Mái đầu bạc và điệu xòe không tuổi

Thứ năm, ngày 22/05/2014 07:14 AM (GMT+7)
Ông là người đã sưu tầm, phục dựng lại 6 điệu xoè cổ tưởng như đã có lúc thất truyền của người Thái và là khởi nguồn của 36 điệu xoè hiện đại ngày nay.
Bình luận 0
Người dân tộc Thái ở Mường Lò (Yên Bái) gọi ông bằng cái tên trìu mến: Thầy Biến.

Để giữ mãi điệu xòe “không tuổi”

Suối Giàng ở độ cao trên 1.000m, từ đây phóng tầm mắt có thể thu trọn cánh đồng Mường Lò ngút ngàn đang vào mùa lúa chín được ôm ấp bởi dòng suối Nậm Thia. Như một sự may mắn kỳ lạ, trong hành trình về với mảnh đất Tây Bắc huyền bí, tôi được gặp nghệ nhân Lò Văn Biến – pho sử sống của văn hóa Thái.

Ông Lò Văn Biến (phải) và ông Cầm Ngoan đang làm nhạc cụ khèn bè cho đêm múa xòe của bản.
Ông Lò Văn Biến (phải) và ông Cầm Ngoan đang làm nhạc cụ khèn bè cho đêm múa xòe của bản.

Ông Biến kể: Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in những buổi theo mế đi xem múa xòe và câu nói của Vua Thái Đèo Văn Long khiến tôi không khỏi trăn trở: “Ham mê nghệ thuật xòe khiến tôi thực vất vả, tốn kém... Nhưng rồi mọi người sẽ nhớ đến tôi – người vun trồng và phát triển nghệ thuật múa xòe ngay trên quê hương rừng rú này”. Để thực hiện và giữ cho điệu xòe của dân tộc mình mãi không có tuổi, ngay từ thuở lên 7 tuổi, ông Biến đã nhận biết được ý nghĩa của việc học chữ Thái.

Ông cho hay: Để học chữ Thái, tôi đã thuê ông thầy mo dạy với giá 15kg thóc/đêm. Để có thể đọc, viết và nhận biết được con chữ, tôi tiêu tốn 4 bung thóc, tức hơn 60kg thóc. “Sau khi đã thành thạo chữ Thái, tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu những tập thơ, ca dao, tục ngữ. Đặc biệt, những bài hát nói về đạo sống của con người… và những điệu xòe cũng được lưu truyền từ đó” - ông Biến cho hay.

Cuộc sống của người Thái cứ trôi đi cùng bao mùa lúa ngô trĩu hạt, và điệu xòe ở Mường Lò vẫn giữ được bản sắc với những nét độc đáo riêng là nhờ có những người như ông Biến.

Say nghề thì phải truyền nghề


Rời nhà từ khi mặt trời chưa tắt nắng, ông Biến tới nơi cũng là lúc chị em trong bản đã tạm gác lại những lo toan đồng áng, gia đình để thắt lưng ong, mặc áo cóm, quấn dây xà tích sẵn sàng cho buổi tập. Phụ nữ Thái vẫn thường bảo nhau “váy áo phải đẹp thì xòe mới dẻo, mới hay được”. Thật hiếm có người già nào lại có tâm hồn trẻ trung nhiệt huyết, đôi chân bền bỉ dẻo dai như “thầy Biến” vậy. Quanh năm suốt tháng ông lặn lội một mình đi đến các bản gần mường xa truyền dạy những điệu múa xoè, những bài hát của dân tộc Thái đen.

"Lúc nào mòn chân, mỏi gối, mắt mờ tay chậm mà không “xòe” được nữa, lúc ấy mới thực sự đáng buồn”.

Ông Lò Văn Biến

Theo chân ông Biến đến buổi dạy xòe tại bản Cang Nà, chúng tôi mới thấu hiểu được sự say nghề của ông. “Để tập được 6 điệu xòe thì mất phải khoảng thài gian khá lâu. Chủ yếu em tập vào buổi tối, vì ngày em còn phải đến lớp”- cô gái Lò Minh Nguyệt bộc bạch.

Ông Biến yêu và gắn bó với công việc này như một lẽ tự nhiên, không hưởng lương, cũng chẳng trợ cấp, có chăng chỉ là một tình yêu vô tận với những điệu xòe quê hương. “Sống cả đời với khèn bè, áo cóm, với múa xòe rồi, đâu có cần phải được vinh danh nghệ nhân. Lúc nào mòn chân, mỏi gối, mắt mờ tay chậm mà không “xòe” được nữa, lúc ấy mới thực sự đáng buồn… Truyền nghề mấy chục năm nay, để kể về những trở ngại có lẽ phải nhắc đến những đêm ướt sũng người rong xe 4 – 5km đường đồi để về đến nhà” - ông nói.

Thị xã Nghĩa Lộ vẫn đang đổi thay, phát triển từng ngày và phấn đấu trở thành thị xã văn hóa du lịch, lấy không gian văn hóa múa xòe là chủ thể. Rời Cang Nà, thoảng bên tai tôi vẫn vang lên những câu hát về núi rừng Tây Bắc và hình ảnh một ông lão tóc dài trắng đang gò lưng cặm cụi giữa những trang sách Thái cổ, rồi lại dẻo tay trống giữa dập dìu váy áo của vòng xòe Mường Lò quyến rũ...

Ngô Xuân (Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem