phục hồi khiêm tốn trong quý IV. Nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ vẫn tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy giảm do nhu cầu ảm đạm của toàn cầu (đầu vào phần lớn là các chuyến hàng đến Trung Quốc) và sự phục hồi của Trung Quốc (nước này vốn ít nhập khẩu). Lượng khách du lịch phục hồi sẽ không đủ để hỗ trợ tăng trưởng, do nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu.

Maybank hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 4% - Ảnh 4.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô chính của Việt Nam. Nguồn: CEIC

Các chuyên gia ước tính mức tăng trưởng GDP trong Quý II năm 2023 (được công bố vào ngày 29/6) chỉ đạt khoảng 3% (so với 3,3% trong Quý I năm 2023), do ảnh hưởng của sự sụt giảm xuất khẩu và khủng hoảng bất động sản. Các chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong vòng ba tháng tới, do lạm phát vẫn được kiềm chế.

N.Hải
Cùng chuyên mục