dd/mm/yyyy

Mạnh tay đầu tư nửa tỷ đồng mua “chim sắt” phun thuốc trên đồng

Năm 2020, anh Lê Ngọc Hoàng (SN 1968) ở thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư nửa tỷ đồng mua "chim sắt" - thiết bị bay không người lái loại 8 cánh chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phục vụ việc đồng áng của gia đình và một số nông dân trên địa bàn huyện.

Nông dân đầu tiên mạnh dạn đầu tư nửa tỷ đồng mua "chim sắt" - thiết bị bay không người lái loại 8 cánh chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phục vụ việc đồng áng của gia đình và một số nông dân trên địa bàn huyện.

Gần nửa năm nay, nhờ có máy bay không người lái chuyên phun thuốc BVTV, gia đình anh Ngọc Hoàng đã bớt đi những vất vả, lo toan việc đồng áng.

Kiên trì bắt đất cằn cho quả ngọt

Dẫn chúng tôi thăm trang trại cây ăn quả lúc lỉu đầy những quả ngọt, nào là bưởi, nào là ổi, nào là nhãn được trồng thành từng khu riêng biệt, khu vườn cây ăn quả nào cũng sai trĩu cây ăn quả, anh Hoàng không giấu được niềm tự hào. 

Anh cho biết, năm 2006, giữa lúc chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng đi mới, anh đã mạnh dạn bàn với gia đình thuê thầu diện tích quỹ đất công của xã trồng lúa kém hiệu quả để cải tạo đất, trồng cây ăn quả.

Mạnh tay mua “chim sắt” phun thuốc trên đồng   - Ảnh 1.

Anh Lê Ngọc Hoàng kiểm tra động cơ máy bay không người lái phun thuốc BVTV. Ảnh: Thu Hà

Mạnh tay mua “chim sắt” phun thuốc trên đồng   - Ảnh 2.

Thiết bị bay không người lái được ví là con "chim sắt" của anh Hoàng hoạt động hiệu quả trên đồng ruộng.

Anh Hoàng cho biết, nếu như trước đây anh phải thuê 14 - 15 nhân công lao động để phun 2,4ha vườn cây ăn quả thì từ khi có máy bay phun thuốc, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là xong hết. Thiết bị bay phun thuốc BVTV chứa được 10 lít thuốc mỗi lần phun.

Hiện với diện tích 7 mẫu đất (hơn 2ha), anh Hoàng đang trồng khoảng 500 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và đào ao thả cá. Những vườn cây được anh đầu tư trồng theo hàng lối, đẹp như bức tranh. 

Tính sơ sơ, mỗi năm anh Hoàng xuất bán hơn 40 tấn ổi, bưởi, nhãn và 3 tấn cá các loại.

Anh Hoàng phấn khởi cho hay: Sau 14 năm dốc công dốc sức chăm bẵm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đất đã không phụ công người. Đến nay, vườn cây của anh đang phát triển rất tốt, cho quả đều. Nhờ chất lượng trái cây thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng ưa chuộng, thương lái đến tận vườn thu mua. 

Mỗi năm, doanh thu từ trang trại đạt khoảng 650 - 700 triệu đồng, trừ chi phí các khoản, gia đình anh thu lãi trung bình 300 - 350 triệu đồng.

Điều đặc biệt, mô hình trồng cây ăn quả trên đất hai lúa của anh Hoàng hiện đã trở thành địa chỉ để nhiều nông dân trong và ngoài xã đến tham quan học hỏi. Ai đến cũng được anh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như nhãn lồng Hưng Yên, trồng cam, bưởi Diễn, chuối tây…

Nông dân 4.0 tiêu biểu

"Máy bay phun thuốc BVTV có thể điều chỉnh bay nhanh hay bay chậm, cao hay thấp tùy ý. Với sự hỗ trợ của máy móc, sản xuất nông nghiệp bây giờ đã nhàn hơn rất nhiều, nhất là không bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe...".

Anh Lê Ngọc Hoàng

Theo anh Hoàng, việc sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng là điều không thể tránh khỏi để phòng chống dịch bệnh, sâu hại. Tuy nhiên, đây thực sự là công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân và còn gây ô nhiễm môi trường.

"Mỗi khi bước vào chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, việc tìm kiếm nhân công phun thuốc rất khó khăn, do công việc mang tính độc hại cao. Với diện tích 2,4ha đất trồng trọt, vào những lúc cao điểm, gia đình tôi phải thuê cả chục nhân công để phun thuốc, với giá lên tới cả triệu đồng/người/ngày. Ấy vậy mà có lúc vẫn không thuê được người làm" - anh Hoàng nhớ lại.

"Đọc báo, xem tivi tôi thấy nhiều nơi đã sử dụng máy bay không người lái vào canh tác nông nghiệp, nhất là phun thuốc BVTV, rất hiện đại và chuyên nghiệp. Tôi luôn ao ước sẽ có ngày sở hữu chiếc máy bay này để thay thế sức người làm công việc nặng nhọc, độc hại này" - anh Hoàng tâm sự.

Năm 2020, anh Hoàng là nông dân đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng mua một chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc BVTV. Qua vụ đầu tiên thử nghiệm, mô hình máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu đã cho thấy sự ưu việt hơn hẳn so với phương pháp sử dụng bình phun thuốc truyền thống. 

Theo đó, những hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, giúp giảm thiểu lượng nước cần dùng để pha thuốc mà vẫn bảo đảm trải đều bề mặt ruộng, mang lại hiệu quả cao.

Anh Hoàng phấn khởi cho biết: Nếu như trước đây anh phải thuê 14 - 15 nhân công lao động để phun 2,4ha vườn cây ăn quả thì từ khi có máy bay phun thuốc, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là xong hết. Thiết bị bay phun thuốc BVTV chứa được 10 lít thuốc mỗi lần phun. Bên cạnh đó, dùng máy bay phun thuốc BVTV còn giảm được 1/3 lượng nước dùng pha thuốc mà vẫn bảo đảm thuốc có thể trải đều mặt rộng.

"Máy bay phun thuốc BVTV có thể điều chỉnh bay nhanh hay bay chậm, cao hay thấp tùy ý của người điều khiển. Với sự hỗ trợ của máy móc, sản xuất nông nghiệp bây giờ đã nhàn hơn rất nhiều, nhất là không bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe so với sử dụng bình phun đeo trên vai như trước kia" - anh Hoàng thông tin thêm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phong - ông Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: Ở địa phương, anh Lê Ngọc Hoàng là một trong những nông dân đi đầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy đã góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài việc dùng thiết bị bay không người lái phục vụ nhu cầu của gia đình, anh Hoàng cũng nhận thêm dịch vụ phun thuốc BVTV cho người dân quanh vùng với mức phí 20.000 đồng/sào lúa, 40.000 đồng/sào cây ăn quả. Đây chính là hình mẫu nông dân 4.0 tiêu biểu của địa phương.

 

 

Thịnh Đức