dd/mm/yyyy

Mật ong Sam Mứn, sản phẩm tiêu chuẩn 4 sao của Điện Biên

Mật ong là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Với thuận lợi về thiên nhiên, Điện Biên đang phát huy lợi thế tạo ra những sản phẩm mật ong thượng hạng. Hợp tác xã ong mật Điện Biên với những sản phẩm ưu việt, đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Điện Biên là một trong những tỉnh có lợi thế về khí hậu, thiên nhiên để phát triển nghề nuôi ong. Những đàn ong đã cho người dân "lộc trời" mà không phải vùng đất nào cũng có được. Nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành một nghề đem đến sinh kế bền vững tạo nguồn thu nhập ổn định. Để người dân không nuôi ong tự phát, đồng thời phát triển thương hiệu mật ong Điện Biên đến với khách hàng, Hợp tác xã (HTX) ong mật tại đội 10, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) được ông Nguyễn Tiến Đạt thành lập.

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 1.

Qúa trình chăm sóc ong phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như: Di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn... có như vậy ong mới không bỏ đi.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Kinh nghiệm nuôi ong của người dân chưa có. Với họ chỉ nuôi tự phát, bắt ong rừng về đóng hòm nuôi, không chăm sóc. Để ong phát triển tự nhiên, mỗi năm vắt mật vài lần. Vì thế đàn ong không thể phát triển, cho mật tốt và nhiều". Để người dân có kỹ thuật, ông Đạt đã hướng dẫn bà con cách nuôi, chăm sóc đàn ong. Thời điểm quay mật thích hợp trong năm, những tháng mùa đông, mùa mưa phải cho ong ăn thêm để duy trì đàn. Vệ sinh hòm ong cẩn thận, phát hiện kịp thời các bệnh của ong để có cách chăm sóc tốt hơn".

Có sản phẩm mật ong, nhưng hướng đến phát triển bền vững, cho người dân thu nhập cao là điều mà ông Đạt luôn đau đáu trong đầu: "Làm ăn kiểu tự phát của người dân thì biết đến bao giờ mới có của ăn, của để. Mà thương hiệu mật ong Điện Biên cũng chẳng ai biết đến. Vì thế năm 2019, tôi quyết định thành lập HTX ong mật Điện Biên. Lúc thành lập HTX chỉ có 9 thành viên là những người có kinh nghiệm nuôi ong. Chúng tôi quyết tâm đưa sản phẩm mật ong ra thị trường, từng bước tạo thương hiệu mật ong Điện Biên" ông Đạt chia sẻ them.

Đến nay, với quy mô hơn 1.600 thùng ong, HTX đã phát triển với 4 sản phẩm chủ lực: Mật ong các loại hoa rừng, mật ong bánh tổ, phấn hoa và sữa ong chúa. Chỉ hơn 1 năm thành lập, với kinh nghiệm vốn có của mình và các thành viên HTX, sản phẩm mật ong Điện Biên đã được khách hàng đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm của HTX không đủ cung cấp ra thị trường.

 "Khách hàng lựa chọn sản phẩm của chúng tôi rất nhiều, một số sản phẩm như sữa ong chúa, phấn hoa, mật ong hoa ban không đủ cung cấp ra thị trường. Mới đi vào hoạt động, nhưng 2 sản phẩm mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ của HTX đã được UBND tỉnh Điện Biên cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao". Ông Đạt cho biết.

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 3.

Hiện nay, HTX ong mật Điện Biên đã nhân đàn ong lên 1.600 đàn.

Theo ông Đạt thì với quy mô hơn 1.600 đàn ong nuôi tự nhiên, mỗi năm hợp tác xã ong mật Điện Biên cho sản lượng hàng 100 tấn mật ong thô. Nhờ  đặc điểm khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, HTX ong mật Điện Biên đã thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để phát triển đàn ong nuôi. Dù là mật ong nuôi nhưng sản phẩm mật thu được đặc quánh, mầu nâu đậm, vị ngọt sắc. Chất lượng mật ong của  HTX không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 4.

Sản phẩm mật ong của HTX ong mật Điện Biên được trưng bầy, bán ở chuỗi các siêu thị, các của hàng bán các sản phẩm nông nghiệp hay cửa hàng đặc sản vùng miền trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong của HTX, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Ngoài những vụ mật chính kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Tôi và các thành viên trong HTX còn sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông. Trên địa bàn rừng núi rộng lớn của huyện Điện Biên hay xã Sam Mứn, có 2 loài hoa rừng nở vào mùa đông mà ong có thể làm ra mật là hoa chó đẻ và hoa ngũ gia bì. Mật lấy từ 2 loài hoa rừng này có vị hơi hơi đắng nhưng nó có tác dụng như một vị thuốc nam. Đây được xem là đặc sản mật ong mùa đông của HTX ong mật Điện Biên".

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ nhiệm HTX ong mật Điện Biên cho biết sản phẩm mật ong của HTX có chất lượng tương đương với mật ong rừng, mật đặc quánh, mầu nâu đậm, vị ngọt sắc.

Hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động sang năm thứ 2. Hiện nay, mỗi hội viên có từ vài chục đến vài trăm đàn ong. Nhờ kinh nghiệm nuôi ong được tích lũy, nắm bắt được các đặc tính của ong, nên sản lượng mật năm sau cao hơn năm trước. Sản phẩm mật ong đến nay đã được thị trường chấp nhận. Nhiều siêu thị tại Điện Biên, Hà Nội đã đặt mua những dòng sản phẩm của HTX.

HTX ong mật Điện Biên cũng đã được UBND huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Điện Biên ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm mật ong của HTX ong mật Điện Biên đã có nhiều khách hàng biết đến", ông Đạt nói thêm.

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 6.

Sản phẩm mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ, là 2 sản phẩm mật ong của HTX ong mật Điện Biên được UBND tỉnh Điện Biên cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao.

Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã ong mật Điện Biên có khoảng 30% lượng khách hàng tìm hiểu và xin thông tin về sản phẩm đã liên hệ lại và đặt hàng các sản phẩm mật ong của HTX. Các sản phẩm mật ong của HTX được thị trường tiêu thụ tiếp nhận ở các chuỗi siêu thị, các của hàng bán sản phẩm nông nghiệp hay cửa hàng đặc sản vùng miền...

Ông Đỗ Xuân Đoàn, Thành viên tham gia HTX ong mật Điện Biên chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi có truyền thống nuôi ong lấy mật nhưng quy mô nuôi chưa lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao và ổn định. Từ khi tổ hợp nuôi ong được thành lập, tôi đã tham gia HTX, được tập huấn thêm về kỹ thuật chăm sóc và nuôi ong lấy mật. Tôi đã phát triển quy mô đàn ong lên gấp nhiều lần. Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu sắc về các loài hoa, cũng như mùa ong đi lấy mật. Giờ đây tôi đã phát triển đàn ong lên đến 400 đàn, mang lại thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng".

Điện Biên: Xây dựng thương hiệu mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP - Ảnh 7.

Ông Đỗ Xuân Đoàn, Đỗ Xuân Kết là những người đầu tiên đưa ong rừng về nuôi và phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Năm 2019, ông Đoàn và ông Kết tham gia HTX ong mật Điện Biên vừa là thành viên chủ chốt vừa tư vấn kỹ thuật cho HTX.

Theo ông Đạt: "Trong thời gian tới, để sản phẩm mật ong Điện Biên vươn xa ra thị trường, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm mật ong của Hợp tác xã, Hợp tác xã ong mật Điện Biên rất cần các cấp, ngành có liên quan tạo điều kiện hơn nữa để Hợp tác xã tham gia nhiều sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Điện Biên đến với người tiêu dùng, góp phần xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong Sam Mứn, Điện Biên".

Vinh Duy