Ly kỳ vợ khai tử chồng đang còn sống: Xử phạt hành chính người vợ

Duy Hậu Thứ ba, ngày 24/09/2019 11:46 AM (GMT+7)
Bà H’Điêt Yaun (trú tại buôn Yễ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã khai tử chồng mình dù ông này vẫn đang khỏe mạnh. Nghiêm trọng hơn, chính quyền địa phương không cần thẩm tra kỹ mà vẫn ra Giấy chứng tử đối với chồng bà H’Điêt Yaun.
Bình luận 0

Khai tử chồng để bán đất?

Mặc dù ông Y Đuel Niê (SN 1978, trú tại buôn Yễ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn đang khỏe mạnh nhưng ngày 12/4/2016, vợ ông- bà H’Điêt Yaun- đã đến UBND xã trình báo là đã chết do bệnh cách đó hơn 1 năm (chết ngày 1/1/2017).

img

Ông Y Đuel Niê và Trích lục khai tử của chính mình.

Không cần các bước thẩm tra, cán bộ tư pháp xã Ea Kênh đã ra Giấy chứng tử cho ông Y Đuel Niê. Bất ngờ vào tháng 6 vừa qua, ông Y Đuel Niê "sống lại" ra xã làm thủ tục sang nhượng xe.

"Đến lúc này chúng tôi mới phát hiện đã xảy ra sai sót trong quá trình cấp giấy chứng tử cho ông Y Đuel Niê. Ngay sau đó, chúng tôi đã mời ông Y Đuel Niê và vợ ra để làm rõ. Theo bà H’Điêt Yaun thì lý do khai tử chồng là để thuận tiện trong việc bán đất nhưng qua kiểm tra thì đây chưa phải là nguyên nhân"- ông Trần Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Ea Kênh cho biết.

Cũng theo ông Vinh, do tin tưởng mà cán bộ tư pháp xã là bà Nguyễn Thị Minh Sương đã làm thủ tục ra Giấy chứng tử cho ông Y Đuel Niê và được bà Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch UBND xã ký.

Ông Vinh cũng thừa nhận, cán bộ tư pháp xã đã làm sai quy trình. "Đúng ra đơn trình báo của công dân phải có xác nhận của cán bộ thôn, buôn. Nhưng có lẽ cán bộ tư pháp không nghĩ vợ lại đi khai gian dối việc chồng chết nên đã không thẩm tra kỹ"- ông Vinh nói.

Trao đổi với phóng viên, bà H’Điêt Ayun cho biết: “Ban đầu tôi vay ngân hàng 800 triệu đồng để mua xe ô tô 7 chỗ chạy dịch vụ và vay thêm của người quen 400 triệu đồng. Đến lúc đáo hạn ngân hàng, tôi mới sang nhượng 2,1 ha đất cho người quen và được người này bày là nên khai tử cho chồng để khi đi vay tiền sẽ thuận lợi hơn.

img

Bà H’Điêt Yaun lý giải việc khai tử chồng chỉ nhằm để bán đất thuận lợi.

Theo ông Trần Thành Vinh, sau khi phát hiện vụ việc, UBND xã đã làm các thủ tục để hủy bỏ Giấy chứng tử, khôi phục lại quyền công dân cho ông Y Đuel Niê. Đồng thời, UBDN xã cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà H’Điêt Yaun.

Sự việc rất nghiêm trọng!

Theo chị H’Loen Niê, em gái ông Y Đuel Niê, hiện hai vợ chồng anh trai mình trắng tay, đất đai đã bán hết. Chị dâu thì về sống nhờ chị họ của mình, anh ruột thì về sống nhà mẹ nuôi. Hai người vẫn còn 2 đứa con nhỏ, một đứa học lớp 5 và một đứa học mẫu giáo. "Cần phải làm rõ mục đích của việc này, ai là người hưởng lợi và cái lợi đó là gì?"- chị H’Loen Niê bức xúc.

Chủ tịch UBND xã Ea Kênh cho biết, trước mắt UBND xã đã họp để đưa ra biện pháp xử lý đối với các cán bộ liên quan đến sự việc hi hữu trên. Cuộc họp đã thống nhất sẽ chuyển vị trí công tác đối với bà Nguyễn Thị Minh Sương.

Luật sư Tạ Quang Tòng- Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk- cho biết Giấy chứng tử là một chứng từ hết sức quan trọng, liên quan đến hàng loạt các vấn đề cần xử lý sau khi công dân chết.

img

UBND xã Ea Kênh, nơi xảy ra sự việc hi hữu.

Do đó, trước khi ra Giấy chứng tử thì cán bộ tư pháp cần phải thẩm tra kỹ. Nếu chết ở bệnh viện thì phải có chứng tử của bệnh viện, nếu chết ở nhà thì phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, thôn trưởng... Sau khi thẩm tra xong, cán bộ tư pháp mới vào sổ bộ và ra Giấy chứng tử.

"Trước tiên, Giấy chứng tử sẽ là chứng từ để xin cấp đất chôn người chết. Nếu người chết có tài sản thì đây sẽ là chứng từ để làm thừa kế hoặc dùng để xác nhận công nợ do người chết để lại…Nói chung đây là một chứng từ hết sức quan trọng đối với một người sau khi chết, nên dù có làm giả vì bất kỳ lý do gì thì những người làm ra nó cũng phải bị xử lý"- luật sư Tạ Quang Tòng cho biết.

Cũng theo luật sư Tòng, đối với người khai báo (trường hợp cụ thể ở đây là bà H’Điêt Ayun) nếu chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hành chính. Nếu việc này gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.

Đối với cán bộ thẩm tra, ban hành Giấy chứng tử cũng sẽ bị xử lý hình sự nếu việc ban hành giấy này gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý kỷ luật.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Trần Duy Trường, Trưởng Công an huyện Krông Pắk, cho biết hiện cơ quan công an đang thu thập hồ sơ để điều tra, làm rõ. Việc có xử lý hình sự các đối tượng làm giả Giấy chứng tử cho ông Y Đuel Niê vẫn chưa thể quyết định.

"Đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng nên không thể nói là do "tin tưởng người khai báo". Nếu sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tất cả cán bộ và người khai báo đều phải bị xử lý hình sự. Tất cả những người tiếp tay cho việc này đều là đồng phạm"- luật sư Tòng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem