Ly kỳ những khối đá hình người ở Bình Phước

Thứ hai, ngày 20/10/2014 13:00 PM (GMT+7)
Mấy năm nay, một bãi đá nằm trên vùng đất thiêng của đồng bào S'tiêng ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, được dư luận quan tâm đặc biệt vì có người cho rằng nó bỗng nhiên phát ra những hiện tượng lạ lùng, khi khai quật lên thấy toàn những khối đá hình người…
Bình luận 0
Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh bãi đá này - từ chuyện có hay không việc cúng bái của người dân bản địa tại đây cho đến việc nó có giá trị văn hóa để bảo tồn ra sao…

Chuyện ly kỳ về những người cổ hóa đá linh thiêng

Lộc An là một trong những xã biên giới giáp với vương quốc Campuchia của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, có đông đồng bào dân tộc S'Tiêng sinh sống. Họ là những cư dân bản địa, chủ nhân của vùng đất này từ bao đời nay.

Khoảng năm 2008, trên địa bàn xã, bãi đá cổ này được cơ quan chức năng phát hiện là một quần thể đá ong được sắp đặt theo những hình thù lạ mắt. Tuy nhiên, bãi đá này đã được đồng bào dân tộc S'Tiêng biết từ trước đó rất lâu và họ gọi đó là "Bãi Tiên", hay "ngôi mộ cổ của già làng Rlem", ông tổ nghề rèn của người dân tộc S'Tiêng và có một số truyền thuyết về vòng đá ong, về ngôi mộ này.

"Bãi Tiên" nằm trên một triền đá rộng thoai thoải, cao và nghiêng đều về phía có dòng suối nhỏ, xung quanh có nhiều tảng đá ong bám rêu phong nằm rải rác với nhiều kích cỡ khác nhau, gần như phân bố thành các hình vòng cung gần đồng tâm mà cụm đá ong sắp thành một hình tròn với hai lớp.

Lớp ngoài đường kính khoảng 10m, bên trong hình tròn này là một lớp đá ong được xếp thành một hình gần vuông, với các cạnh khoảng 3m, khoảng cách giữa hai lớp đá này rộng khoảng 1m, bên trong lòng đá ong được phủ lên một lớp đất có chiều cao bằng với bề mặt đá ong…

Ly kỳ những khối đá hình người ở Bình Phước
Bãi Tiên được xem là linh thiêng ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh

Có thể nói, truyền thuyết về già làng Rlem và ngôi mộ cổ lâu nay vẫn được lưu truyền trong cộng đồng người S'Tiêng ở Lộc An, Lộc Ninh và các vùng lân cận. Theo những bậc cao niên trong vùng kể lại thì ngày xưa bãi đá cổ là một quần thể kiến trúc rất độc đáo, với hàng trăm tảng đá ong khổng lồ được sắp rất công phu, tỉ mỉ theo hình Kim Tự Tháp, bao quanh là con suối và nhiều núi đồi.

Trước đây khu vực này cảnh quan rất đẹp mắt, cây cối xum xuê, với nhiều loài hoa rừng khoe sắc. Có lẽ chính vì cảnh quan đẹp như vậy nên được đồng bào S'Tiêng gọi là Bãi Tiên.

Cách đây rất lâu đời, già làng Rlem ở Sóc Bù Gio Tó (nằm phía Đông Bắc xã Lộc An) đã đưa con cháu đến vùng này để khai hoang. Trong một lần phát rừng làm nương rẫy, ông Rlem chặt phải cây tơm tằn (tiếng S'Tiêng) - một loài cây độc nên đã bị chất độc ngấm vào người gây bệnh nặng.

Tuy vậy, do là già làng nên năm ấy vào ngày tổ chức lễ hội phá bàu (một lễ hội truyền thống), già Rlem vẫn đến khu vực "Bãi Tiên" để làm lễ cúng thần, nhưng khi tới nơi thì bệnh tình trở nặng và qua đời. Cái chết của già Rlem khiến dân làng vô cùng tiếc thương nên đã cùng nhau tổ chức lễ mai táng trang trọng ngay tại chỗ.

Đang lúc làm lễ trời đất bỗng nhiên tối sầm, mưa gió và vô cùng lạnh giá, khiến những người dự lễ và đồ vật đều hóa đá, tạo thành cảnh quan như ngày nay (người dân cũng từ câu chuyện này mà ví sự ra đi của già Rlem giống như sự hóa Tiên nên lấy tên gọi Bãi Tiên để tưởng nhớ?).

Ly kỳ những khối đá hình người ở Bình Phước
Tác giả tại Bãi Tiên

Dù nói gì thì truyền thuyết này cũng nhuốm màu huyền bí, tâm linh. Nhưng cũng chính vì thế mà câu chuyện già làng cùng hàng trăm người dân bỗng chốc bị biến thành đá càng khiến cho nhiều thế hệ truyền tụng và tin tưởng như một yếu tố tâm linh.

Nhiều người cho rằng việc hóa đá của bao người như vậy chính là ước nguyện về sự bất tử trong trời đất, thuở mới khai thiên lập địa để mong con cháu người S'Tiêng sau này an cư lạc nghiệp, lấy khu mộ cổ này làm trung tâm để sinh sống, phát triển, từ bỏ cuộc sống du canh du cư. Hơn nữa, cũng từ đó người dân nơi đây có thể đã xem bãi đá như là nơi thờ phụng chung của dân làng.

Có thông tin cho rằng vào năm 2009, khi ba buôn làng của người S'Tiêng ở đây xảy ra dịch bệnh cảm cúm, ngoài việc dùng thuốc của các trung tâm y tế cấp phát miễn phí, người dân còn bấu víu vào niềm tin may mắn từ ngôi mộ cổ này khi hàng ngày, lúc màn đêm buông xuống, họ lại ra tận nơi hoặc từ nhà nghiêm trang gọi tên già làng Rlem để cầu khẩn bằng tất cả sự trân trọng và tin tưởng.

Thậm chí một già làng tên Điểu Khê (SN 1936, xã Lộc An) đã từng cho rằng mình còn nhớ rõ một đoạn khấn cầu mà người S'Tiêng thường hay nói đó là: "Hỡi sự linh thiêng và tôn kính của Rlem. Ngài đã hóa thánh trong lòng mỗi người S'Tiêng. Ngài là ngọn nguồn của mọi sự nảy mầm cuộc sống xinh tươi này. Hỡi các thủ lĩnh, những linh hồn thiêng đã hóa đá ngự trong mộ cổ hãy về nhận lấy sự chân thành từ những tâm hồn S'Tiêng...".

Một di tích cổ độc đáo và có giá trị?

Bên cạnh những ý kiến thừa nhận bãi đá cổ và xem nơi đây như một nơi thờ phụng chung của buôn làng thì cũng có không ít ý kiến cho rằng hoàn toàn không có chuyện cúng bái gì ở đây. Già làng Điểu Khinh (71 tuổi, ấp 2, xã Lộc An) cho biết ông và người dân nơi đây đều có nghe truyền thuyết về già làng Glem đã chết hóa đá ở Bãi Tiên nhưng "từ xưa tới giờ không có ai cúng bái hay tổ chức lễ hội gì ở đó".

Cùng ý kiến này, theo ông Điểu Khé (74 tuổi, ấp 54, xã Lộc An) chia sẻ thì bố mẹ ông rồi đến đời ông ở đây đã qua hàng trăm năm chưa thấy có ai cúng bái gì ở bãi đá này. Tuy vậy ông này lại cho biết người dân ở xã này nếu gặp những trường hợp nghèo khó hay đau bệnh thường ở nhà gọi tên già làng Rlem rồi cầu khấn mong được cứu giúp, phù hộ…

Tuy vậy, nhìn nhận dưới góc độ khoa học, theo tài liệu "Địa điểm khảo cổ học Bãi Tiên (Lộc An, Lộc Ninh, Bình Phước)" của Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (năm 2009), sau quá trình nghiên cứu, thám sát đã nhận định thì Bãi Tiên là loại hình di tích khá đặc biệt lần đầu tiên mà khảo cổ học phát hiện nhưng lại là di tích có kết cấu dạng tròn nên phương pháp xử lý là phải cố giữ được nguyên trạng di tích…

Hơn nữa, tài liệu này còn nhận định rằng "… Truyền thuyết của người S'Tiêng khu vực này cho rằng đây là mộ của ông tổ thợ rèn của họ (từ già làng Rlem) có vẻ như được nhiều người chấp nhận".

Ngoài ra, tài liệu này cũng cho rằng cấu trúc các tảng đá được sắp xếp như hiện trạng là do bàn tay con người. "Trước hết phải nhìn nhận Bãi Tiên là một di tích văn hóa được một cộng đồng cư dân sống trên địa bàn này tạo nên trong quá khứ qua cách thức sắp xếp các tảng đá ong tạo nên một khu vực hoàn toàn đầy đủ ý thức sử dụng nó vào một mục đích nào đó về mặt tinh thần như tín ngưỡng - tôn giáo.

Trên bình diện phân bố của đá ong trên toàn khu vực, đá ong gần như sắp xếp theo hình cánh cung hướng vào các hướng Tây - Tây Bắc, Tây - Tây Nam với cạnh dao động trong khoảng từ 40-50m. Bên cạnh đó nếu quan sát từ trên cao sẽ thấy một cấu hình dạng cánh cung gần như cách đều mà cấu trúc tròn - vuông có vị trí trung tâm chỉ riêng mặt đông và góc đông nam là không thấy có các tảng đá ong.

Còn cấu trúc tròn vuông thì không thể hoài nghi về việc nó được tạo lập từ bàn tay con người nhất là việc sắp xếp các viên đá ong thành các cung tương đối tròn đều còn cấu trúc vuông thì các góc gần như tạo lập thành một góc vuông 90 độ. Cấu trúc đá ong của không gian ngoại vi bao bọc cấu trúc vuông tròn là một công trình văn hóa của con người tạo nên trong quá khứ mang những nét rất riêng mà các nhà dân tộc học cũng như khảo cổ học chưa thể nhận thức về công năng của nó".

Đặc biệt, về niên đại, do không phát hiện được các hiện vật liên quan trong di tích cũng như các di tích cùng loại để so sánh và đoán định niên đại nên vấn đề niên đại của di tích này rất khó xác định, nhưng đây là một di tích cổ là có tính thuyết phục vì khoảng một trăm năm trở lại đây không thấy cộng đồng cư dân nào sử dụng các loại công trình dạng tương tự như một cứ liệu lịch sử cần quan tâm về các công trình kiến trúc có sử dụng đá ong đã xuất hiện khoảng thế kỷ thứ VIII…

Dù thừa nhận còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được ở di tích nhưng tài liệu này khẳng định: "Thông qua các nghiên cứu so sánh và nhận thức logic thì có thể khẳng định Bãi Tiên là một di tích cổ độc đáo và có giá trị cần được bảo vệ giữ gìn để có thể tiếp tục nghiên cứu cũng như giữ lại một di tích văn hóa thuộc loại quý hiếm trong địa bàn Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại xung quanh khu vực "Bãi Tiên" có hai - ba công ty đang khai thác đá. Các mỏ đá đã tiến đến sát gần khu vực này. Để tạm thời cách ly bãi đá, chính quyền địa phương đã cho chăng dây rào bảo vệ xung quanh bãi đá.

Trong công văn số 2964/BVHTTDL-DSVH ký ngày 14/8/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) gửi UBND tỉnh Bình Phước, Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo Sở VHTT và DL phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ địa điểm khảo cổ và cho tạm dừng khai thác đá tại khu vực này.

Trước đó, về việc nghiên cứu địa điểm Bãi Tiên, ngày 26/5/2009 Cục Di sản văn hóa cũng đã có Công văn số 377/DSVH-DT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở VHTT và DL tỉnh Bình Phước phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ di tích, đồng thời cho tạm dừng khai thác đá tại khu vực này; phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch khai quật khảo cổ để nghiên cứu, tìm hiểu về quy mô, ý nghĩa, chủ nhân, niên đại… của di tích trình UBND tỉnh xem xét…

Thông qua kết quả nghiên cứu khảo cổ đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Điểu Sơn, Phó Chủ tịch xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cho biết: "Diện tích khu Bãi Tiên rộng khoảng 2,4ha hiện đang được khoanh vùng để khảo cứu nhằm có kết luận cuối cùng.

Qua kiểm tra thực tế khu vực Bãi Tiên, chúng tôi chỉ nghe truyền thuyết kể lại hồi thời xưa thôi, còn thực tế khu vực đó đồng bào dân tộc S'Tiêng không cúng bái gì cả. Tuy nhiên, để làm rõ hơn chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu khai quật khu vực này".
(Theo VTC New)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem