Mất mạng vì bia rượu - đàn ông Việt vẫn chưa sợ!

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 26/03/2016 06:41 AM (GMT+7)
90% nam giới dùng bia rượu, gần 96% dùng bia rượu tự nấu, trong khi 50% số rượu đó có methanol – “chất độc” gây chết người.
Bình luận 0

Đang nhậu “lăn ra” chết

Ngày 19.2.2016, người dân tại xã Lương Hoà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An kinh sợ chứng kiến hai người đàn ông chết gục trên bàn nhậu. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Đ (59 tuổi) và ông Huỳnh Văn D, người dân xã Lương Hoà. Người nhà cho biết, ông Đ và ông D tổ chức nhậu mừng năm mới suốt từ sáng đến khoảng 13 giờ thì người nhà phát hiện hai ông nằm gục trên bàn nhậu. Mọi người vẫn nghĩ hai ông nhậu say nên ngủ quên, tuy nhiên lại gần thì hai ông đã tắt thở. Được biết, rượu hai ông uống là rượu gạo tự nấu.  Các vụ chết trên bàn nhậu tại Việt Nam không hiếm. Ngày 29.10.2015, tại thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cũng có hai bợm nhậu ngộ độc rượu khiến 1 người chết ngay trên bàn nhậu, 1 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân là ông Nguyễn Trung Dũng (54 tuổi) và Võ Chí Hoà (58 tuổi). Hai ông thi nhau uống rượu, ông Dũng uống 3 chén thì “chấp” ông Hoà hết 2 chén. Uống chừng 2 lít rượu thì ngộ độc.

img

Một vụ ngộ độc rượu được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai.  

  Ảnh: Diệu Linh

Tháng 3.2011, buổi nhậu sau đám tang kéo dài… 3 ngày (từ 15-18.3.2011) đã khiến 5 “đệ tử Lưu Linh” tại thôn 7, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tử vong. 4 nạn nhân tử vong sau buổi nhậu 1 ngày, còn 1 người tử vong sau 3 ngày.

Đáng nói các vụ việc nói trên đều do uống rượu tự nấu hoặc mua rượu được quảng cáo là “tự nấu” từ người quen, người qua đường.

img

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2007 -2015 đã có 50 vụ ngộ độc rượu khiến 285 người mắc và 87 người tử vong. Trong đó, ngộ độc do rượu trắng (rượu tự nấu) chiếm 12 vụ khiến 86 người mắc, 28 người tử vong; rượu trắng có methanol cao (rượu giả, rượu pha methanol) là 11 vụ, khiến 91 người mắc, 30 người tử vong. Ngoài ra là do rượu ngâm thuốc, ngâm cây rừng, ngâm củ ấu – cũng là rượu tự nấu, tự chế.

Chết vì nghĩ “an toàn”

Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, người dân Việt thường có thói quen uống rượu tự nấu vì cho rằng, rượu mình nấu bằng gạo, ngô, không bỏ hoá chất, không pha nước lã là “chất” nhất, an toàn nhất.

Kết quả nghiên cứu “Tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách y tế từng thực hiện cho thấy, ở Việt Nam, có tới 95,7% người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% người dân thích uống rượu tự nấu thủ công. Rượu nấu thủ công hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/ năm và con số này tăng từ 8-10%/năm.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, độc tố sinh ra trong quá trình nấu rượu ở trong rượu tự nấu cao gấp hàng trăm lần so với rượu nhà máy, rượu nhập ngoại. Cụ thể như hàm lượng axit axetic trong rượu thủ công là 1.400mg/lít và aldehyt axetic 1.235mg/lít, trong khi đó rượu nhà máy của Việt Nam sản xuất và rượu của Nga chỉ dưới 20mg/lít. Đây là những chất khiến người uống nhanh say, làm thủng dạ dày hoặc có hại đến sức khoẻ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, 57,72% hộ gia đình Việt Nam dùng rượu bia thường xuyên. Tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Đồng thời chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ nghèo có sử dụng rượu, bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu, bia”.

Ngoài ra, hàm lượng methanol – chất độc gây tử vong nhanh chóng có trong rượu tự nấu rất cao. Một số kiểm nghiệm của Bộ Y tế sau các vụ ngộ độc rượu tự nấu cho thấy, rượu sữa và nếp đục có hàm lượng chất methanol cao hơn mức cho phép từ 200-700  lần.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cứ 2 ly rượu tự nấu có 1 ly có nguy cơ gây tử vong cho người dùng” - ông DomLaVigne – Giám đốc Quan hệ chính phủ và công chúng Khu vực châu Á- Thái Bình Dương/Trung đông nhận định. Theo ông DomLaVigne, chỉ cần 40ml methanol là có thể gây chết người và 10ml methanol sẽ gây mù mắt. Như vậy, nếu nồng độ methanol có trong rượu cao thì người uống có thể tử vong sau vài ba chén rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc rượu chiếm khoảng 8-10% các ca ngộ độc nhập viện (khoảng vài chục ca mỗi năm). Trong khảo sát nhỏ của Trung tâm Chống độc trên 30 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện, có đến 83,3% bệnh nhân uống cho vui mà không biết rõ về loại rượu đang uống, 10% do tự tử. Đáng nói có 6,7% người uống cố ý uống rượu có pha cồn công nghiệp cho đủ độ phê (người nghiện nặng). Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, não bị tổn thương, suy gan thận dẫn đến tử vong hoặc mù mắt.

Cấm bán cho trẻ em

img

“Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia- thuốc lá dự định sẽ ban hành vào năm 2017. Luật sẽ có chương quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng rượu bia như: Ghi cảnh báo sức khoẻ lên vỏ chai; cấm bán rượu bia trong khuôn viên bệnh viện, trường học, nơi vui chơi của trẻ; không được bán rượu bia cho trẻ em; lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca trong các ngày làm việc… Có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng các điều này rất khó thực hiện, tuy nhiên theo tôi luật thể hiện ý chí của nhà quản lý, mang tính định hướng, dẫn dắt hành vi chứ không phải quy định là xử phạt ngay được. Luật mang tính chất giáo dục truyền thông, sau đó răn đe, cảnh cáo, từ đó nâng cao ý thức của người dân, sau đó mới có các hình thức xử phạt”.

Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế)

Tiêu thụ rượu bia của VN năm “top” 25

img

“Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và giám tiếp gây ra 200 bệnh tật, chấn thương. Các bệnh thường có nguyên nhân từ bia rượu như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; xơ gan, bệnh đường tiêu hoá, rối loạn tâm thần, trầm cảm... Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, trong đó gây ra 20% các ca tử vong do tai nạn giao thông, 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người. Trong khi đó, lượng bia rượu tiêu thụ ở Việt Nam nằm trong top 25 của thế giới. Mỗi năm, người Việt tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia, gần 68 triệu lít rượu. Mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. 

Bà Phạm Thị Hoàng Anh- Giám đốc Tổ chức Health Brdge Canada tại Việt Nam)

Không uống quá 250ml bia/ngày

img

“Với người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20g/ngày, với nữ giới không nên quá 10g/ngày, tương đương một ngày nữ không uống quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39,9%; nam không quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39,9%. Khi thấy người uống rượu có các dấu hiệu kích thích, rối loạn ý thức, hôn mê, nôn, thở chậm, hạ thân nhiệt… thì nên đưa họ đến cơ sở y tế để được cấp cứu”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem