Lý do Trump không bỏ được châu Á

Phương Đăng Thứ năm, ngày 08/12/2016 14:00 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald J. Trump có nhiều tuyên bố cho thấy, ông không quan tâm đến châu Á, trong khi đặc biệt chú ý đến Trung Đông. Việc Trump chọn 2 tướng Michael Flynn và John Mattis cho vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng gần đây càng chứng tỏ ông dường như một lòng hướng về Trung Đông. Tuy nhiên, có một lý do chắc chắn khiến Trump không thể từ bỏ châu Á: Đó là những lợi ích mà châu Á mang lại cho ngành công nghiệp vũ khí Mỹ.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald J. Trump

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald J. Trump đã thể hiện thái độ không quan tâm rõ rệt, thậm chí hết sức tiêu cực đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo Asia Times. Ông từng tuyên bố, châu Á là khu vực quá xa mà ông không muốn bận tâm đến.

Trump nhấn mạnh rằng, các đồng minh ruột của Mỹ trong khu vực  như Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải đầu tư nhiều hơn để tăng cường tiềm lực quốc phòng, thậm chí bật đèn xanh cho Tokyo và Seoul theo đuổi vũ khí hạt nhân.  Ông còn tỏ ra sẵn sàng từ bỏ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cho Trung Quốc, bằng việc phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và muốn rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại này.

Thay vào đó, Trump thể hiện sự quan tâm lớn tới Trung Đông, đặc biệt là cam kết đánh bại tổ chức khủng bố khét tiếng IS. Định hình chính sách đối ngoại như vậy đã được phản ánh trong việc ông lựa chọn 2 tướng Michael Flynn và John Mattis cho vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng, những người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở chiến trường Afghanistan và Iraq hoặc trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh Trung-Mỹ để giành ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương bất ngờ quay trở lại sau cuộc điện đàm giữa Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-Wen tuần trước, làm dấy lên những phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định, cuộc điện đàm này có thể dẫn đến một chuyến thăm Mỹ chính thức của bà Tsai Ing-Wen vào đầu năm sau, động thái chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh. Trump cũng ngày càng mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ và ăn cắp việc làm.

Đặc biệt, có một động thái đáng chú ý hơn cả là việc Trump kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ, tái thiết quân đội.  Trump mạnh mẽ ủng hộ mở rộng quy mô của Hải quân Mỹ từ đội tàu 272 tàu hiện nay lên 350 chiếc. Một nước Mỹ theo đuổi chính sách biệt lập dưới thời Trump và chỉ ưu tiên Trung Đông sẽ không cần một lực lượng Hải quân lớn mạnh như thế chỉ để ra vào, bảo vệ các bờ biển nước này.

Theo đó, giới quan sát cho rằng, việc ông Trump mở rộng lực lượng Hải quân là nhằm chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Trump sẽ không bỏ rơi khu vực này. Đây là tin tốt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, bởi để cạnh tranh với Trung Quốc, Washington sẽ tăng chi tiêu, mua sắm.

img

Tổng thống mới đắc cử Donald J. Trump muốn mở rộng quy mô Hải quân Mỹ 

Đầu tiên, ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các hợp đồng quân sự, có thể nhận được nhiều đơn đặt hàng béo bở trong các thập kỷ tiếp theo. Lầu Năm góc cũng sẽ tăng nhu cầu mua sắm các máy bay chiến đấu mới, đặc biệt là F-35 Joint Strike Fighter (JSF).

Ngoài ra, một người từng là doanh nhân như Trump chắc chắn sẽ muốn thúc đẩy xuất khẩu và vũ khí là một trong những sản phẩm tốt nhất của ngành công nghiệp Mỹ. Hơn nữa đây là lĩnh vực Mỹ có sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường toàn cầu.

Theo đó, Tổng thống Mỹ thứ 45 của Mỹ có thể sẽ không ngại gây áp lực để các đồng minh và đối tác của nước này tại châu Á-Thái Bình Dương để mua vũ khí của Mỹ, nhằm chứng minh mình "lòng trung thành”.

Một thế hệ máy bay chiến đấu tàng hìnhF-22 thứ 5 đã được chế tạo không chỉ cho Không quân Mỹ (USAF) trong khi một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tỏ ý muốn mua chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bao gồm Úc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Chưa kể Trump nhiều khả năng biến việc mua bán vũ khí thành công cụ chính trị, trong đó, ông có thể bán các loại vũ khí tối tân nhất của Mỹ cho Đài Loan bao gồm JFS, thứ mà Đài Bắc khao khát nhằm củng cố quan hệ với vùng lãnh thổ này.   

Hiện Trump vẫn chưa chính thức nhậm chức và chính sách châu Á trong tương lai của ông cũng chưa được hé lộ, song dựa trên những dấu hiệu trên, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ là mối bận tâm đáng kể của Mỹ trong tương lai. Thậm chí, “trục châu Á” của chính quyền Trump có thể còn mạnh mẽ, quyết đoán hơn chính quyền Obama.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem